Bắc Ninh phát huy giá trị không gian phật giáo Trúc Lâm - Di sản văn hóa thế giới

Bắc Ninh phát huy giá trị không gian phật giáo Trúc Lâm - Di sản văn hóa thế giới
7 giờ trướcBài gốc
Lễ hội Tây Yên Tử được tổ chức hằng năm.
Di sản với giá trị mang tính toàn cầu
Hồ sơ di sản nhấn mạnh, hiện nay có khoảng 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và hơn 15.000 ngôi chùa Trúc Lâm tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các địa điểm tiêu biểu như chùa Trúc Lâm Paris (Pháp) hay Giải thưởng về hòa bình (Mỹ) đã được ghi nhận, khẳng định giá trị toàn cầu của di sản này.
Quần thể di tích không chỉ là bằng chứng lịch sử mà còn thể hiện chiều sâu tâm linh, gắn kết con người với thiên nhiên - yếu tố làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Là minh chứng độc đáo cho sự kết hợp giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc; cùng với cảnh quan linh thiêng hình thành qua tương tác với thiên nhiên, và hệ thống đạo đức nhấn mạnh hòa bình, khoan dung và hòa hợp của phật giáo mang giá trị toàn cầu.
Không gian phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã phát triển rực rỡ trên vùng đất trải dài về đến miền trung du đất Bắc Giang cũ chạm đến bờ bắc Sông Cầu. Trải qua thăng trầm lịch sử dấu vết của phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã và đang được các nhà nghiên cứu khẳng định rõ nét qua các công trình hiện hữu và hàng chục công trình khảo cổ học.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xem là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm.
Không gian phật giáo còn mãi với thời gian
Chùa Vĩnh Nghiêm được xem là trung tâm của không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm tọa lạc tại xã Trí Yên. Được xây dựng từ thế kỷ XI dưới thời vua Lý Thái Tổ với tên gọi Chúc Thánh Tự, chùa được vua Trần Nhân Tông mở rộng và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm vào thế kỷ XIII, mang ý nghĩa “mãi mãi trường tồn, mãi mãi tôn nghiêm”.
Chùa không chỉ là nơi tu hành của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) mà còn là trung tâm đào tạo tăng sĩ và hoằng dương Phật pháp thời Trần.
Một trong những di sản quý giá nhất của chùa Vĩnh Nghiêm là kho mộc bản kinh Phật, gồm 3.050 bản khắc với 9 đầu sách, được công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương bởi UNESCO vào năm 2012. Các mộc bản này, được khắc trên gỗ thị, không chỉ chứa đựng kinh, luật, luận mà còn bao gồm các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của các thiền sư Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển của chữ Nôm và quá trình Việt hóa Phật giáo.
Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm là Bảo vật Quốc gia.
Ngoài ra, bộ tượng Tam Tổ Trúc Lâm, tạc từ gỗ mít vào thế kỷ XIX, được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2025, thể hiện giá trị nghệ thuật và lịch sử độc đáo.
Chùa Bổ Đà là một trung tâm Phật giáo lớn, gắn liền với Thiền phái Lâm Tế. Tương truyền có từ thời Lý, chùa được tu bổ và mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729). Với kiến trúc độc đáo “nội thông ngoại bế” chùa Bổ Đà được bao bọc bởi rặng tre xanh và tường trình đất, tạo nên vẻ u tịch, linh thiêng.
Điểm nhấn của chùa Bổ Đà là vườn tháp lớn nhất Việt Nam, gồm 110 ngôi tháp chứa tro cốt và xá lị của 1.214 tăng ni thuộc Thiền phái Lâm Tế. Kho mộc bản kinh Phật với 1.935 bản khắc, niên đại từ năm 1740, là một di sản quý giá, được khắc trên gỗ thị với nét chữ tinh xảo, chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa và y học.
Vườn tháp chùa Bổ Đà.
Hệ thống hơn 40 pho tượng Phật cổ thời Lê và Nguyễn, cùng các di vật như chuông đồng, bia đá, thể hiện sự giao thoa tam giáo đồng nguyên (Phật, Nho, Đạo).
Lễ hội chùa Bổ Đà, diễn ra từ ngày 15 đến 18 tháng 2 âm lịch, không chỉ là dịp tưởng nhớ tổ khai sơn mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa Quan họ Kinh Bắc. Chùa Bổ Đà được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016, khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Quần thể Tây Yên Tử, nơi chứa đựng không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm còn bao gồm nhiều di tích và danh thắng trải dài từ xã Sơn Động đến xã Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh như chùa Am Vãi, Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, rừng Khe Rỗ và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Chùa Am Vãi (Lục Ngạn) mang dấu ấn Phật giáo thời Trần với ngôi tháp đá “Liên Hoa bảo tháp” và giếng nước không bao giờ cạn, gắn liền với truyền thuyết về công chúa nhà Trần tu hành. Lễ hội chùa Am Vãi là một sự kiện văn hóa lớn, thu hút đông đảo tín đồ và du khách.
Những nỗ lực bảo tồn và phát huy
Để bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang (cũ) đã triển khai nhiều kế hoạch quy hoạch cụ thể. Theo Quyết định số 105 ngày 29/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh, phạm vi bảo tồn Tây Yên Tử bao gồm 9 cụm di tích, từ Khu Đồng Thông đến chùa Vĩnh Nghiêm, với mục tiêu bảo vệ toàn vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Du khách trẩy hội chùa Bổ Đà.
Đặc biệt tỉnh đã cho khảo sát và triển khai phục dựng “Con đường Hoằng dương Phật pháp” tái hiện lại đường đi của Phật hoàng Trần Nhân Tông bên sườn Tây Yên Tử để lên đỉnh Yên Tử tu hành.
Với những tín đồ đạo phật khi được đặt chân về vùng đất Tây Yên Tử là như được trải nghiệm theo bước chân của Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ một vị vua, từ một con người trần thế để về với cõi Phật.
Vì vậy giá trị của con đường “Hành hương về đất Phật theo bước chân Phật Hoàng” được coi như “bảo vật” chỉ có được bên sườn Tây Yên Tử. Nó gợi nhớ đến tour du lịch Hành hương theo dấu chân Đức Phật Thích Ca ở đất nước Ấn Độ.
Đối với , Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt đã Chính phủ phê duyệt, với diện tích quy hoạch 40ha.
Kế hoạch này tập trung vào việc bảo tồn nguyên trạng khu nội tự, tôn tạo cảnh quan, và xây dựng các công trình phụ trợ như tam quan, tháp Phổ Quang, giảng đường Phật học và khu chế tác mộc bản.
Việc bảo tồn cây xanh cổ thụ, chỉnh trang sân vườn và kết nối với các di tích khác trong tỉnh cũng được chú trọng, nhằm biến chùa Vĩnh Nghiêm thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn.
Một góc khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử.
Chùa Bổ Đà cũng được đầu tư bảo tồn với các dự án tu bổ kiến trúc, bảo quản mộc bản và tượng thờ. Các hoạt động lễ hội và hội thi hát Quan họ được tổ chức thường xuyên, góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
Tây Yên Tử sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch tâm linh và cộng đồng, nhờ sự kết hợp giữa giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng các tour du lịch kết nối Tây Yên Tử với Đông Yên Tử (Quảng Ninh) và các di tích khác trong khu vực, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú.
Các lễ hội truyền thống như lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà và Suối Mỡ được tổ chức trọng thể, kết hợp các hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể này không chỉ góp phần bảo vệ một di sản văn thế giới mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế và đoàn kết cộng đồng, lưu giữ tinh hoa của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ mai sau.
ĐẶNG GIANG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bac-ninh-phat-huy-gia-tri-khong-gian-phat-giao-truc-lam-di-san-van-hoa-the-gioi-post893859.html