Khu vực sơ chế của bếp ăn Bệnh viện Khu vực Ngọc Lặc nhếch nhác, đọng nước.
Không lưu mẫu thức ăn hàng ngày, thiếu hồ sơ kiểm tra ba bước, không kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng, hệ thống kiểm tra nội bộ định kỳ không làm hoặc làm đối phó… là tình trạng diễn ra ở rất nhiều bếp ăn bệnh viện trên địa bàn Thanh Hóa.
Không lưu mẫu, không kiểm định
Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là bệnh viện tuyến tỉnh, hạng I, là cơ sở khám chữa bệnh cho người dân 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, phần lớn là đồng bào dân tộc và vùng biên giới Việt - Lào.
Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, khoảng hơn 10 giờ sáng, từng nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã có mặt tại nhà ăn của bệnh viện. Mỗi ngày, nhà ăn này nấu khoảng 150 suất chưa kể ăn sáng thế nhưng việc lưu mẫu thức ăn cũng như việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, sơ chế, chế biến gần như không có.
Tại tủ lưu mẫu, quản lý bếp ăn cung cấp 7 hộp đựng mẫu lưu, tuy nhiên, trên tem dán bên ngoài được ghi thời gian năm 2024. Toàn bộ hồ sơ kiểm thực ba bước; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của đơn vị, hợp đồng đối với đơn vị cung ứng thực phẩm được chứng nhận đủ điều kiện không hề có. Quản lý bếp không nắm được nguyên tắc ghi nhận nguồn gốc thực phẩm; khu vực sơ chế nhếch nhác, đọng nước...
“Lâu nay việc lưu mẫu, hồ sơ kiểm thực ba bước, chúng em không được hướng dẫn nên không biết. Giấy chứng nhận ATVSTP, các hồ sơ liên quan chúng em đang làm, nguồn thực phẩm thì lấy từ nhà dân, chợ, chưa có hợp đồng với đơn vị nào. Hôm qua có đoàn vào nên hôm nay mới nhắc nhở lấy mẫu, nhưng các bà lại quên không ghi lại thời gian”, quản lý bếp ăn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc lý giải.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương, tủ lưu mẫu không có bất kỳ mẫu thức ăn nào được lưu; từ đầu năm 2025 đến nay, hồ sơ kiểm thực ba bước không được ghi chép gì (kể từ khi có đoàn kiểm tra vào cuối năm 2024); một số đơn vị cung ứng được ký hợp đồng nhưng thời điểm phóng viên ghi nhận chỉ có vài hóa đơn không rõ ngày tháng; tủ bảo ôn lưu trữ đồ ăn để lẫn cả sống và chín…
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn ngoài tình trạng giống như hai bệnh viện trên thì công đoạn sơ chế và chế biến diễn ra cùng khu vực, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo quy định của Bộ Y tế, từ 30 suất ăn trở lên, buộc phải lưu mẫu thức ăn trong vòng 24 giờ nhằm phục vụ công tác điều tra khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trên thực tế các bếp ăn của những bệnh viện trên mỗi ngày đều cung cấp hàng trăm suất ăn, thấp nhất cũng 50 - 60 suất/ngày, thế nhưng việc lưu mẫu thức ăn hoàn toàn bị bỏ qua hoặc thực hiện mang tính hình thức. Bên cạnh đó, quy trình kiểm tra ba bước - một biện pháp cơ bản để phòng ngừa rủi ro thực phẩm - cũng không được thực hiện đúng chuẩn.
Đáng nói, một số bếp ăn vẫn còn tồn tại tình trạng ẩm thấp, cống rãnh thoát nước không đảm bảo, trang thiết bị sơ chế thô sơ, người lao động không sử dụng bảo hộ đầy đủ như khẩu trang, găng tay, tạp dề...
Tủ lưu mẫu của bếp ăn Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc được bày lẫn lộn rất nhiều thực phẩm khác.
Thiếu cả trách nhiệm lẫn giám sát
Theo ghi nhận, hầu hết các bệnh viện giao phó toàn bộ việc vận hành bếp ăn cho đơn vị cung cấp suất ăn. Việc kiểm tra định kỳ thường được thực hiện một cách hời hợt, mang tính thủ tục.
Một cán bộ dinh dưỡng của Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa được phụ trách kiểm tra bếp ăn nhưng cũng không nắm được nguyên tắc bếp ăn bệnh viện đủ điều kiện để hoạt động cần phải có những hồ sơ pháp lý gì.
Đối với Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, tháng 6/2024, Công ty TNHH một thành viên Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã trúng thầu nhà khoa dinh dưỡng của bệnh viện này vào mục đích kinh doanh, khai thác dịch vụ. Thế nhưng, gần một năm qua, quản lý của đơn vị trúng thầu cho biết vẫn đang trong thời gian làm thủ tục hồ sơ pháp lý như: Chứng nhận ATVSTP; hợp đồng với nhà cung cấp…
Tại bản hợp đồng của Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc với đơn vị cung ứng suất ăn đều không thể hiện nội dung về trách nhiệm kiểm tra giám sát công tác đảm bảo ATVSTP tại bếp ăn từ phía bệnh viện.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương cho biết: “Toàn bộ hoạt động kiểm tra hàng ngày tại bếp ăn giao cho tổ dinh dưỡng. Mấy phòng chức năng và khoa dinh dưỡng sẽ chịu trách nhiệm việc này. Thời gian này đang chuẩn bị hội thảo, nhiều việc nên có thể các phòng ban sẽ quên chưa làm. Chúng tôi sẽ cho chấn chỉnh”.
Ông Lê Hồng Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hóa cho biết, bếp ăn bệnh viện đúng quy định phải có quy mô; nếu là khoa dinh dưỡng của bệnh viện đứng ra làm thì phải cam kết; còn nếu bệnh viện tổ chức đấu thầu thì với các hộ kinh doanh cá thể phải được UBND huyện cấp đủ điều kiện; đối với công ty thì phải được Chi cục ATVSTP tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Bếp ăn của Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa.
Ngoài ra, phải đảm bảo hệ thống sổ sách, từ lưu mẫu (đối với bếp ăn cung cấp trên 30 suất mỗi ngày), kiểm thực ba bước, đầu ra đầu vào. Sau đó là điều kiện nơi chế biến thực phẩm phải sạch sẽ thoáng mát… Việc này không phải hướng dẫn mà luật đã quy định. Đơn vị làm phải tìm hiểu để thực hiện cho đúng.
Cũng theo ông Sơn, dù sau khi đấu thầu, mặt bằng được bàn giao cho bên trúng thầu tổ chức nấu ăn thì dưới góc độ quản lý nhà nước, người đứng đầu bệnh viện vẫn phải chịu trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATVSTP chứ không thể nói trách nhiệm chỉ ở phía đơn vị cung cấp suất ăn.
Ông Lê Hồng Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Do phân cấp đơn vị quản lý, Chi cục ATVSTP được phân cấp kiểm tra đối với bếp ăn từ 200 suất ăn trở lên, và phải do Sở Kế hoạch đầu tư cấp đăng ký kinh doanh. Còn dưới 200 suất ăn là của cấp huyện, dưới 50 suất là của cấp xã. Cái khó là chúng tôi rất muốn kiểm tra đột xuất nhưng phải có dấu hiệu vi phạm. Tất cả các cuộc kiểm tra bình thường, thường xuyên đều phải được phê duyệt của sở và Thanh tra tỉnh”.
Nguyễn Thùy