Bạch sản: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Bạch sản: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
2 giờ trướcBài gốc
1. Nguyên nhân gây bệnh bạch sản
Bạch sản là bệnh được đặc trưng bởi những mảng da dày, trắng trên lưỡi và cả bên trong lớp lót niêm mạc miệng. Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh này.
Nội dung
1. Nguyên nhân gây bệnh bạch sản
2. Dấu hiệu bệnh bạch sản
3. Bệnh bạch sản có lây không?
4. Cách phòng bệnh bạch sản
5. Cách điều trị bệnh bạch sản
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây nên bệnh bạch sản vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bệnh có liên quan mật thiết đến việc sử dụng thuốc lá.
Hút thuốc chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh bạch sản, ngoài ra nhai thuốc lá cũng có thể gây ra bệnh bạch sản.
Theo nghiên cứu có tới ¾ số người hút thuốc lá sẽ bị bạch sản một vài lần trong cuộc sống của họ. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện do một số nguyên nhân sau:
Chấn thương xuất hiện bên trong má, chẳng hạn như vết cắn.
Răng không đồng đều.
Lắp răng giả, nhất là trường hợp lắp sai kỹ thuật.
Cơ thể bị viêm.
Bên cạnh đó, với bệnh bạch sản lông thì virus Epstein-Barr (EBV) là nguyên nhân chính gây khởi phát bệnh. Một khi xâm nhập vào cơ thể, EBV sẽ ở trong đó vĩnh viễn. Loại vi khuẩn này thường không hoạt động tuy nhiên nó có thể gây ra vết loét và phát triển bệnh bất cứ lúc nào. Người có HIV hoặc gặp các vấn đề miễn dịch khác có tỷ lệ phát bệnh bạch sản lông cao hơn.
Tổn thương do bệnh bạch sản.
2. Dấu hiệu bệnh bạch sản
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch sản có thể không giống nhau tùy vào mỗi người. Tuy nhiên, bệnh đều đặc trưng bởi những vết lở loét trông không bình thường bên trong khoang miệng.
Các triệu chứng bệnh bạch sản bao gồm:
Xuất hiện vết loét trên lưỡi và có thể bên trong má, nướu răng. Các vết loét có thể mất vài tuần để phát triển và ít khi gây đau đớn.
Vết loét màu trắng hoặc màu xám không thể rửa sạch.
Vết loét dày, cứng, bề mặt bị sưng.
Vết loét trong khoang miệng có lông (đối với bệnh bạch sản lông). Những người bị suy yếu hệ miễn dịch do bệnh tật, hoặc ảnh hưởng của thuốc đặc biệt đối với những người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ cao mắc bạch sản dạng lông. Dạng bệnh này gây ra các mảng trắng mờ có hình dạng giống nếp gấp hoặc đường lằn ở 2 bên đầu lưỡi. Bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với nấm miệng. Đáng chú ý, nấm miệng cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.
3. Bệnh bạch sản có lây không?
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây nên bệnh bạch sản vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bệnh có liên quan mật thiết đến việc sử dụng thuốc lá. Vì vậy, bệnh bạch sản là bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác.
4. Cách phòng bệnh bạch sản
Bệnh bạch sản có thể ngăn ngừa hiệu quả nếu áp dụng đồng thời các biện pháp sau:
Bỏ thuốc lá: Nếu là người nghiện thuốc lá, tốt nhất bạn hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp giúp loại bỏ hoàn toàn thói quen xấu này. Trường hợp thành viên trong gia đình thường xuyên hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, bạn nên khuyên họ hạn chế và kiểm tra răng miệng thường xuyên, bởi bệnh ung thư miệng do biến chứng bạch sản thường không gây đau cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng.
Không sử dụng rượu: Rượu là yếu tố có thể gây ra bệnh bạch sản và ung thư miệng. Việc kết hợp rượu và thuốc lá còn nguy hiểm hơn vì nó có thể giúp các hóa chất độc hại dễ dàng xâm nhập vào các mô trong miệng hơn.
Khám nha khoa định kỳ: Việc thăm khám nha khoa giúp kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng và điều trị sớm, trong đó có bệnh bạch sản.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi: Rau xanh và hoa quả tươi có chứa các chất oxy hóa tốt, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch sản.
5. Cách điều trị bệnh bạch sản
Việc điều trị bạch sản là nhằm loại bỏ các mảng loét trong miệng, các nguyên nhân gây kích ứng, từ đó làm biến mất hoàn toàn các mảng bạch sản.
Do vậy, nếu muốn khỏi bệnh, cần áp dụng đồng thời các biện pháp điều trị bạch sản như sau: Chữa trị các tác nhân gây hại cho răng miệng chẳng hạn như răng hô, bề mặt hàm răng giả, các miếng trám răng có biểu hiện bất thường càng sớm càng tốt. Ngừng hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm tương tự như thuốc lá. Ngừng sử dụng đồ uống có cồn.
Nếu việc loại bỏ các nguồn kích ứng gây bạch sản bằng những biện pháp trên không mang lại hiệu quả, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh bôi thuốc lên các mảng trắng nhằm loại bỏ chúng. Các vết loét nhỏ có thể được lấy ra thông qua biện pháp sinh thiết mở rộng hơn bằng cách sử dụng laser hoặc dao mổ. Việc loại bỏ các vết loét bạch sản lớn chắc chắn cần phải phẫu thuật.
Đối với dạng bệnh bạch sản dạng lông ở miệng, việc sử dụng thuốc kháng virus có thể làm các mảng bám biến mất. Ngoài ra, bác sĩ còn đề nghị người bệnh thoa thuốc lên các mảng bám. Thuốc mỡ bôi có chứa axit retinoic cũng nên được áp dụng để làm giảm kích thước vết loét.
BS Nguyễn Văn Huy
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bach-san-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169241015194843116.htm