Từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 5 năm nay, thị trường vàng trong nước trải qua nhiều biến động đáng chú ý. Nếu tháng 1, giá vàng miếng SJC dao động quanh ngưỡng 85 - 88 triệu đồng/lượng, phản ánh trạng thái ổn định tương đối; thì bước sang tháng 2, thị trường bắt đầu nóng lên khi giá vàng vượt mốc 92 triệu đồng/lượng, trước áp lực từ thị trường thế giới và tâm lý đầu cơ gia tăng.
Đến tháng 3, giá vàng tiếp tục tăng mạnh, tiến sát 101 triệu đồng/lượng vào cuối tháng. Đỉnh điểm là tháng 4, khi giá vàng SJC chạm ngưỡng kỷ lục 121 triệu đồng/lượng, ghi nhận mức chênh lệch so với giá thế giới lên đến hơn 20 triệu đồng/lượng. Sau đó, từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, thị trường điều chỉnh giảm nhẹ, dao động quanh mức 118 - 120 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới những ngày gần đây. Đồ thị: Kitco
Trong bối cảnh thị trường vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước liên tục vượt xa giá vàng thế giới, theo NHNN và các chuyên gia vai trò của doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng trở nên đặc biệt quan trọng. Không chỉ là đơn vị cung ứng vàng, DN còn là mắt xích chủ đạo trong việc duy trì sự ổn định thị trường, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố niềm tin xã hội.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực II, giai đoạn 2012 - 2022 là thời kỳ thị trường vàng trong nước ổn định tương đối, tạo nền tảng cho điều hành chính sách vĩ mô. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng bắt đầu biến động mạnh. Đặc biệt trong năm 2024 và đầu năm 2025, chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới đã có lúc vượt 20 triệu đồng/lượng, kéo theo tâm lý đầu cơ, tích trữ và lo ngại rủi ro.
Ông Chu Hiếu - Giám đốc đầu tư Công ty Cú Thông Thái cho rằng thị trường vàng cực kỳ nhạy cảm với tin tức địa chính trị, lãi suất, xung đột, và đặc biệt là tâm lý đầu cơ. Chỉ một thông tin chưa rõ ràng cũng có thể khiến giá vàng biến động hàng triệu đồng trong vài giờ. Do vậy, vai trò bình ổn thị trường không thể chỉ đặt lên vai Nhà nước mà cần có sự chủ động từ DN.
Trong “tam giác” Nhà nước - DN - người dân, DN là nơi trực tiếp giao dịch và phân phối vàng, đồng thời là đơn vị quyết định mức giá, hình thức bán hàng và cách tiếp cận thị trường. Nếu DN hành xử minh bạch, chuyên nghiệp và có trách nhiệm, thị trường sẽ vận hành ổn định và bền vững hơn.
Biểu đồ giá vàng miếng SJC trong 1 tháng qua. Đồ thị: Giavang.org
Đại diện Công ty Bảo Tín Mạnh Hải cho biết, DN của họ luôn xác định trách nhiệm cao với thị trường. Từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm hoàn thiện, mọi công đoạn đều được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, đặc biệt thông qua hệ thống máy phổ hiện đại được kiểm định định kỳ.
Theo DN này, uy tín thương hiệu và sự minh bạch trong hoạt động là nền tảng để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, nhiều DN cũng phải đối mặt với hiểu nhầm từ dư luận. Ví dụ như trường hợp Công ty SJC, đơn vị từng được giao gia công vàng miếng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước thường xuyên bị gắn với hình ảnh độc quyền. Thực tế, từ năm 2012, công ty này không còn được tự sản xuất vàng miếng mà chỉ thực hiện gia công theo chỉ đạo. Việc hiểu sai vai trò của DN có thể gây tổn hại đến uy tín và làm sai lệch kỳ vọng thị trường.
Ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng giám đốc Công ty CP Mỹ nghệ Gia Nguyễn Gold Brand cho rằng, để duy trì sự ổn định trên thị trường vàng, các DN cần công khai và minh bạch trong việc cập nhật giá vàng mua - bán theo thị trường quốc tế và trong nước. Hệ thống báo giá phải đồng bộ tại các điểm giao dịch và trên ứng dụng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tra cứu thông tin.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các DN không nên “găm hàng” để tạo khan hiếm giả tạo, mà cần chủ động trong việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng mà không tạo tâm lý thiếu hàng trên thị trường.
Chia sẻ với các cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Đức Lệnh đưa ra ba nhóm giải pháp mà DN cần thực hiện để góp phần bình ổn thị trường. Thứ nhất là truyền thông chủ động, giúp người dân tiếp cận thông tin chính thống, giảm ảnh hưởng từ tin đồn thất thiệt. Thứ hai là tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về hóa đơn, nguồn gốc, chất lượng và niêm yết giá công khai. Thứ ba là phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đồng thời, DN cần linh hoạt trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh: kiểm soát tồn kho, quản lý dòng tiền, dự báo xu hướng thị trường, đảm bảo nguồn cung ổn định và đáp ứng kịp thời nhu cầu từ người tiêu dùng. Việc kinh doanh vàng hiện nay không chỉ là hoạt động thương mại đơn thuần mà còn mang tính chiến lược quốc gia.
Ngoài ra, DN còn có vai trò quan trọng trong thay đổi thói quen đầu tư của người dân, từ tích trữ vàng vật chất sang các hình thức đầu tư tài chính hiện đại hơn như quỹ đầu tư vàng, vàng số hóa… Điều này giúp thị trường vận hành minh bạch hơn, giảm áp lực lên nguồn cung vật chất và tạo ra một kênh huy động vốn hiệu quả.
Trong thời gian tới, khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý thị trường vàng bằng các công cụ mới, DN cần đóng vai trò đồng hành, hợp tác, không chỉ vì lợi ích kinh doanh mà còn vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Một thị trường vàng ổn định là nền tảng cho niềm tin tài chính, và DN chính là lực lượng góp phần giữ vững niềm tin ấy.
Bài 2: Chuyển đổi số để minh bạch hóa thị trường vàng
Hà Thủy - Hưng Khánh