Hoa đã nở trên đỉnh đồi Sim
Con đường vào khu tái định cư Làng Nủ trên đỉnh đồi Sim đẹp như trong tranh, được trải bê tông phẳng lì. Những ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây nhưng vẫn mang một nét đẹp hiện đại. Đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt ra xa, núi non ngút ngàn trùng điệp. Những đóa hoa, vườn rau đã bắt đầu rực rỡ, khoe sắc. Ấn tượng nhất có lẽ là lá cờ Tổ quốc và dòng chữ “Tiến tới hạnh phúc” làm bằng 6.000 gốc hoa đặt tại ngã tư trung tâm của khu tái định cư. Sau bao đau thương, làng Nủ mới đang thật sự hồi sinh.
Một góc làng Nủ mới.
Những ngày này, khu tái định cư làng Nủ luôn nhộn nhịp, hối hả. Các gia đình sắp xếp đồ đạc vào nhà mới, với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng và người dân địa phương. Niềm vui hiện rõ trong ánh mắt từng người dân, lan tỏa khắp khu tái định cư.
Sáng ngày 15/12/2024, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức bàn giao 40 căn nhà tái định cư và tặng quà cho người dân làng Nủ. Công trình do Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phụ trách xây dựng.
Trước đó, người dân đã bốc thăm lấy nhà để đảm bảo công bằng, minh bạch. Khu tái định cư làng Nủ nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Đường dẫn vào làng được đổ bêtông. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96 m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết Công trình vượt tiến độ 15 ngày so với mốc được giao là 31/12/2024. Nhà văn hóa thôn Làng Nủ và khu vực sạt lở cách nơi tái định cư khoảng 3 km sẽ trở thành nơi tưởng niệm.
Nhà tưởng niệm các nạn nhân trong vụ lũ quét kinh hoàng được xây dựng ngay sát với nhà văn hóa của thôn. Trong khuôn viên của sân nhà văn hóa cũng được bố trí thành điểm lưu giữ các kỷ vật của người dân làng Nủ, những dấu ấn của cơn lũ quét kinh hoàng đã xóa sổ ngôi làng. Khu tưởng niệm được thiết kế và đặt tại vị trí trang trọng để các thế hệ mai sau luôn nhớ về những người đã nằm xuống, những ngày tháng mất mát, đau thương của ngôi làng.
Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng bàn giao, tặng quà cho người dân làng Nủ
Những hiện vật của trận lũ quét vẫn được lưu giữ nguyên vẹn tại khuôn viên khu tưởng niệm. Tại nhà văn hóa của thôn, nhiều bức ảnh được trưng bày ghi dấu lại thời điểm đen tối khi xảy ra bão lũ. Cùng với đó là sự quật cường của người dân, sự chung tay của đồng bào cả nước khi dành mọi sự hỗ trợ, yêu thương cho Làng Nủ.
Nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ để mọi người ghé thăm, thắp hương tưởng niệm những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng trong vụ lũ quét kinh hoàng.
Hướng đến tương lai tươi sáng
Mới chuyển về đây được hơn vài ngày, căn nhà của anh Hoàng Văn Nhớ đã được trang bị khá đầy đủ vật dụng cần thiết. Nhiều đồ dùng sinh hoạt trong nhà là do các tổ chức, cá nhân tài trợ, số còn lại do gia đình tự mua sắm. “Sau những mất mát, đau thương, được Nhà nước và các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, tôi cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ ổn định nơi ở, gia đình bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho cái Tết”, anh Nhớ chia sẻ.
Dù cơ thể với nhiều thương tích nhưng chị Kim vẫn luôn hy vọng về một tương lai tươi sáng
Được chuyển về nhà ở mới khang trang, sạch đẹp, gác lại những đau thương, vợ chồng chị Hoàng Thị Kim (25 tuổi) cùng bà con nơi đây đều đang hướng đến một cuộc sống mới với những điều tốt đẹp phía trước. Được sống và được định cư tại một ngôi làng mới đẹp như trong tranh, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và lực lượng Công an xã, vợ chồng chị Kim cảm thấy rất hạnh phúc.
Gia đình chị Kim là trường hợp khá may mắn khi hai vợ chồng cùng cô con gái may mắn thoát được thảm họa. “Sáng hôm đó linh tính thế nào vợ chồng em lại dậy rất sớm. Chồng em dặn hai mẹ con ở nhà để anh ấy sang xem nhà bố mẹ có bị sao không. Em cũng định mở cửa để xem bên ngoài thế nào nhưng thấy tiếng gió rít to quá nên quay lại giường. Em vừa kịp kéo cái chăn đắp lên người cho con thì đùng một cái, ngôi nhà cùng mẹ con em bị lũ cuốn đi”, chị Kim nhớ lại. Dù cánh tay vẫn còn sưng tấy, chằng chịt vết khâu kéo dài từ khuỷu tay lên gần vai, dù còn gánh trên vai số nợ lớn khi ngôi nhà mới xây bằng tiền vay mượn đã bị dòng lũ cuốn phăng, nhưng vợ chồng chị Kim vẫn động viên nhau “còn người là còn của”.
Trường hợp của Kim cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Dự định sắp tới địa phương có thể sắp xếp cho chị Kim công việc trông coi, giữ gìn khu tưởng niệm ở làng Nủ cũ.
Tương tự, gia đình chị Hoàng Thị Dịt cũng là một trong số hiếm hoi các gia đình vẫn còn nguyên vẹn. Hôm xảy ra thảm họa vì bố chồng ốm nặng nên cả nhà chị đã sang nhà ông trông coi từ hôm trước, vì đêm hôm đó mưa to, cả nhà chị đã ở lại nhà bố chồng nên đã may mắn thoát chết.
Vừa bốc thăm căn nhà mới cách đây mấy hôm, gia đình chị Dịt đã được những người trong thôn kéo đến dọn dẹp giúp. Hôm nay, khi ngôi nhà của mình đã tạm ổn, chị lại cùng nhiều người trong làng đến nhà anh Hoàng Văn Tin dọn dẹp và đan hàng rào bảo vệ vườn rau giúp anh Tin. Cách nhà của anh Tin không xa là ngôi nhà của ông Sầm Văn Bóng. Trong cơn lũ quét vừa qua, ông Bóng mất đi tới 5 người thân. Gia đình ông giờ chỉ còn lại ông và người con trai. Khi chúng tôi đến, bố con ông Bóng vẫn đang đi làm xa nhưng ngôi nhà của gia đình ông đã được bà con đến dọn dẹp sạch sẽ và vườn hoa cũng đang được trồng lên với những gam màu rực rỡ.
Cách đó không xa, chị Hoàng Thị Cảnh (37 tuổi) cũng đang lúi húi quét dọn ngôi nhà mới vừa bốc thăm. Dù được nhận nhà mới nhưng chị vẫn không thể giấu được nỗi buồn, kể chuyện cho chúng tôi, mắt chị lại ngấn nước: “Sáng sớm hôm đó, 3 mẹ con mình ra ngoài kiểm tra xem mực nước thế nào, còn chồng mình ở lại nhà để khơi cái cống. Vừa đi được mấy phút thì nghe tiếng nổ rất to, quay lại nhìn thì ngôi nhà đã biến mất. Chồng mình đã bị lũ cuốn đi, 29 ngày sau mới tìm được thi thể của anh ấy”.
Người dân làng Nủ giúp nhau dọn dẹp nhà mới.
Đã có khoảng thời gian, chị Cảnh muốn buông bỏ tất cả, nhưng nghĩ đến hai đứa con nhỏ, chị lại cố nén nỗi đau để vực dậy. “Thời gian vừa rồi nhờ một nhóm thiện nguyện đã mang cây quế giống cho bà con. Em cũng được cấp giống nên đã trồng vào khu ruộng của nhà mình bị vùi lấp. Cây bây giờ đã mọc xanh rồi. Ngoài ra, em còn trồng thâm canh thêm cây sắn để vừa có cái ăn, vừa để bán lấy tiền nuôi các con ăn học”. Chị Cảnh cho biết thêm.
Nói về tinh thần tương thân tương ái của người dân nơi đây, bà Trần Hoài Thu, Trưởng ban công tác mặt trận làng Nủ xúc động chia sẻ: “Sau sự mất mát và đau thương tột cùng, giờ đây bà con làng Nủ đã chung tay khắc phục hậu quả và tái thiết lại cuộc sống, màu xanh đã trở lại nơi đây. Các nhà giúp nhau trồng hoa, làm vườn rau, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, xong nhà này tất cả lại chuyển sang nhà khác”.
Còn nữa
Ngọc Anh – Ngọc Trâm