LTS: Cùng với sự phát triển như vũ bảo của khoa học công nghệ thì các loại tội phạm trên không gian mạng của “trăm hoa đua nở” với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được xem là lĩnh vực mới nhưng mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này khó lường.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên và Phó Giám đốc Công an thành phố, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, thời gian qua, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng. Chủ động phối hợp với các đơn vị của Công an thành phố thực hiện tốt các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm.
Từ chuyên án đánh bạc hơn 2.000 tỷ đồng…
Từ giữa năm 2024, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) phát hiện một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá với quy mô lớn, liên tỉnh, thành phố. Số tiền đánh bạc trong đường dây này lên đến hàng tỷ đồng, do nhiều đối tượng hình sự cộm cán, ranh mãnh cầm đầu.
Các đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá qua mạng.
Thông qua nhiều chân rết, các đối tượng đã lôi kéo, rủ rê hàng chục con bạc trên địa TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh tham gia cá độ bóng đá. Trước tính chất phức tạp của vụ việc, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng phối hợp Công an quận Hải Châu tiến hành áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thu thập các tài liệu để xác định lai lịch, mối quan hệ, vai trò vị trí của từng đối tượng.
Qua điều tra, vào khoảng tháng 5.2024 do có nhu cầu kiếm tiền bằng hình thức tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng nên Nguyễn Duy Khanh (sinh năm 1979, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã liên hệ với một người đàn ông tên Tèo (chưa rõ nhân thân lai lịch) để lấy một tài khoản cấp siêu tổng Super Master trên nhà cái “www.bong88.com” có mã là V39B1, hạn mức là 900.000 YEN (chín trăm nghìn YEN), sau đó móc nối với nhiều đối tượng khác hình thành một đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc quy mô lớn trên không gian mạng.
Khanh sử dụng tài khoản cấp siêu tổng nêu trên để chia tách thành nhiều trang mạng tổng đại lý (Master), tổng (Agent) và thành viên (member) để giao lại cho các con bạc đầu mối cấp dưới để hoạt động tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá cược thể thao.
Từ tháng 5.2024 đến khi bị bắt, xác định các đối tượng đã hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc với số tiền hơn 2 ngàn tỷ đồng; đặc biệt chỉ riêng trong thời điểm diễn ra giải bóng đá EURO 2024, các đối tượng đã hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc với số tiền hơn 150 tỷ đồng.
Sau một thời gian truy xét, xác định thời cơ đã chín muồi, vào giữa tháng 11.2024, Phòng An ninh mạng phối hợp Công an quận Hải Châu và Công an TP. Hồ Chí Minh huy động gần 100 cán bộ chiến sỹ chia thành 12 tổ công tác đồng loạt tiến hành bắt giữ và khám xét chỗ và đưa về trụ sở các đối tượng cộm cán trong đường dây như: Nguyễn Duy Khanh (sinh năm 1979, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng); Nguyễn Gia Phúc (sinh năm 1989, trú phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP. Hồ Chí Minh); Trần Trọng Đức (sinh năm 1984; trú tại tổ 01, Khu 5A Cẩm Trung, Cẩm Phả, Quảng Ninh)…
Theo cơ quan an ninh điều tra, các đối tượng trong đường dây này đều là đối tượng xã hội cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, ngoan cố không thừa nhận hành vi. Tuy nhiên trước những tài liệu chứng cứ rõ ràng và tinh thần đấu tranh quyết liệt của cán bộ chiến sỹ Phòng An ninh mạng, các đối tượng đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi của mình.
Tang vật, tài liệu thu giữ gồm hàng chục thiết bị điện tử các đối tượng sử dụng để đánh bạc và tổ chức đánh bạc, hơn 10.000 trang tài liệu liên quan, cùng nhiều tang tài vật khác có liên quan.
… Đến những đường dây lợi dụng lòng “trắc ẩn” để lừa đảo
Sau mỗi đợt thiên tai hay thảm họa nhân đạo, nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tốt của người dân thông qua các chương trình kêu gọi quyên góp từ thiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi trên không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính cho những người quyên góp mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động từ thiện chân chính.
Các băng nhóm tội phạm "ẩn nấp" trên không gian mạng gây ra nhiều hệ lụy lớn.
Các đối tượng lừa đảo thường giả mạo các tổ chức từ thiện uy tín thông qua việc sử dụng tên, logo hoặc tạo ra các trang web, tài khoản mạng xã hội có hình ảnh, giao diện gần giống với các tổ chức trên để tổ chức kêu gọi quyên góp. Vì lòng trắc ẩn và thiếu cảnh giác, nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiền vào số tài khoản do các đối tượng đưa ra.
Xác định hành vi lừa đảo nói trên, Phòng An ninh mạng đã tổ chức “trinh sát”, truy quét các tổ chức lừa đảo này. Từ đầu năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tài khoản mạng xã hội facebook như: “Một Lòng Hướng Phật - Ni Sư Chức Từ”; “Phật Pháp Nhiệm Màu - Ni Sư Nhân Độ”, “Ni sư Tâm Phúc”; “Phật Pháp Nhiệm Mầu - Ni Sư Tâm Hạ”… thường xuyên đăng tải hình ảnh những hoàn cảnh đáng thương (tai nạn, bệnh hiểm nghèo, neo đơn, mồ côi cha, mẹ…) kèm theo bài viết kêu gọi người dân quyên góp từ thiện vào nhiều tài khoản ngân hàng cá nhân. Các tài khoản Facebook trên mạo danh Ni sư Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Tường Phúc (sinh sống tại Huế) và sử dụng hình ảnh của các nạn nhân điều trị ở các Bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng để kêu gọi quyên góp.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng xác định đối tượng đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh nên đã báo cáo Giám đốc Công an thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra phân công tổ công tác vào TP. Hồ Chí Minh để xác minh, truy bắt đối tượng.
Ngay sau đó, tổ công tác vào TP. Hồ Chí Minh trinh sát, mật phục nhiều địa điểm khác nhau. Qua đó, phát hiện đối tượng nghi vấn tên Lê Đình Hải (sinh năm 1998, đang thuê trọ tại 239/9 Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) nên tiến hành triệu tập về trụ sở Công an. Với các tài liệu, dữ liệu điện tử thu thập được đối tượng đã thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện.
Tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận đã tạo các tài khoản mạng xã hội Facebook mạo danh Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Tường Phúc để đăng tải các bài viết với nội dung kêu gọi quyên góp tiền từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Hải còn cho chạy quảng cáo trên facebook các bài viết hình ảnh kêu gọi từ thiện để tiếp cận với nhiều người dân. Rất nhiều người dân đã tin tưởng chuyển tiền ủng hộ vào nhiều tài khoản khác nhau do Hải sử dụng. Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2021 đến thời điểm bị bắt, Hải đã chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của hơn hàng chục ngàn bị hại trên toàn quốc.
Sau đó, tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khám xét thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng và đặc biệt thu giữ hơn 12 thẻ Ngân hàng các loại với tổng số tiền giao dịch trên 10 tỷ đồng, riêng số tiền giao dịch trong tài khoản cá nhân của Lê Đình Hải gần 6 tỷ đồng.
Thực hiện các đợt các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm trong năm 2024, Phòng An ninh mạng cũng đã “bốc dỡ” nhiều đường dây liên quan đến mua bán tài khoản ngân hàng do Nguyễn Tấn Tôn (sinh năm 2003, trú thôn 14 Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cầm đầu; phá đường dây phát tán mã độc nhằm chiếm đoạt tài khoản người khác do Lê Nguyễn Hải Nam cùng đồng bọn thực hiện; đường dây mua bán súng qua mạng của nhóm “Chim sẻ và dâu tây”…
Để đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ, Phòng An ninh mạng đã có những ngày “đấu trí – đấu lực” căng thẳng, lần theo những “dấu vết số” được các đối tượng che giấu kỹ lưỡng, tinh vi để bóc gỡ nhiều đường dây phạm tội.
Trong năm 2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Đà Nẵng) đã phát hiện, làm rõ 17 vụ việc với 79 đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Còn nữa!
Tấn Tài