Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số quốc gia, đặc biệt là Thái Lan – nơi đã ghi nhận hàng chục ngàn ca nhiễm và hàng chục trường hợp tử vong. Diễn biến này khiến không ít người dân Việt Nam lo lắng, nhất là sau kỳ nghỉ lễ dài ngày với mật độ đi lại, du lịch cao.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho rằng người dân không nên quá lo lắng trước việc số ca COVID-19 tăng.
Vậy liệu dịch bệnh có quay trở lại mạnh mẽ? Có cần tiêm vắc-xin mới hay siết chặt trở lại các biện pháp phòng dịch? Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, Cố vấn chuyên môn về Nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), để làm rõ hơn và có các khuyến cáo đối với người dân.
* Thưa bác sĩ, hiện số ca COVID-19 đang tăng trở lại tại Thái Lan, ghi nhận cả một số trường hợp tử vong. Tình hình này có đáng lo ngại?
-BS Trương Hữu Khanh: Thực tế ở Thái Lan, họ không thực hiện bất kỳ biện pháp cách ly hay phong tỏa nào. Chủng virus đang lưu hành tại đây vẫn là biến thể lành tính, không phải biến thể có độc lực cao. Việc có người tử vong thì cần xét kỹ: Đó là ai, có bệnh nền không? Bệnh gì cũng có thể gây tử vong nếu người mắc đã yếu sẵn. Do đó, không nên chỉ nhìn vào con số mà hoảng loạn.
* Vậy việc số ca tăng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày có phải là nguyên nhân đáng lo?
-Đừng đổ lỗi cho lễ, Tết hay đám đông. Virus hô hấp như COVID-19 thì đi chơi cũng lây, mà ở nhà cũng có thể bị lây. Quan trọng là phần lớn người dân hiện nay đã có miễn dịch nền nên nguy cơ chuyển nặng là rất thấp. COVID-19 bây giờ về cơ bản không khác gì cảm cúm thông thường.
* Những ai nên đặc biệt tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh?
- Đó là những người mắc bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc người lớn tuổi. Nhóm này nên tuân thủ nghiêm các khuyến cáo về phòng bệnh hô hấp. Nhưng về cơ bản các biện pháp như đeo khẩu trang khi cần, rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân, theo dõi triệu chứng… là áp dụng cho tất cả mọi người. Với nhóm dễ tổn thương này, chúng ta luôn phải cẩn trọng, không chỉ với COVID-19 mà với tất cả các bệnh truyền nhiễm hô hấp. Các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, theo dõi sức khỏe… cần được duy trì thường xuyên, không phụ thuộc vào việc có COVID-19 hay không.
*Có người lo ngại dịch sẽ bùng phát trở lại và áp dụng cách ly, ông thấy thế nào?
-Không có chuyện đó nữa. COVID-19 đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự như cúm. Ngành y tế đã chủ động theo dõi và ứng phó, người dân cũng đã có miễn dịch cộng đồng. Không ai phong tỏa hay cách ly như trước nữa đâu. Người dân cần tỉnh táo, không hoang mang trước những tin đồn hoặc suy diễn trên mạng xã hội.
Tin, ảnh: Hải Yến