Ngày 26/4, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).
Ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bìa phải) trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng cho đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng là di tích hàm chứa những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ.
Cùng với những phát hiện khảo cổ học tại nhiều địa phương khác, thì những phát hiện các vết tích văn hóa vật chất được sưu tầm, khai quật tại Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng đã góp phần xác định về lịch sử một vương quốc Phù Nam cổ đại đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á có lãnh thổ rộng lớn bao trùm cả vùng Nam Đông Dương và Malaysia.
Những tư liệu khảo cổ học thu thập được trở thành nền tảng quan trọng trong lịch sử buổi đầu dựng nước của vùng đất Nam Bộ.
Tháp Vĩnh Hưng mang tính tiêu biểu và độc đáo, là "kiến trúc dạng tháp ở Nam Bộ còn nguyên dạng" và mang "tính chất duy nhất của một nền kiến trúc còn lại trên mặt đất của văn hóa Óc Eo".
Tháp Vĩnh Hưng mang tính tiêu biểu và độc đáo, là "kiến trúc dạng tháp ở Nam Bộ còn nguyên dạng" và mang "tính chất duy nhất của một nền kiến trúc còn lại trên mặt đất của văn hóa Óc Eo".
Sự hình thành và tồn tại của tháp Vĩnh Hưng góp phần minh chứng lịch sử hình thành và phát triển tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân cổ văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ - Việt Nam.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân huyện Vĩnh Lợi, của người dân tỉnh Bạc Liêu, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng của di sản văn hóa vật thể của Việt Nam.
Gia Minh