Bác sĩ mới tốt nghiệp phải thi đánh giá năng lực trước khi hành nghề

Bác sĩ mới tốt nghiệp phải thi đánh giá năng lực trước khi hành nghề
8 giờ trướcBài gốc
Bộ Y tế vừa công bố danh sách 37 thành viên Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 33 ủy viên. Đây là tổ chức đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết bác sĩ là chức danh đầu tiên sẽ áp dụng kiểm tra đánh giá năng lực, từ ngày 1/1/2027. Với chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá từ ngày 1/1/2028; các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ ngày 1/1/2029.
Kỳ thi quốc gia, không có ngoại lệ
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia, cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tất cả những người hành nghề y khoa phải đảm bảo đủ năng lực, nghĩa là phải có một công cụ đánh giá.
"Cùng lúc đánh giá tất cả những người đã và đang hành nghề y khoa sẽ rất khó, trước hết phải đánh giá những người vừa mới tốt nghiệp, chuẩn bị hành nghề", Giáo sư Tiến cho biết.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia. Ảnh: T.Thanh
Việc đánh giá năng lực của từng người mới tốt nghiệp sẽ được Hội đồng thẩm định qua kỳ thi chung. Dù số lượng người tham gia đông nhưng Hội đồng phải đánh giá hết. Do đó, không thể tổ chức bằng hình thức cả Hội đồng hỏi thi từng người mà phải có bộ công cụ đánh giá bằng bộ câu hỏi, có thể triển khai với hình thức trắc nghiệm, sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật, thi trên máy tính, giúp Hội đồng đánh giá chính xác.
Việc tổ chức thi đánh giá cũng được tính toán sao cho công bằng, minh bạch, để hai thí sinh dù ngồi cạnh nhau, có thể chung nhau bộ câu hỏi nhưng không thể hỏi bài nhau hay copy đáp án vì số thứ tự câu hỏi khác nhau.
Hội đồng không có chức năng cấp giấy phép hành nghề mà đánh giá đầy đủ năng lực của các chức danh y khoa, gửi kết quả để các cấp có thẩm quyền ký quyết định cho phép hành nghề. Nếu Hội đồng Y khoa quốc gia đánh giá thí sinh nào đó chưa đủ năng lực mà họ lại được cấp giấy phép hành nghề thì vi phạm pháp luật. GS.TS Nguyễn Viết Tiến
Chia sẻ với VietNamNet, Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, cho hay đây là kỳ thi quốc gia chung, không có ngoại lệ, đảm bảo công bằng.
Theo lộ trình, tất cả những người có chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh... mới tốt nghiệp, trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề (tức là chưa được hành nghề khám chữa bệnh), đều phải tham dự kỳ thi với đề chung, dù thí sinh ở vùng, miền nào, xuất phát điểm ra sao, học ở trường nào.
Thậm chí, các bác sĩ có học lực xuất sắc thi đỗ kỳ thi bác sĩ nội trú ngay sau khi tốt nghiệp đại học, cũng phải tham gia kỳ kiểm tra đánh giá năng lực quốc gia như tất cả những người chuẩn bị hành nghề khác.
"Có thể những năm đầu, điểm đạt sẽ để ở mức độ lượng giá, đánh giá được năng lực, không để ở mức quá cao. Việc này Hội đồng sẽ quyết định sau", Tiến sĩ Quang cho biết.
Không chỉ đánh giá chuyên môn, còn đánh giá đạo đức, hiểu biết pháp luật y tế
Đến hết năm 2024, Việt Nam có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế với 66 cơ sở giáo dục đại học. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2024 khoảng 12.000 người.
Hiện nước ta có 34 cơ sở đào tạo ngành bác sĩ y khoa, 18 cơ sở đào tạo bác sĩ răng - hàm - mặt, 13 cơ sở đào tạo bác sĩ y học cổ truyền và 10 cơ sở đào tạo bác sĩ y học dự phòng. Riêng Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện.
Khoảng 15-20 năm gần đây, nhiều trường đại học tư thục tham gia đào tạo y khoa. Mỗi trường có tiêu chuẩn "đầu vào", chương trình giảng dạy, thực hành khác nhau.
Hiện mỗi năm có khoảng 12.000 bác sĩ tốt nghiệp ra trường. Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Đánh giá về vai trò của Hội đồng Y khoa Quốc gia, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng việc có một cơ quan đánh giá độc lập sẽ buộc các cơ sở đào tạo y khoa nâng cao chất lượng giảng dạy và "đầu ra".
"Qua đó, chỉ những người đủ trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp mới được cấp giấy phép hành nghề", Bộ trưởng Y tế cho biết.
Phân tích cụ thể hơn, Giáo sư Nguyễn Viết Tiến cho biết Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Y tế và Chính phủ, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường.
Ví dụ, hàng nghìn thí sinh là bác sĩ cùng tham gia một kỳ thi đánh giá năng lực năm 2027 giống nhau, nhưng ban tổ chức ghi nhận số lượng lớn thí sinh trượt kỳ thi rơi vào một, hai trường đại học nào, Hội đồng sẽ cảnh báo về chất lượng đào tạo của ngôi trường đó.
Cùng đó, nội dung thi không chỉ đánh giá về chuyên môn mà các thí sinh còn phải trả lời câu hỏi về cách quản lý (như tổ chức một ca cấp cứu), về đạo đức nghề nghiệp hay hiểu biết pháp luật về y tế.
Có ý kiến cho rằng có nên đưa vấn đề thực hành vào nội dung thi đánh giá năng lực hay không? Theo Giáo sư Tiến, việc thực hành nếu có sẽ triển khai trên mô hình (tiền lâm sàng) chứ không thể thực hành ở trên người bệnh được. Còn trước hết, các chức danh sẽ được kiểm tra năng lực bằng bộ câu hỏi.
Trong tình huống không đạt, thí sinh có cơ hội thi lại?
Câu trả lời là "Có", theo Giáo sư Nguyễn Viết Tiến. Tuy nhiên, qua kết quả này, thí sinh sẽ thấy rằng muốn hành nghề được phải học, phải cố gắng. Nếu không thể đạt, thí sinh phải chấp nhận và chuyển nghề.
"Không thể ép đưa một người không đủ năng lực vào hệ thống khám chữa bệnh, như vậy sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, đến sức khỏe của con người", vị giáo sư nhận định, thêm rằng nếu thực sự muốn tiếp tục đi theo ngành y, muốn hoạt động về nghề y thì phải học thêm. Do đó, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ giúp nâng cao trình độ cho đội ngũ y tế của Việt Nam.
Võ Thu
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/bac-si-moi-tot-nghiep-phai-thi-danh-gia-nang-luc-truoc-khi-hanh-nghe-2416701.html