Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn làm việc với Đoàn kiểm tra và Huyện ủy Yên Phong.
Xử lý các "điểm nóng"
Sự phát triển của các làng nghề, CCN tại Bắc Ninh tuy mang lại lợi ích kinh tế nhưng cũng kéo theo những hệ lụy về môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn và chất thải rắn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn đe dọa sự phát triển bền vững. Trước những thách thức đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn ô nhiễm, đặc biệt tại hai "điểm nóng" là cụm làng nghề phường Phong Khê và CCN Phú Lâm, xã Văn Môn.
Tại phường Phong Khê, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền thành phố Bắc Ninh đã triển khai kiểm tra 228 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy và hơi thương phẩm. Theo đó, đã thực hiện kiểm tra xong toàn bộ các cơ sở trong khu vực làng nghề với 198/198 cơ sở và 30/130 cơ sở có một phần đất thuộc các cụm công nghiệp là đất sản xuất kinh doanh.
Đến nay, sau quá trình kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, 179/198 cơ sở trong làng nghề đã tự nguyện dừng hoạt động và tạm dừng sử dụng điện 3 pha, thậm chí một số đã di dời đến nơi sản xuất khác. Chỉ duy nhất 1 cơ sở có đầy đủ hồ sơ môi trường và an toàn điện nhưng cũng phải tạm dừng do thiếu nguồn cung cấp hơi.
Trong số 30 cơ sở (3 cơ sở CCN Phong Khê I và 27 cơ sở CCN Phong Khê II), có đến 24 cơ sở sản xuất giấy và hơi cũng đã xin dừng hoạt động và tạm dừng sử dụng điện 3 pha. 6 cơ sở còn lại hiện chỉ là bãi chứa nguyên liệu hoặc nhà xưởng trống.
Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh cho biết, mục tiêu trọng tâm của thành phố là chấm dứt hoàn toàn hoạt động sản xuất giấy gây ô nhiễm trong khu vực làng nghề trước ngày 31/12/2024. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc kiểm tra, xử lý vi phạm đến việc hỗ trợ di dời, chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất.
Cụ thể, thành phố đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất giấy trong CCN Phong Khê I và II. Các cơ sở này phải khắc phục các tồn tại về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy, đăng ký kinh doanh… trước ngày 30/11/2024.
Từ 01/12/2024 đến hết tháng 01/2025, Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong 2 CCN tại phường Phong Khê. Các cơ sở sản xuất chỉ được phép hoạt động đến ngày 31/12/2029 khi đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật.
Song song với việc xử lý vi phạm, thành phố cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở di dời sản xuất đến Cụm công nghiệp Quảng Chu, tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cấp Bộ và đề xuất hình thức vận hành đối với dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thuộc hệ thống xử lý môi trường làng nghề Phong Khê trong quý I/2025. Tiếp tục tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết chuyển đổi phường Phong Khê thành khu đô thị, thương mại dịch vụ và logistic; trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Đối với "điểm nóng" CCN Phú Lâm và xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã phát hiện hàng loạt vi phạm về môi trường, phòng cháy chữa cháy và xây dựng. Cụ thể, trong số 74/96 cơ sở được kiểm tra từ ngày 8 - 19/11, có tới 71 cơ sở với 622 hành vi vi phạm bị lập biên bản; tổng số tiền phạt lên đến hơn 30,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 20/11, 16 cơ sở trong CCN làng nghề Mẫn Xá, bao gồm cả chủ đầu tư hạ tầng đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt gần 8,7 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày do vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka - chủ đầu tư hạ tầng bị phạt 888 triệu đồng vì nhiều lỗi vi phạm như thiếu giấy phép xây dựng, môi trường, chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.
Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh còn lại cũng bị xử phạt gần 7,8 tỷ đồng với các lỗi như: Xây dựng không phép, không có giấy phép môi trường, không có kho lưu trữ chất thải... đồng thời, các cơ sở này bị yêu cầu phá dỡ công trình vi phạm và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Tại CCN Phú Lâm và xã Văn Môn, phát hiện 622 hành vi vi phạm tại 71 cơ sở, lập 76 biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 30,5 tỷ đồng.
"Ba không" với ô nhiễm
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Đoàn kiểm tra đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, xử lý nghiêm không có ngoại lệ, không có vùng cấm đối với các cơ sở tại CCN làng nghề Mẫn Xá. Đồng thời, thành lập các Tổ chốt kiểm tra nguồn hàng ra, vào tại CCN làng nghề Mẫn Xá; kiểm tra việc chấp hành các quy định, yêu cầu kiến nghị của Đoàn kiểm tra đối với các cơ sở trong CCN.
Được biết, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Yên Phong cũng đã tiến hành lập biên bản kiểm tra 119/146 hộ sản xuất, cô đúc, tái chế kim loại trên địa bàn các xã Văn Môn và Đông Thọ. Trong đó, 96 hộ cam kết tự nguyện dừng hoạt động sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về thực trạng ô nhiễm đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh chú trọng vào định hướng phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm, không vì lợi ích của một bộ phận nhỏ mà ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh”. Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất chuyển đổi nghề nghiệp, mô hình sản xuất để đảm bảo an toàn môi trường.
“CCN làng nghề Mẫn Xá chỉ được hoạt động trở lại sau khi khắc phục vi phạm, nếu không sẽ bị dừng hoạt động vĩnh viễn. Yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Phong chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, xử lý nghiêm, triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại Văn Môn, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Vận động các hộ tự dừng sản xuất khi không đủ điều kiện, kiên quyết xử lý hành vi chống đối. Đến ngày 31/12/2024, tất cả cơ sở sản xuất, cô đúc, tái chế trong khu dân cư vi phạm về môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn điện phải dừng hoạt động; giải tỏa các cơ sở vi phạm sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích nếu tái diễn”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Với sự nỗ lực của chính quyền, sự trách nhiệm trong đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp và ý thức của người dân, Bắc Ninh đang nỗ lực từng bước để xử lý triệt các điểm nóng gây ô nhiễm tại các làng nghề, CCN, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nguyên Khánh