Ý thức được nâng cao
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong 3 năm (2022 - 2024), UBND tỉnh đã rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các nội dung, tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách, các điểm gây ô nhiễm kéo dài, các vấn đề trọng điểm về môi trường. Trong đó, vốn đầu tư công cấp tỉnh đã bố trí 623,3 tỷ đồng cho 14 dự án về biến đổi khí hậu; nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã bố trí 36,54 tỷ đồng cho các hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khảo sát địa điểm tập kết rác tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Tiến Đông
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, tỉnh Nghệ An kịp thời ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, áp dụng tại địa phương. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực môi trường được tại các sở, ngành, địa phương quan tâm thông qua nhiều hình thức, cách thức thực hiện. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân được nâng cao hơn; số doanh nghiệp quan tâm thực hiện đầy đủ các thủ tục môi trường ngày càng tăng; công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường đã có sự đầu tư bài bản hơn.
Trực tiếp kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, địa phương, Đoàn giám sát ghi nhận: việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư hạ tầng và các cơ sở trong khu kinh tế và các khu công nghiệp (KCN) được cải thiện rõ rệt. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu… được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tính đến nay, 100% KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 100% dự án đầu tư mới được phê duyệt hồ sơ, thủ tục môi trường trước khi đi vào hoạt động… Hiện, đã có 5/6 KCN đi vào hoạt động lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu theo quy định (tăng 2 KCN so với thời điểm trước khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực).
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường được phát triển, mở rộng góp phần đáng kể trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường các cấp đã được quan tâm hơn. Các dự án lớn được giám sát chặt, các cơ sở có quy mô xả thải lớn đã hoàn thành việc kết nối hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Nông nghiệp và Môi trường để theo dõi giám sát... Qua đó, đã góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn, giữ cân bằng sinh thái, bảo đảm chất lượng môi trường sống và sức khỏe của người dân, cộng đồng.
Rất ít vụ việc phản ánh lần 2 do được xử lý kịp thời
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng ghi nhận: số lượng đơn thư phản ánh và thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng năm 2024 giảm so với năm 2023, đặc biệt rất ít vụ việc phản ánh lần hai do công tác xử lý rất kịp thời… Đặc biệt, từ năm 2022 - 2024, các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị khắc phục tồn tại, đồng thời giúp các đơn vị được thanh tra, kiểm tra hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An giám sát tại Khu công nghiệp Nam Cấm
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thực hiện 36 cuộc thanh tra đối với 68 tổ chức; trong đó 24 cuộc thanh tra chấp hành pháp luật đối 56 tổ chức và 12 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với 12 UBND cấp huyện, xã; kiểm tra 62 cơ sở trên địa bàn (tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm); kiểm tra xác minh phản ánh của cử tri và báo chí về tình trạng ô nhiễm đối với 6 cơ sở... Qua thanh tra, kiểm tra hầu hết các đối tượng được thanh tra, kiểm tra đều có sai phạm; đặc biệt, một số tổ chức có sai phạm đã được xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Sở cũng kiểm tra, giám sát thực hiện kiểm soát môi trường tại 129 trang trại chăn nuôi; đã hướng dẫn và yêu cầu các trang trại không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy định; kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật… Ngoài ra, đã kiểm tra vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của các dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường, làm cơ sở cho việc xả thải bảo đảm đạt quy chuẩn khi dự án đi vào hoạt động chính thức. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức 4 đoàn kiểm tra về BVMT đối với 8 cơ sở; chủ trì giải quyết các kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn Khu kinh tế Đông Nam…
Cùng với các địa phương, đơn vị liên quan, Công an tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể, kiểm tra, xử phạt 70 tổ chức (phạt tiền 1,610 tỷ đồng); phát hiện xử lý 640 vụ, 680 đối tượng vi phạm pháp luật BVMT (xử phạt 8,533 tỷ đồng).
Diệp Anh