Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao các Sở, ban, ngành đăng Cổng Thông tin điện tử của đơn vị, thực hiện tuyên truyền chính sách để người dân, doanh nghiệp và các đối tượng thụ hưởng tiếp cận và nắm rõ, đầy đủ chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường sớm chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Người dân tự nguyện phá dỡ lò đốt, lò tái chế kim loại. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)
Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong lập, trình dự toán và phân bổ kinh phí hỗ trợ theo quy định với mức hỗ trợ tối đa theo Nghị quyết phê duyệt.
UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong rà soát, tổng hợp, lập, phê duyệt danh sách các cơ sở đủ điều kiện được hỗ trợ và báo cáo Sở Tài chính dự kiến kinh phí hỗ trợ trước ngày 05/7 hàng năm. Trước ngày 30/4/2025, gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ năm 2025 các cơ sở đã chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2024 và các cơ sở chấm dứt hoạt động trước ngày 31/3/2025; tổng hợp các đối tượng đủ điều kiện và đề nghị hỗ trợ các năm tiếp theo đến hết 31/12/2029. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách; không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ.
Trường hợp sau khi thực hiện chính sách có bất cập, không mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy chấm dứt hoạt động hoặc di dời, trục lợi chính sách… UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh dừng hoặc đề xuất sửa đổi chính sách cho phù hợp, đảm bảo việc sử dụng ngân sách nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, yêu cầu các Sở, ban, ngành, đặc biệt là UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong tập trung triển khai thực hiện.
Trần Anh - Trung Quyết