Bắc Ninh: Phát triển cây có múi góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao

Bắc Ninh: Phát triển cây có múi góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao
8 giờ trướcBài gốc
Mô hình trồng cây có múi được coi là điểm sáng, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo và sự đồng lòng, đồng sức của cộng đồng
Những năm gần đây, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao tại phường Phượng Sơn (xã Quý Sơn cũ), tỉnh Bắc Ninh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cấp chính quyền, các hội đoàn thể và nhân dân. Trong đó, mô hình dân vận khéo "Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, tập trung vào cây có múi" tại thôn Trại Ba được coi là điểm sáng nổi bật, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo và sự đồng lòng, đồng sức của cộng đồng.
Thôn Trại Ba có diện tích rộng tới 90ha, trong đó gần 60ha đã được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng…
Ngay từ khi triển khai, Hội LHPN phường Phượng Sơn đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây truyền thống sang trồng cây có múi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua các buổi sinh hoạt chi hội, hội nghị, hội thảo chuyên đề, chị em được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị kinh tế.
Thôn Trại Ba có diện tích rộng tới 90ha, trong đó gần 60ha đã được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng… Đây là kết quả của quá trình vận động kiên trì, bền bỉ, giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân, đưa nông nghiệp tiến dần tới sản xuất hàng hóa, theo hướng an toàn, bền vững. Hội đã phối hợp với UBND xã, Hội Nông dân và phòng Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng quy trình VietGAP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Vườn cây của hội viên Lâm Thị Bình có những bước phát triển lớn, tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho gia đình và người lao động
Điểm đặc biệt của mô hình này là sự tham gia tích cực của hội viên phụ nữ. Họ không chỉ là lực lượng chủ chốt trong sản xuất mà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa thông tin và tinh thần đoàn kết đến từng gia đình, xóm ngõ.
Hiện nay, sản lượng cây có múi của thôn Trại Ba ước đạt khoảng 400 tấn mỗi năm, mang về doanh thu gần 14 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm cam ngọt của gia đình chị Lâm Thị Phượng đã giành Giải Nhất trong phiên đấu giá tại "Ngày hội trái cây" huyện Lục Ngạn năm 2024, góp phần quảng bá thương hiệu nông sản địa phương. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ tiêu biểu như chị Lâm Thị Bình, chị Vũ Thị Hồng… cũng được khen thưởng các cấp vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ phát triển cây có múi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thôn Trại Ba được cải thiện rõ rệt. Những con đường bê tông sạch đẹp, những vườn cây xanh mướt trĩu quả đã trở thành điểm đến thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đây không chỉ là nguồn thu bổ sung mà còn mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế cho người dân.
Việc chuyển đổi sang trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao đã giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới
Song song với phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, như đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa… Tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" được phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp, gắn kết cộng đồng.
Có thể thấy mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong hội viên phụ nữ và toàn thể nhân dân. Việc chuyển đổi sang trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao đã giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng phường Phượng Sơn trở thành nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Trong thời gian tới, Hội LHPN sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã, các phòng, ban chuyên môn mở rộng diện tích cây có múi ra các thôn khác trong xã, tập trung phát triển du lịch sinh thái, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, tăng giá trị thương hiệu nông sản địa phương. Đồng thời, khuyến khích hội viên phụ nữ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý kinh tế hộ gia đình, phát triển sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao năng lực tự chủ và vị thế của phụ nữ nông thôn trong giai đoạn hội nhập.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mang lại nguồn thu bổ sung mà còn mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế cho người dân
Nhìn lại hành trình đã qua, có thể khẳng định mô hình dân vận khéo "Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, tập trung vào cây có múi" ở thôn Trại Ba không chỉ giúp nông nghiệp địa phương "thay da đổi thịt" mà còn trở thành điểm tựa vững chắc để phường Phượng Sơn, tỉnh Bắc Ninh vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế, giữ gìn và phát huy bản sắc quê hương. Đây chính là hình mẫu tiêu biểu để nhiều địa phương khác học tập, nhân rộng, hướng tới xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững và giàu bản sắc văn hóa.
An Khê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/bac-ninh-phat-trien-cay-co-mui-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-20250717100546681.htm