Cần có giải pháp cải tạo cây cam, quýt trước nguy cơ suy giảm diện tích.
Thực trạng diện tích cam, quýt
Anh Lưu Minh Trường (xã Quang Thuận, Bạch Thông) từng thu hơn 100 triệu đồng/năm từ 3ha quýt. Tuy nhiên, do sâu bệnh và canh tác dài ngày, năng suất giảm, cây chết dần. Anh buộc phải chặt bỏ phần lớn diện tích, chuyển sang trồng quế, bạch đàn, keo, hiện chỉ còn khoảng 200 cây quýt cho thu hoạch.
Không riêng gì anh Trường, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Hàng loạt vườn quýt lâu năm bị thoái hóa, già cỗi và chết dần, buộc người dân phải chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Ông Đàm Mạnh Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bạch Thông cho biết, diện tích cây có múi giảm mạnh, toàn huyện hiện còn khoảng 700ha quýt, 200ha cam, giảm gần 400ha so với trước đây.
Do cây bị bệnh, thoái hóa, anh Lưu Minh Trường, xã Quang Thuận đã chặt bỏ phần lớn diện tích cây quýt thay thế bằng cây lâm nghiệp.
Nguyên nhân suy giảm diện tích cam, quýt
Theo ông Lộc Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm diện tích cam quýt là do cây đã già cỗi, đất bạc màu sau nhiều năm canh tác. Mặc dù người dân đã cố gắng cải tạo đất nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện đáng kể. Điều này khiến nhiều hộ dân quyết định chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp hoặc các loại cây ăn quả khác như ổi, táo, thanh long.
Vườn quýt của một hộ dân ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông buộc phải chặt bỏ do cây bệnh, năng suất kém.
Ngoài ra, theo các cơ quan chuyên môn, sự xuất hiện của nhiều loại dịch bệnh như bệnh vàng lá gân xanh (Greening) và bệnh nấm rễ đã khiến cây còi cọc, giảm năng suất, thậm chí chết hàng loạt, nhiều hộ dân buộc phải chặt bỏ toàn bộ vườn cây để tránh lây lan.
Việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian dài cũng khiến đất canh tác bị cứng, mất đi độ tơi xốp, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Một gốc quýt bị thoái hóa, không có khả năng phục hồi.
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định. Mặc dù cam, quýt Bắc Kạn được đánh giá có chất lượng tốt, nhưng đầu ra chủ yếu vẫn dựa vào thương lái và bán lẻ ngoài thị trường. Chưa có doanh nghiệp lớn hoặc hợp đồng tiêu thụ dài hạn, dẫn đến giá cả bấp bênh, có năm được giá nhưng có năm lại giảm mạnh, gây tâm lý bất ổn cho người trồng.
Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng cho biết nguyên nhân diện tích cây cam, quýt giảm.
Giải pháp duy trì và phát triển cây cam quýt
Trước nguy cơ diện tích cây cam quýt ngày càng suy giảm, việc tìm ra giải pháp để khôi phục và phát triển loại cây trồng này là vô cùng cần thiết. Một trong những hướng đi quan trọng là cần có sự nghiên cứu của nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, cải tạo đất và phòng trừ sâu bệnh, đưa vào trồng loại quýt có khả năng kháng bệnh.
Phần lớn những cây quýt bị bệnh thường có các biểu hiện vàng lá, thối rễ. (Trong ảnh: Nhiều hộ đã trồng cây lâm nghiệp dưới tán quýt để thay thế dần cây quýt).
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Quy hoạch hợp lý trong việc chuyển đổi cây trồng về lâu dài, có kế hoạch cụ thể để đảm bảo sự cân bằng trong sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một loại cây trồng nhất định.
Theo thống kê, diện tích cây cam, quýt cho thu hoạch toàn tỉnh năm 2023 là 2.500ha, sản lượng đạt hơn 26.000 tấn. Năm 2024, diện tích này giảm còn 2.000ha, sản lượng đạt gần 24.000 tấn. Các huyện có diện tích cây có múi lớn gồm Bạch Thông (900ha), Na Rì (hơn 320ha) và Chợ Đồn (hơn 460ha)…
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, cây cam quýt Bắc Kạn vẫn có tiềm năng phát triển nếu có giải pháp phù hợp. Sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương và sự chủ động của nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra ổn định sẽ là yếu tố quyết định giúp cây có múi Bắc Kạn lấy lại vị thế của mình./.
Thu Trang
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/bac-kan-tim-giai-phap-khoi-phuc-dien-tich-cay-co-mui-post69359.html