Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Anh Tiến - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn thăm, khám cho bệnh nhân.
Đến Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn một chiều giữa tuần, dù đã hẹn trước, chúng tôi vẫn phải ngồi chờ đến chập tối mới được trò chuyện cùng bác sĩ Phạm Anh Tiến.
Sau ca mổ gần hai tiếng đồng hồ, mồ hôi vẫn còn đọng trên trán, bác sĩ Tiến cười nhẹ bảo: "Thông cảm nhé, cấp cứu thì đâu chờ mình rảnh”.
Với giọng nói trầm ấm nhưng đầy thân thiện, không chút khoảng cách, bác sĩ Tiến bắt đầu chia sẻ về hành trình đến với nghề của mình, một con đường không định trước, nhưng gắn bó trọn đời.
Ánh mắt chợt lắng xuống như đang lật giở ký ức một thời đầy nhiệt huyết, bác sĩ Tiến chia sẻ: "Học xong cấp 3 tôi đi làm công nhân nhà máy chè. Một thời gian sau tôi được cử đi học trung cấp y để chăm sóc sức khỏe cho công nhân nhà máy. Lúc đó chưa nghĩ gì nhiều, chỉ biết ai cũng cần bác sĩ. Học y là để giúp người. Học rồi làm, làm rồi yêu nghề lúc nào không hay”.
Năm 1990, bác sĩ Tiến chuyển công tác về Bệnh viện Khu vực chè Trần Phú. Đây là bước ngoặt thật sự đưa bác sĩ Tiến bước sâu vào hành trình của một người thầy thuốc của nhân dân. Tiếp đó, liên tục nhiều năm, bác sĩ Tiến tham gia các khóa học nâng cao tay nghề như học chuyên ngành y đa khoa tại Đại học Y Thái Nguyên, học phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, học Chuyên khoa I chuyên ngành Ngoại khoa tại Đại học Y Hà Nội.
Năm 2001, bác sĩ Tiến chính thức được bổ nhiệm chức danh Trưởng khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện Khu vực chè Trần Phú. Sau này, đơn vị được sáp nhập thành Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, bác sĩ Tiến tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Khoa Ngoại tổng hợp.
Nhớ lại những ngày đầu gian khó gắn bó với nghề, bác sĩ Tiến chia sẻ: "Ngày xưa Bệnh viện còn nhiều thiếu thốn cả về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế. Cả Khoa Ngoại chỉ có mình tôi là bác sĩ. Mổ xẻ gì cũng đến tay. Có những ca bệnh khó khiến tôi nhớ mãi. Một lần trong ca trực tôi tiếp nhận một bệnh nhân còn rất trẻ, bị dao bầu đâm vào bụng. Khi được đưa đến viện, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, máu dự trữ đã hết chỉ truyền được duy nhất một đơn vị máu trong khi bệnh nhân bị đứt tới 5 đoạn ruột. Ca ấy tôi mổ từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Tôi chỉ nghĩ phải thật nhanh nhưng cũng tập trung cao độ vì nếu chậm hoặc sai một chút là không cứu được. Lúc hoàn thành xong ca mổ, đứng nhìn bệnh nhân thở đều trở lại tôi mừng muốn khóc!”.
Trong giọng kể, bác sĩ Tiến vẫn không giấu nổi sự hồi hộp, âu lo mỗi lần chứng kiến bệnh nhân đứng trước ranh giới sinh - tử. Những giây phút ấy, nơi không có thời gian để hoang mang, nơi mọi quyết định đều phải chính xác tuyệt đối đã rèn nên một bác sĩ Tiến dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh trong xử trí các ca bệnh khó và trên hết là giàu y đức. Có tháng bác sĩ Tiến thực hiện tới 120 ca mổ, một ngày mổ 10 ca từ sáng đến đêm khuya là điều bình thường. Với bác sĩ Tiến, mỗi người bệnh là một thân phận, mỗi ca phẫu thuật là một cuộc chiến sống còn mà ông luôn xác định phải chiến đấu đến cùng.
Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sĩ Tiến còn là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ bác sĩ trẻ ở Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn. Những buổi thực hành lặng lẽ sau giờ trực, những ca mổ vừa thao tác, vừa giải thích tỉ mỉ… dần tạo nên một đội ngũ kế cận trưởng thành, vững vàng tay nghề. Bác sĩ Tiến tâm niệm, muốn chữa bệnh cho dân thì phải gần dân, hiểu dân. Khi đã coi người bệnh như người thân, người bác sĩ sẽ tự biết phải làm gì cho đúng. Tư tưởng ấy là kim chỉ nam cho bác sĩ Tiến, cũng trở thành nề nếp ứng xử của cả khoa.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Đình Liên - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: "Bác sĩ Phạm Anh Tiến là một bác sĩ giỏi, có tay nghề vững vàng đồng thời là người đồng nghiệp mẫu mực, tận tâm với nghề, gần gũi với người bệnh. Bác sĩ Tiến chính là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo, là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, y, bác sĩ của toàn Trung tâm”.
Chia tay bác sĩ Tiến lúc trời đã khuya. Ngoài hành lang bệnh viện, bóng ông khuất dần theo ánh đèn nhưng những gì ông để lại trong lòng bệnh nhân, đồng nghiệp và lớp lớp thế hệ thầy thuốc trẻ là thứ ánh sáng không tắt của một người suốt đời tận tâm với nghề, gắn bó với dân.
Lê Thương