Với sự phát triển rất nhanh trong lĩnh vực công nghệ và xu hướng chuyển đổi số hiện nay, việc quản lý, vận hành các ĐVHC sẽ được hỗ trợ rất nhiều nhờ vào công nghệ thông tin. Nhưng thời gian qua, kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành trên cả nước mới chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn. Còn có quận, huyện, phường, xã chỉ đảm bảo một trong hai tiêu chí cơ bản nhưng các địa phương vẫn cố “căn” theo quy định để duy trì nguyên bộ máy hành chính của một quận, huyện, phường, xã…
Quản lý vận hành hạ tầng đô thị bằng công nghệ ở TP Hồ Chí Minh.
Nơi làm, nơi chưa
Trước thực trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, nhiều nơi không đảm bảo tiêu chuẩn quy định dẫn đến phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, gây chia cắt không gian phát triển, tạo ra nhiều cản trở trong công tác lập quy hoạch dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội… cách đây hơn 7 năm, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra nhiệm vụ: “Từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định; khuyến khích nhập, tăng quy mô ĐVHC các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo về sắp xếp ĐVHC đối với 2 cấp này. Đồng thời, Nghị quyết 37-NQ/TW cũng đặt mục tiêu của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là nhằm “Tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…”. Trong đó, đến năm 2021 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về cả 2 tiêu chí là diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Từ năm 2022-2030 trên cơ sở kết quả thực hiện của giai đoạn trước, tiếp tục xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể.
Đến tháng 4/2023, cả nước vẫn còn 705 ĐVHC cấp huyện, bao gồm 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; 82 thành phố thuộc tỉnh; 52 thị xã; 46 quận và 524 huyện. ĐVHC cấp xã còn đến 10.598, gồm 614 thị trấn, 1.737 phường, 8.247 xã. Như vậy, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong giai đoạn 2019-2021 mới chỉ được thực hiện đối với 21 huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố. Qua sắp xếp đã giảm 8 huyện, từ con số 713 xuống còn 705. Đối với cấp xã, giai đoạn này đã có 1.056 xã, phường thuộc 45 tỉnh, thành phố được sắp xếp và cả nước giảm 561 xã, phường.
Riêng tại 6 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong 3 năm từ 2019-2021 mới chỉ được thực hiện ở một vài địa phương. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp lại 3 quận và 19 phường; tỉnh Tây Ninh sắp xếp được 2 xã. Thực trạng trên cho thấy, trong khi đã có những địa phương chủ động trong việc sắp xếp lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì nhiều địa phương khác vẫn còn ì ạch.
Tuy kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn khiêm tốn, nhưng sau khi sắp xếp trong giai đoạn vừa qua, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Từ việc sắp xếp ĐVHC trên, các tỉnh, thành cũng đã thực hiện tinh giản biên chế đáng kể ở các địa phương. Trong đó đã giảm được 291 cán bộ, công chức cấp huyện; 6.657 cán bộ, công chức cấp xã và 7.837 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Việc sắp xếp ĐVHC bước đầu đã góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, sàng lọc một bước gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại những nơi được sắp xếp. Qua sắp xếp, đã tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 được khoảng 2.008 tỷ đồng, gồm giảm chi lương, phụ cấp và chi cho hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132 tỷ; giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng. Việc này đã giúp ngân sách có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phần lớn 3 cấp hành chính chưa đạt tiêu chí
Kết quả trên cho thấy, số tiền tiết kiệm cho ngân sách sẽ là không hề nhỏ nếu các tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt thực hiện sắp xếp lại ĐVHC một cách quyết liệt. Song, đánh giá của Trung ương về tiêu chí đối với ĐVHC 3 cấp ở các địa phương trên cả nước đã chỉ ra rằng, vẫn còn rất nhiều các ĐVHC cả 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có quy mô nhỏ, chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Hiện cả nước mới chỉ có 13 trong số 63 tỉnh, thành; 121 trong tổng số 705 ĐVHC cấp huyện và 2.001 trong số 10.598 ĐVHC cấp xã đạt tiêu chuẩn theo quy định. Từ đó, chi ngân sách cho hoạt động của bộ máy hành chính, chi cho xây dựng, sửa chữa trụ sở, mua sắm phương tiện và trang thiết bị phục vụ hoạt động còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp ĐVHC các cấp đến năm 2030 là hết sức cấp bách.
Người dân chờ làm thủ tục hành chính ở một phường.
Theo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025, nhiều phường, xã của Đồng Nai tiếp tục được sáp nhập vào tháng 11 vừa qua. Trong đó TP Biên Hòa thực hiện sáp nhập toàn bộ phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Hòa Bình, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Tân Phong để nhập vào phường Quang Vinh. Sau khi sáp nhập, phường Quang Vinh có diện tích là 1,79km2, quy mô dân số là 33.894 người. Chuyển một phần diện tích và dân số của phường Thanh Bình cùng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Quyết Thắng và một phần diện tích tự nhiên, dân số của phường Tân Phong để sáp nhập vào phường Trung Dũng.
Sau khi sáp nhập, phường Trung Dũng có diện tích tự nhiên là 2,58km2, quy mô dân số là 49.658 người. Ngoài ra toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Tân Tiến cũng sẽ được sáp nhập vào phường Tân Mai. Sau sáp nhập, phường Tân Mai có diện tích là 2,67km2, quy mô dân số là 40.093 người. Phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Tam Hòa được sáp nhập vào phường Bình Đa. Sau sáp nhập, phường Bình Đa có diện tích tự nhiên là 2,48km2 với quy mô dân số là 38.344 người. Sau khi được điều chỉnh, phường Tân Phong có diện tích tự nhiên là 16,69km2, quy mô dân số là 53.498 người.
Tại TP Long Khánh, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Xuân Trung và toàn bộ diện tích, dân số của phường Xuân Thanh cũng được sáp nhập vào phường Xuân An. Sau khi nhập, phường Xuân An có diện tích tự nhiên là 3,81km2, quy mô dân số là 41.163 người. Như vậy, dù đã sáp nhập, điều chỉnh 3 phường thành 1 thì các phường sau sáp nhập của TP Biên Hòa, TP Long Khánh cũng mới chỉ đạt và vượt về tiêu chí dân số, còn so với tiêu chí về diện tích là 5,5km2 thì nhiều phường vẫn chưa đạt.
Tại huyện Tân Phú, UBTVQH cũng quyết định chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Phú Trung để sáp nhập vào xã Phú Sơn. Sau khi sáp nhập, xã Phú Sơn có diện tích tự nhiên là 29,83km2, quy mô dân số 21.282 người. Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Núi Tượng để nhập vào xã Phú Lập. Sau khi điều chỉnh, xã Phú Lập có diện tích tự nhiên là 29,55km2 và quy mô dân số là 12.055 người. Phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của xã Núi Tượng được điều chỉnh vào xã Nam Cát Tiên. Sau khi nhập, xã Nam Cát Tiên có diện tích tự nhiên lên đến 30,58km2, quy mô dân số là 10.331 người. Trong đợt này, huyện Vĩnh Cửu cũng sẽ thực hiện sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên lên đến 209,5km2, cùng toàn bộ dân số của xã Hiếu Liêm vào xã Trị An, nâng diện tích tự nhiên của xã Trị An lên tới hơn 227,9km2 với dân số 10.422 người. Toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Bình Hòa cũng được sáp nhập vào xã Tân Bình. Sau khi nhập, xã Tân Bình có diện tích tự nhiên là 17,8km2, quy mô dân số 21.483 người.
Từ việc sắp xếp trên đã cho thấy, huyện Tân Phú có nhiều xã có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng quy mô dân số còn ít, do đó tỉnh Đồng Nai cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoặc phát triển các khu dân cư… để thu hút cư dân đến sinh sống, làm việc ở những nơi “đất rộng, người thưa” trên.
Tương tự, TP Hồ Chí Minh cũng mạnh dạn đề xuất và được UBTVQH cho phép thành lập phường Võ Thị Sáu trên cơ sở sáp nhập cả 3 phường. Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường 6 cùng toàn bộ diện tích, dân số của phường 7 và toàn bộ diện tích, dân số của phường 8 được sáp nhập để lập phường mới. Từ ngày 1/12 vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai sắp xếp lại 80 phường của 10 quận nội thành để hình thành 41 phường mới, giảm được 39 phường so với trước khi sắp xếp. Trình HĐND thành phố thông qua số lượng cán bộ làm việc tại 41 phường mới sau sáp nhập tại kỳ họp thứ 20 vào các ngày 9-11/12 vừa qua, UBND thành phố cũng đề nghị số lượng công chức làm việc tại 41 phường này là 1.046 người, giảm 154 người so với trước đó. Đồng thời, chỉ bố trí 982 người hoạt động không chuyên trách tại 41 phường hình thành sau sắp xếp, giảm 70 người so với trước. Ngoài vấn đề số nhân sự giảm được một phần sau sắp xếp thì sau đó sẽ có 39 trụ sở hoạt động của các phường được sáp nhập cùng một loạt trụ sở của cơ quan tổ chức… sẽ dôi dư, ngân sách không còn phải gánh khoản chi cho việc duy trì hoạt động, duy tu sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới.
Từ kết quả sắp xếp ĐVHC của những địa phương trên, câu hỏi đặt ra là “Vì sao vẫn còn rất nhiều ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích hoặc quy mô dân số vẫn chưa thực hiện sắp xếp?”.
Bảo Sơn - Hà Quang Minh