Bài 1: Kẹt xe… trên từng cây số!

Bài 1: Kẹt xe… trên từng cây số!
6 giờ trướcBài gốc
Có những tuyến đường một năm hơn 800 lần ùn ứ
Khi nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động, tình trạng ùn ứ giao thông nơi đây càng trở nên thường xuyên hơn. Nhà nước đã đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng mở rộng nối dài hai tuyến đường Cộng Hòa và Trần Quốc Hoàn để nối với nhà ga T3, kỳ vọng sẽ tạo ra luồng giao thông mới, giảm tải áp lực cho khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là đường Cộng Hòa. Tuy nhiên, tuyến đường nối với 6 làn xe lại khá vắng phương tiện qua lại.
Kẹt xe ở giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa.
Trong khi đó, trên trục đường Cộng Hòa và Trường Chinh theo hướng vào trung tâm TP Hồ Chí Minh, giờ cao điểm, ôtô và xe máy chen chúc, di chuyển khó khăn. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều giải pháp trong thời gian qua và đã giảm kẹt xe đáng kể nhưng hiện tại khu vực mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa vẫn còn ùn ứ nhiều do đang trong giai đoạn thi công…
Tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý dài khoảng 4,5km là trục chính kết nối khu vực Tây Bắc TP Hồ Chí Minh với Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm TP Hồ Chí Minh. Do có hàng loạt nút thắt cổ chai nên tuyến đường này đang trở thành “điểm đen” ùn tắc.
Một số đoạn trên tuyến đường này được mở rộng và thông xe, tuy nhiên đoạn từ đường Bình Long đến Cộng Hòa vẫn chỉ có 2 làn xe, lòng đường hẹp khiến tình trạng kẹt xe kéo dài, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nặng nhất là từ đoạn giao Lê Trọng Tấn đến đường Trường Chinh, vào các buổi sáng và vào giờ tan tầm, các dòng phương tiện di chuyển phải nhích từng chút một. Đường đã hẹp lại bị lấn chiếm buôn bán, dừng đổ xe nên khiến giao thông ùn ứ, hỗn loạn.
Đường Nguyễn Tất Thành từ cầu Khánh Hội đến cầu Tân Thuận luôn kẹt xe không chỉ vào giờ cao điểm mà ngay cả những khung giờ bình thường. Cao điểm kẹt xe trên tuyến đường này vào khung giờ 7h-8h30 và 17h30-19h vì đây là một trong những tuyến chính để các phương tiện di chuyển từ trung tâm qua khu Nam TP.
Trong năm 2024, tuyến đường Nguyễn Tất Thành xảy ra hơn 800 lần ùn ứ. Các đơn vị liên quan đã nghiên cứu điều chỉnh giao thông tại nút giao Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu, tổ chức theo dõi và điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu tại các điểm chốt, đặc biệt là tại đầu và cuối tuyến. Về lâu dài, TP cũng đã đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm như cầu Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4…
Các tuyến đường khu vực Nam Sài Gòn như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập… cũng thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ. Khu vực này tập trung nhiều công ty, xí nghiệp, nhà xưởng, kho bãi nên là tuyến đường di chuyển của lượng lớn xe tải, container và xe gắn máy của công nhân…
Cũng lâm vào cảnh thường xuyên bị ùn tắc giao thông là 2 tuyến đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị. Anh Thành, một người dân sống ở đây cho hay, có khi 4-5 chiếc xe buýt nối đuôi nhau hoặc chạy “sánh đôi” khiến các phương tiện phía sau không di chuyển được tạo ra cảnh ùn ứ. Đường nhỏ nhưng xe ôtô đậu dọc 2 bên đường chiếm lòng đường, người buôn bán lấn chiếm vỉa hè gây ra cảnh bát nháo, ùn tắc.
Tại ngã tư Thủ Đức chuyện kẹt xe xảy ra thường xuyên từ hai hướng về Đồng Nai và vào trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ngày 25/6, hàng ngàn phương tiện, chủ yếu là xe tải và container, nối đuôi nhau trên xa lộ Hà Nội và đường Võ Nguyễn Giáp kéo dài hàng km. Nguyên nhân là do một làn đường gần khu vực Tân Vạn đang bị rào chắn để phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3…
Cũng trong ngày này, đoạn quốc lộ 1A từ cầu vượt Trạm 2 đến quốc lộ 13 dài hơn 10km bị ùn ứ từ sáng sớm đến chiều. Các loại xe container, xe tải nối đuôi nhau dày đặc trên quốc lộ. Cũng chịu cảnh “chạy như rùa bò” là các tuyến đường đi về cảng Cát Lái. Đường Nguyễn Thị Định gần như lúc nào cũng ùn ứ vì lượng xe tải, xe container lưu thông với mật độ rất cao nhưng đường thì vẫn còn nhỏ hẹp…
Giải pháp đã có nhưng cần thời gian
Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình giao thông (Sở Xây dựng) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025 không ghi nhận tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ngoại trừ một vụ ùn ứ giao thông do xảy ra va chạm giữa 3 xe ô tô ở TP Thủ Đức (cũ).
Đầu năm 2025, trên địa bàn TP có 23 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông nhưng qua thực hiện các giải pháp xử lý đến tháng 6/2025 có 5 điểm chuyển biến tốt, 9 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp. Còn về điểm đen tai nạn giao thông, đầu năm 2025 trên địa bàn TP còn lại 3 điểm là cầu vượt thép tại nút giao Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám; giao lộ Nguyễn Văn Linh – quốc lộ 50 và cầu Kênh Một Tấn trên đường Võ Chí Công nhưng đến giữa năm đã xóa được 2 điểm, chỉ còn lại điểm trên đường Võ Chí Công.
Cũng theo ông Nguyễn Kiên Giang, tiêu chí được xem là ùn tắc là vận tốc trung bình của dòng xe từ 5 km/h trở xuống (thấp hơn người đi bộ); thời gian dòng xe dừng chờ kéo dài trên 30 phút và chiều dài dòng xe dừng chờ từ 200m trở lên.
Theo một thống kê của cơ quan chức năng vào cuối năm 2024, mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn TP Hồ Chí Minh đạt 2,41km/km2, tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng TP đạt 14,16%. Tỷ lệ này còn khá thấp so với quy định là phải đạt 10 - 13km/km2, tỉ lệ đất giao thông phải đạt từ 24 - 26%. Trong khi đường xá chưa được mở tương xứng thì số lượng phương tiện tham gia giao thông lại tăng theo từng ngày dẫn đến ùn ứ dẫn đến tốc độ lưu thông trung bình trên địa bàn TP chỉ 36km/giờ, một số khu vực có tốc độ thấp như trung tâm TP 33km/giờ, cửa ngõ phía Nam TP 25km/giờ.
Để cải thiện thực trạng này, từ nay đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên thực hiện các công trình như khép kín Vành đai 2; xây dựng cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa kết nối với nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 50, đường Trường Chinh, đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ,…
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, những công trình nói trên là chưa đủ mà giải pháp căn cơ lâu dài là phải làm đường trên cao. Trước mắt là 5 dự án được TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu thực hiện là nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến giáp ranh tỉnh Long An; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22, từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3; nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lức Long Thành và xây dựng cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Mã Hải - Minh Đức
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/bai-1-ket-xe-tren-tung-cay-so--i773780/