Bài 1: Hành trình tám thập kỷ tuyệt đối trung thành

Bài 1: Hành trình tám thập kỷ tuyệt đối trung thành
6 giờ trướcBài gốc
Trưởng thành trong cái nôi cách mạng
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, giữa núi rừng Việt Bắc, một lực lượng đặc biệt đã được hình thành – không bảng hiệu, không quân hàm, không danh vị – nhưng mang trong mình nhiệm vụ thiêng liêng: bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Đảng. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Trong cao trào chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ ở các vùng chiến khu, một lực lượng nhỏ nhưng đặc biệt được hình thành – với nhiệm vụ tuyệt mật: bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng tại căn cứ địa Việt Bắc. Dù chưa có tên gọi chính thức hay quân phục, nhưng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc, Thế An… đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tuyệt đối an toàn với sứ mệnh “không được phép sai”, vì mỗi sơ suất nhỏ có thể làm thay đổi cả vận mệnh cách mạng.
Lực lượng Cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị hành chính kháng chiến của Chính phủ tổ chức tại Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)
Trong những năm cách mạng còn “trong trứng nước”, công tác bảo vệ Bác Hồ và lãnh đạo cấp cao vô cùng khó khăn, thiếu kinh nghiệm và trang bị. Tuy vậy, nhờ sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, Bác Hồ và sự đùm bọc của nhân dân, lực lượng Cảnh vệ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vũ trang để bảo vệ tuyệt đối an toàn Hội nghị Trung ương 8 (1941), các chuyến công tác của Bác sang Trung Quốc, và nhất là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Từ năm 1945 đến 1953 – thời kỳ kháng chiến chống Pháp, công tác bảo vệ Bác Hồ và Trung ương diễn ra trong điều kiện hết sức gian khổ, thường xuyên phải di chuyển, đối phó với mật thám, gián điệp. Các tổ bảo vệ được tổ chức chặt chẽ, chủ động nắm tình hình, ngụy trang, nghi binh để bảo vệ lãnh đạo cấp cao. Lực lượng bảo vệ tiếp cận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác và các đồng chí Trung ương trong các chiến dịch lớn như Việt Bắc - Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên giới 1950.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL thành lập Thứ Bộ Công an. Theo Sắc lệnh, Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) được thành lập - đánh dấu bước phát triển chính thức của lực lượng này. Dù còn thiếu thốn và phải hoạt động tuyệt đối bí mật, nhưng các chiến sĩ luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Giữ gìn bí mật tuyệt đối, nếu để lộ sẽ hại đến việc lớn”. Nhờ mưu trí, dũng cảm và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong lực lượng Công an và Quân đội, các chiến sĩ bảo vệ tiếp cận đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ, Trung ương Đảng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Lực lượng Cảnh vệ nói chung, lực lượng bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng nói riêng cùng các lực lượng vũ trang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi luyện “lá chắn thép” trong bom đạn
Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, điều kiện lực lượng mỏng, phương tiện vũ khí phục vụ công tác bảo vệ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó, hoạt động của Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rộng khắp để chỉ đạo nhân dân vừa đánh giặc, vừa xây dựng đất nước, đón bạn bè các nước xã hội chủ nghĩa anh em đến thăm miền Bắc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và sau ngày giải phóng. Đặc biệt, trước tình hình Mỹ không ngừng leo thang chiến tranh bằng không quân đánh phá ra miền Bắc, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo vệ cán bộ lãnh đạo và các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, ngày 19/12/1967, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 1004/CA/QĐ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh vệ. Và ngày 19/12/1967 trở thành Ngày thành lập Phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đã kiên cường không rời vị trí, chắc tay súng, không quản ngại hy sinh xương máu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, các đoàn khách quốc tế, các cơ quan Trung ương và Chính phủ, góp phần quan trọng cùng CBCS lực lượng Cảnh vệ, CBCS lực lượng CAND và quân dân 2 miền Nam – Bắc làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, trong suốt 5 năm (từ năm 1968 đến năm 1973), trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tác chiến độc lập ở nước ngoài, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ tuyệt đối an toàn hai phái Đoàn: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong thời gian đàm phán tại Hội nghị Paris ở Pháp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hội nghị, tạo bước ngoặt cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông gấm vóc thu về một mối, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Khi tiếng súng ngừng vang, đất nước thống nhất cũng là lúc những người lính bảo vệ lãnh đạo bước vào một mặt trận mới – cuộc chiến thầm lặng trong thời bình, nơi sự chính quy, chuyên nghiệp không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để giữ gìn sự an toàn tuyệt đối cho những người đang nắm giữ vận mệnh của quốc gia.
Sau năm 1975, đất nước bắt đầu hành trình kiến thiết trong hòa bình, nhưng với vị trí địa - chính trị quan trọng, cùng những biến động toàn cầu và khu vực, nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, đặc biệt là an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, vẫn luôn đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Lực lượng bảo vệ tiếp cận lãnh đạo đã nhanh chóng chuyển mình: từ một đơn vị hoạt động trong kháng chiến sang một tổ chức chính quy, chuyên nghiệp, tổ chức khoa học, tư duy tác chiến hiện đại.
Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con nông dân gặt lúa tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954. (Ảnh tư liệu)
Chuyển mình vững vàng cùng dân tộc
Khi đất nước thống nhất, lực lượng bảo vệ tiếp cận lãnh đạo Đảng và Nhà nước không chỉ giữ vững vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh chính trị, mà còn phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới – thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hòa bình. Công tác cảnh vệ nói chung, công tác bảo vệ tiếp cận các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng có bước phát triển mới, triển khai thống nhất trong phạm vi cả nước và gắn liền với hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên phạm vi toàn cầu. Nhiệm vụ của CBCS Phòng 5 tăng lên với cường độ và yêu cầu rất cao, khẩn trương, liên tục, địa bàn rộng khắp trong nước và nước ngoài.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an là công tác cảnh vệ phải bí mật, kín đáo, không ồn ào, phô trương, không có sự cách biệt giữa lãnh đạo với quần chúng; “bên ngoài bình thường, bên trong chặt chẽ”; không làm cản trở hoạt động của đối tượng cảnh vệ, CBCS Phòng 5 đã không ngừng đổi mới toàn diện công tác nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng có liên quan bảo vệ an toàn tuyệt đối hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong nước cũng như khi đi công tác ở nước ngoài...
Đơn vị đã bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn hàng trăm chuyến công du quốc tế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những cái bắt tay lịch sử, những cuộc hội đàm trọng đại đều được diễn ra trong môi trường tuyệt đối an toàn, nhờ vào sự chuẩn bị âm thầm, chính xác đến từng chi tiết của lực lượng bảo vệ tiếp cận. Đặc biệt, những sự kiện mang tầm quốc tế như: Hội nghị APEC 2006, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, APEC 2017 tại Đà Nẵng, Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 2019 tại Hà Nội… là minh chứng rõ nét cho đẳng cấp quốc tế của lực lượng bảo vệ tiếp cận các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong những sự kiện đó, các sĩ quan bảo vệ tiếp cận đã phối hợp nhuần nhuyễn với hàng chục đơn vị an ninh nước ngoài, xử lý hàng trăm tình huống tiềm ẩn nguy cơ, bảo đảm 100% an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự sự kiện, góp phần nâng cao vị thế, ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Dù ở bất kỳ giai đoạn, khó khăn, thách thức nào, lực lượng bảo vệ tiếp cận cũng luôn thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ: “Muốn bảo vệ thì người bảo vệ phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khỏe, phải bắn súng giỏi... muốn bảo vệ tốt, phải có kỹ thuật, phải giữ được bí mật và phải có thái độ tốt với đồng bào”.
Hơn 80 năm đã trôi qua kể từ những ngày đầu thành lập trong kháng chiến, những người lính bảo vệ tiếp cận – những người "đi trước, về sau” - vẫn âm thầm viết tiếp truyền thống vẻ vang bằng sự tận hiến không lời. Trong mọi hoàn cảnh, từ thời chiến đến thời bình, từ trong nước đến những chuyến công tác nước ngoài, họ chưa và không bao giờ xem nhẹ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Ngày nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển, những CBCS Phòng 5 tiếp tục nhận nhiệm vụ trên một mặt trận mới không kém áp lực với những đòi hỏi khắt khe, nơi mà sự tuyệt đối trung thành phải đi liền với bảo mật tuyệt đối và chuyên nghiệp tối đa trong môi trường quốc tế.
(Còn nữa)
Linh Chi
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bai-1-hanh-trinh-tam-thap-ky-tuyet-doi-trung-thanh-i768694/