Ngày 14-11, tại hội nghị khoa học kỹ thuật do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức, các bác sĩ đã truyền hình trực tiếp một ca mổ ung thư ruột thừa đến hội nghị giúp các bác sĩ trẻ học hỏi cách tiếp cận vấn đề, cách thức theo dõi và giải quyết các tình huống trong quá trình phẫu thuật, điều trị.
Hàng trăm bác sĩ trẻ tại hội nghị đã được xem truyền hình trực tiếp từ phòng mổ
TS-BS Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Phụ trách Điều hành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết hội nghị khoa học là dịp quan trọng để tổng kết, đánh giá và chia sẻ những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Những nội dung và bài trình bày tại hội nghị, cùng với sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện lớn và các trường đại học y khoa, giúp các bác sĩ trẻ có thêm kinh nghiệm và nâng cao tay nghề.
Đáng chú ý, tại hội nghị, một ca phẫu thuật đã được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội nghị. Bệnh nhân nữ, 67 tuổi, đến bệnh viện khám vì đau bụng. Sau thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư ruột thừa. Việc mổ thị phạm từ phòng mổ đến hội nghị giúp các bác sĩ trẻ học hỏi cách tiếp cận vấn đề, cách thức theo dõi và giải quyết các tình huống trong quá trình điều trị.
"Đây là những bước quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng và sự chuẩn bị của các bác sĩ, giúp họ áp dụng những phương pháp điều trị cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Bác sĩ phẫu thuật giống một tướng quân trên chiến trường, cần có chiến lược rõ ràng trước khi thực hiện ca mổ, để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân" - BS Duy nói.
Trao đổi bên lề hội nghị, BS Duy cũng nhận định ung thư đường tiêu hóa là một trong những loại ung thư phổ biến tại bệnh viện. Trước đây, trong quá trình điều trị, vẫn còn một số vấn đề cần được cải thiện, đặc biệt là sự thiếu phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ nội khoa, phẫu thuật, dinh dưỡng, ung bướu và chăm sóc sau phẫu thuật… Hiện tại, bệnh viện đã xây dựng quy trình điều trị ung thư khép kín. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được đánh giá kỹ lưỡng từ các chuyên khoa khác nhau, từ đó, các bác sĩ sẽ xây dựng lộ trình điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Theo BS Duy, mỗi ngày, tại bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500 -3.000 bệnh nhân khám ngoại trú; thực hiện từ 40-50 ca phẫu thuật, trong đó, 10-15 trường hợp phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa.
BS Duy cho đánh giá ung thư đại tràng hiện nay có xu hướng xuất hiện ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, có sự thay đổi so với y văn trước đây. Nguyên nhân có thể do lối sống thiếu khoa học, lạm dụng rượu, bia; thuốc lá; chế độ ăn uống không hợp lý…
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, việc tầm soát định kỳ rất quan trọng. Đặc biệt đối với người trên 50 tuổi, dù có triệu chứng hay không, nên thực hiện nội soi đường tiêu hóa ít nhất 2 năm một lần để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư. Chỉ cần cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường cùng một số dấu hiệu nhận biết như thay đổi thói quen đi cầu; táo bón; tiêu chảy; đau bụng… người bệnh nên đến khám sớm.
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể khỏi 100%, tỉ lệ sống còn cũng rất cao. được phát hiện sớm giúp tỉ lệ điều trị khỏi cao; tránh để đến khi bệnh nặng mới tìm kiếm sự can thiệp.
"So với những năm trước, nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật nội soi và nâng cao nhận thức cộng đồng, tỉ lệ bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa được chữa khỏi hiện nay cao hơn so với thời gian trước đây" - BS Duy nói.
BS Duy cũng dẫn chứng tại một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, tầm soát sớm đã giúp tỉ lệ điều trị khỏi ung thư đường tiêu hóa cao nhờ vào phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, góp phần giúp tuổi thọ của người Nhật cao.
Tin, ảnh: Hải Yến