BaF Việt Nam (BAF): M&A 11 công ty chăn nuôi, tích cực 'săn' quỹ đất trang trại

BaF Việt Nam (BAF): M&A 11 công ty chăn nuôi, tích cực 'săn' quỹ đất trang trại
9 giờ trướcBài gốc
M&A 11 công ty chăn nuôi chỉ trong 3 tháng
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) vừa công bố các nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng vốn góp của 2 công ty chăn nuôi có cùng trụ sở tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Cụ thể, BaF Việt Nam công bố nhận chuyển nhượng 60% vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Minh Phát. Đáng chú ý, Chăn nuôi Minh Phát được thành lập từ tháng 6/2022 nhưng mới tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 60 tỷ đồng vào ngày 20/12/2024. Cơ cấu cổ đông ban đầu gồm ông Trần Quốc Quyền - Tổng Giám đốc công ty nắm 80% và ông Trần Phúc Vinh nắm 20% vốn.
Đến ngày 27/12/2024, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi thành bà Đặng Thị Ngọc Dung nắm 40%, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo nắm 60%. Cùng thời điểm, bà Đặng Thị Ngọc Dung giữ chức Tổng giám đốc Chăn nuôi Minh Phát thay ông Trần Quốc Quyền.
BaF Việt Nam dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ đồng, để xây dựng 15 trang trại trong năm 2025
Bên cạnh đó, BaF Việt Nam cũng công bố nhận chuyển nhượng 60% vốn góp Công ty TNHH Chăn nuôi Nhất Quyết.
Tương tự như Chăn nuôi Minh Phát, Chăn nuôi Nhất Quyết được thành lập vào tháng 4/2022 nhưng mới tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 60 tỷ đồng vào ngày 3/1/2025. Cơ cấu cổ đông công ty cũng là bà Đặng Thị Ngọc Dung nắm 40%, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo nắm 60%. Bà Đặng Thị Ngọc Dung cũng giữ chức Tổng Giám đốc công ty.
Như vậy, tính từ tháng 10/2024 đến nay, BaF Việt Nam đã tiến hành M&A đối với 11 công ty chăn nuôi. Ngay những ngày đầu năm 2024, công ty này đã mua lại 70% vốn góp tại Công ty TNHH Hòa Phát Bốn (tỉnh Gia Lai).
BaF Việt Nam cho biết các doanh nghiệp chăn nuôi được M&A đợt này đều đang có sẵn quỹ đất dành cho hoạt động chăn nuôi hoặc đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai trang trại. Trong thời gian tới, BaF Việt Nam dự kiến sẽ mua lại toàn bộ vốn của các công ty này sau khi hoàn tất thủ tục.
“Săn” quỹ đất trang trại, hưởng lợi trực tiếp từ Luật Chăn nuôi
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích việc đẩy mạnh M&A các doanh nghiệp chăn nuôi được xem là chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của BaF Việt Nam trong bối cảnh các quy định mới của Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời.
Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi cũng đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và các tác động đến môi trường xung quanh.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BAF của BaF Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Môi trường pháp lý này tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, phù hợp với các doanh nghiệp theo mô hình sản xuất an toàn khép kín 3F (Feed, Farm, Food), từ thức ăn chăn nuôi đến quá trình chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Các chuyên gia ước tính sẽ có hàng nghìn trang trại quy mô nhỏ phải rời khỏi thị trường do chi phí cao liên quan đến các quy trì an toàn sinh học liên quan để phòng chống các dịch bệnh và biến động giá. Xu hướng này sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp, khép kín như BaF Việt Nam.
Bên cạnh đó, với lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá rẻ, biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi của BaF Việt Nam đang ở mức khá cao so với trung bình ngành.
Ban lãnh đạo BaF Việt Nam cũng chia sẻ, công ty dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ đồng, để xây dựng 15 trang trại trong năm 2025. Nếu xây không kịp, công ty sẽ đi thuê hoặc tìm kiếm đối tác có sẵn vốn và quỹ đất để xây dựng trang trại theo mô hình của công ty rồi tiến hành thuê lại.
Minh Huế
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/baf-viet-nam--baf-m-a-11-cong-ty-chan-nuoi--tich-cuc--san--quy-dat-trang-trai-132403.htm