Hà Nội ưu tiên giải quyết theo “làn xanh” thực hiện thủ tục nhà ở xã hội
Nhà chung cư cao tầng CT2A thuộc khu nhà ở Thạch Bàn, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội đang mở bán 82 căn nhà ở xã hội sau 5 năm cho thuê. Ảnh: N.D
LTS: Tính đến hết năm 2024, Hà Nội hoàn thành 11.330 căn hộ và đưa vào sử dụng. Trong năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thành 8 dự án đầu tư với khoảng 4.670 căn, đáp ứng theo chỉ tiêu giao tại Quyết định 444/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết tâm cao với mục tiêu đề ra, ngày 25/3, UBND TP Hà Nội có Công văn số 1087/UBND-ĐT chỉ đạo các cơ quan đơn vị triển khai nội dung theo chỉ đạo, xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Đặc biệt ưu tiên giải quyết theo “làn xanh” để rút ngắn ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.
Khó về thủ tục đầu tư, về quỹ đất
Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn NƠXH mà Chính phủ đã đặt ra là mục tiêu nhân văn có ý nghĩa sâu rộng đối với người lao động, người thu nhập thấp. Hướng tới mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai, tuy nhiên, nguồn cung NƠXH mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu hiện hữu, theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng.
Rất nhiều các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những rào cản về thủ tục hành chính như chứng minh thu nhập thấp; xác nhận chưa có sở hữu nhà theo hộ gia đình, khiến cho người mua nhà khó tiếp cận NƠXH, ngay cả đối với các chủ đầu tư dự án NƠXH cũng đang gặp không ít vướng mắc, thậm chí có những thủ tục phải mất tới mấy năm, với khoảng 50 con dấu xác nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính, khiến rất ít chủ đầu tư mặn mà với NƠXH.
Không giấu giếm về những khó khăn, tại một tọa đàm với nội dung gỡ vướng phát triển NƠXH, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Theo ông, các bộ Luật Nhà ở đều rất ưu tiên NƠXH.
Luật Nhà ở năm 2023 cũng tăng đối tượng mua nhà lên 12, các ưu đãi cho chủ đầu tư cũng rõ ràng minh bạch. Như được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng hoặc được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại…
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Đường, mọi quy định đều có trong luật nhưng muốn làm được việc đầu tiên UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng. “Nếu không có đất, không thể làm NƠXH” – ông Nguyễn Hữu Đường khẳng định.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hữu Đường, vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất. Bên cạnh đó, vị này cũng cho biết, trước đây ông làm dự án tại Hoàng Quốc Việt chỉ trong vòng 2 tháng ra được giấy phép nhưng hiện 2 năm vẫn chưa xong chủ trương đầu tư.
Tương tự, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Tổng công ty HUD xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đã dành một phần nguồn lực quan trọng để chủ động triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, HUD đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng khoảng 3.500 căn hộ. Từ nay đến năm 2026, Tổng công ty triển khai các dự án nhà ở xã hội với 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 góp phần vào mục tiêu 1 triệu căn NƠXH mà Chính phủ đã đề ra.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực tiễn về đầu tư xây dựng NOXH, Tổng Công ty HUD cũng gặp những khó khăn. Theo vị này, về thủ tục, cơ chế ưu đãi hỗ trợ của địa phương cho dự án NƠXH, có những dự án nhà ở xã hội khi hoàn thiện hạ tầng bên trong nội khu lại thiếu, chậm được kết nối với hạ tầng khu vực.
Thực tế khi sử dụng nguồn vốn địa phương để hỗ trợ về chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đấu nối hạ tầng kỹ thuật chưa có hướng dẫn cụ thể, có nguy cơ bị coi là dự án đầu tư công và phải thực hiện theo Luật Đầu tư công sẽ rất khó triển khai.
Ngoài ra theo vị này, quy định về trình tự thủ tục, thời gian để phát triển 1 dự án nhà ở xã hội là khá lớn, ví dụ như việc lựa chọn nhà thầu, thủ tục kinh doanh NƠXH…
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá. Ảnh: N.D
Khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Cũng kêu khó, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn Kim Oanh cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu 40.000 căn NƠXH từ nay đến năm 2028. Cùng với đó, Công ty cũng triển khai nhà ở thương mại có giá từ 950 triệu đồng – 1,5 tỷ đồng/căn với 1 – 2 phòng ngủ.
Tuy nhiên, vị này cho rằng thách thức lớn là giải ngân vốn vay. Nhiều dự án của Công ty hoàn thiện sớm nhưng ngân hàng chậm giải ngân, gây lãng phí và khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người mua.
Gặp khó khăn trong đầu tư nhà ở công nhân, trước đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, hiện doanh nghiệp này đã hoàn thành khoảng 8000 căn hộ NƠXH và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch để xây dựng tiếp 9000 căn hộ trong thời gian tới. Nhưng theo ông phản ánh, mặc dù chất lượng các dự án này không thua kém chất lượng nhà ở thương mại song doanh nghiệp vẫn bị “ế” 3000 căn nhà ở công nhân do quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư quy định chỉ công nhân trong khu công nghiệp mới được mua sản phẩm này.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, tại Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi) sắp tới, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu sửa đổi quy định để khắc phục những bất cập này.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) nêu 4 nhóm vấn đề về vướng mắc, khó khăn. Thứ nhất là một số vướng mắc, khó khăn trong phát triển, triển khai NƠXH như về quỹ đất và thời gian phê duyệt dự án. Thứ 2 là cơ chế ưu đãi với nhà đầu tư và chủ đầu tư. Vướng mắc thứ 3 là cơ chế ưu đãi tín dụng. Thứ 4 là sự giao thoa và lúng túng về các thủ tục hành chính giữa các luật mới và luật cũ vẫn còn giá trị hiện hữu.
Nêu rõ hơn về thực trạng này, nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh họ rất thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi, nhất là ở các đô thị lớn; Nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất xây nhà ở cho công nhân. Hơn nữa, số lượng thủ tục thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí đầu tư.
Cùng với lợi nhuận bị khống chế ở mức 10%, thì suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội lại được quy định thấp hơn vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư nhà ở thương mại khoảng 25%. Việc giảm suất vốn đầu tư khi xây dựng công trình nhà ở xã hội khiến chủ đầu tư phải giảm chi phí tối đa để phù hợp với suất vốn đầu tư theo quy định. Trong khi đó, nhiều công trình nhà ở xã hội có quy mô lớn, có tầng hầm, được đầu tư hạ tầng và áp dụng biện pháp thi công không khác gì nhà ở thương mại.
Ngoài ra, các chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội làm tài sản bảo đảm thế chấp, vay vốn nên rất khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng… Bởi vậy, rất khó hấp dẫn doanh nghiệp tham gia làm NƠXH.
(Còn nữa)
Minh Dương