Buổi gặp mặt “cực kỳ căng thẳng”
Giữa tháng 5/2025, chúng tôi tìm đến phường Phương Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gặp anh Nguyễn Đức Tiến (SN 1983) có con trai Nguyễn Tạ Minh Quang (đã đổi tên, SN 2006) đang chấp hành án phạt 6 năm tù cho hai tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”.
Bên quán trà ven đường, anh Tiến với khuôn mặt khắc khổ, làn da đen xạm vì rám nắng, nhắc lại câu chuyện khoảng 3 năm trước khi Minh Quang tụ tập cùng nhóm bạn gây án.
Thở dài hướng đôi mắt nhìn xa xăm, anh Tiến kể, Quang chỉ học hết cấp hai ở quê nhà Ninh Bình. Do ham chơi, cháu bỏ học giữa chừng. Sau khi lên Hà Nội cùng cha mẹ làm ăn, Quang tụ tập theo nhóm bạn di chuyển trên đường và gây xô xát.
Theo anh Tiến, trong vụ việc con trai anh không phải chủ mưu nhưng chịu liên đới. Quang cùng nhóm bạn đã ném vỏ chai bia, đánh nhau trên địa bàn quận Hà Đông khiến hai người thương tích. Thời điểm phạm tội, cháu chưa đủ 18 tuổi.
“Hôm nhận được điện thoại của Công an quận Hà Đông thông báo sẽ tạm giữ cháu, vợ tôi gần như suy sụp. Do nhiều người trong nhóm là trẻ vị thành niên nên cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội được cử đến làm nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý”, anh Tiến chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Tiến.
Theo Cục Trợ giúp pháp lý (nay là Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý), trên toàn quốc hiện có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước, 105 Chi nhánh TGPL cấp huyện, liên huyện với đội ngũ người thực hiện TGPL là hơn 1.200 viên chức, người lao động.
Anh cho biết, quá trình điều tra, truy tố đến khi ra tòa, Minh Quang con anh được Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Thanh Xuân (Trưởng Chi nhánh số 4, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội) hỗ trợ về mặt thủ tục và bào chữa.
Theo hướng dẫn của trợ giúp viên, anh Quang cùng phụ huynh của nhiều bị can khác có nhiều cuộc gặp với người thân gia đình bị hại nói chuyện. Mục đích cuộc gặp vừa để thương lượng bồi thường cũng vừa xin họ lượng thứ, bỏ qua sai lầm của con trẻ mà viết đơn xin giảm án cho con trước phiên tòa.
Anh Tiến nhớ những buổi gặp mặt ấy “cực kỳ căng thẳng”, vì gia đình bị hại phẫn nộ, uất ức. Có những hôm, chỉ đến nghe họ mắng xong rồi về chứ không đạt được thỏa thuận nào.
Đã có khoảng thời gian anh Tiến muốn buông xuôi, để cho pháp luật giải quyết, “con tội đến đâu chịu đến đó”, song nhờ Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Thanh Xuân động viên, anh tiếp tục đàm phán. Kết quả, sau nhiều lần kiên trì gia đình anh được bị hại giảm mức bồi thường và có đơn xin giảm án cho con.
“Nghĩ lại chuyện đã qua, tôi cảm thấy rất xấu hổ khi không thể dạy dỗ con tốt, để con phạm tội. Lúc thất vọng, muốn buông xuôi nhưng lại may mắn có chị Xuân giúp đỡ", anh nói và bày tỏ "cảm phục" nữ trợ giúp viên vì có những ngày đi gặp bị hại cũng bị người ta mắng lây.
Gần ba năm trôi qua, dù công việc tất bật nhưng anh Tiến vẫn giữ liên lạc, thi thoảng vào ngày lễ, Tết vợ chồng anh gửi lời nhắn chúc mừng, cảm ơn chị Xuân như vị “ân nhân” giúp đỡ gia đình trong những lúc tuyệt vọng.
Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Thanh Xuân.
Vụ việc thành công là phải bảo đảm hài hòa lợi ích đôi bên
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Thạc sĩ, Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Thanh Xuân (Trưởng Chi nhánh số 4 thuộc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội) cho hay, ngoài trường hợp của Minh Quang, vài năm trở lại đây chị tham gia nhiều vụ TGPL cho nhóm người phạm tội đang là trẻ vị thành niên.
Theo chị Xuân, sau dịch COVID-19 bùng phát, khối lượng việc liên quan vụ án hình sự tăng đột biến không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trợ giúp viên như chị phải xử lý trung bình mỗi năm từ 40 – 50 vụ.
Nguyên nhân tăng vụ việc được chị Xuân giải thích, bên cạnh triển khai công tác truyền thông về TGPL và hoạt động phối hợp liên ngành trong tố tụng đạt hiệu quả thì có nguyên nhân khách quan do một phần hậu quả dịch COVID-19 để lại. Khi các cháu thiếu niên dưới 18 tuổi giãn cách xã hội, phải học online, được tiếp xúc không gian mạng tạo thành nguồn kết nối với hoạt động xấu dẫn đến hành vi phạm tội cũng tăng, nằm chủ yếu ở hai nhóm “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”.
Phần lớn, các cháu ở độ tuổi này phạm tội thường suy nghĩ bồng bột, thiếu hiểu biết pháp luật hoặc có gia đình cha mẹ ly hôn, mải mê công việc khiến các cháu chán nản, sa ngã... Cũng có trường hợp “nghịch không thể cải tạo”, vi phạm pháp luật thường xuyên, trợ giúp viên xem họ là “khách hàng quen thuộc”.
Trợ giúp viên pháp lý trong buổi phổ biến pháp luật với học sinh.
Nhớ lại các vụ việc mình từng trợ giúp, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân kể về trường hợp thiếu niên tên Bùi Nam Hà (tên nhân vật đã thay đổi, thời điểm phạm tội mới 17 tuổi, học sinh lớp 11 ở quận Bắc Từ Liêm). Câu chuyện xảy ra từ năm 2021, trong thời gian học cháu tranh thủ làm thêm ở tiệm cơm gần nhà. Gia đình Hà thuộc diện khó khăn, cha lái taxi, mẹ buôn bán nhỏ ngoài chợ cóc.
Một hôm đang ngồi trông quán, người hàng xóm bên cạnh quán sang gây rối, dẫn đến cháu Hà không kiềm chế được bản thân, có xô xát. Sau vụ việc, người hàng xóm trình báo công an, còn cháu Hà tự nguyện đầu thú và bị khởi tố điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”.
"Hằng năm, số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng lên, như: Năm 2018 là 11.860 vụ việc; năm 2019 là 13.428 vụ việc; năm 2020 là 16.168 vụ việc; năm 2021 là 20.868 vụ việc; năm 2022 là 21.276 vụ việc; năm 2023 là 25.506 vụ việc.
Riêng năm 2024, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc thực hiện 63.361 vụ việc, trong đó, thụ lý mới 39.641 vụ chủ yếu là vụ TGPL tham gia tố tụng", theo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý.
Tiếp nhận vụ án, chị Xuân đã tham gia các hoạt động tố tụng để bào chữa cho cháu Hà theo quy định. Bên cạnh đó, chị nhiều lần đi lại giúp hai bên hòa giải, thương lượng về vấn đề bồi thường dân sự. Nhờ kiên trì tác động tâm lý, gia đình bị hại đồng ý giảm mức bồi thường về tiền từ 500 triệu xuống còn 150 triệu đồng và có đơn xin giảm án cho bị cáo.
Cá nhân cháu Hà ra tòa được Hội đồng xét xử ghi nhận thành khẩn, biết ăn năn hối lỗi nên tuyên mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, trong khi khung đề nghị truy tố của cơ quan tố tụng từ 5 – 10 năm tù giam.
“Mức án này tốt cho Hà, cháu là người con ngoan, học lực khá, chỉ vì bức xúc không kiềm chế được bản thân khi bị hàng xóm gây gổ đã phạm tội", nữ Trợ giúp viên pháp lý vui mừng vì cháu Hà được hưởng án treo, vẫn có thể đi học và còn nhiều cơ hội phía trước.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân tại một hội nghị truyền thông về TGPL và pháp luật liên quan đến trẻ em.
Ngoài đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội, chị Xuân còn tham gia trợ giúp rất nhiều trường hợp là người khuyết tật khó khăn về tài chính, người thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng. Như năm 2022, tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, xảy ra vụ tranh chấp mảnh đất thừa kế do cha mẹ di chúc để lại cho những người con nuôi, trong đó có bị đơn là người câm điếc bẩm sinh.
Được yêu cầu đến TGPL cho bị đơn, dù giao tiếp với người câm điếc khó khăn nhưng chị Xuân cùng đồng nghiệp kiên trì giải quyết. Kết quả tới phiên tòa phúc thẩm đã có bản án hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Suốt 13 năm làm Trợ giúp viên pháp lý, chị Xuân bộc bạch bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc sau mỗi vụ án kết thúc trong “êm đẹp”, thì không ít vụ việc chị phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
“Đã có lúc tôi tự hỏi, tại sao mình phải đi ngồi nghe họ chửi như thế", chị nói, rồi lại tự đặt mình vào vị trí của họ mới thấy được sự bức xúc, cùng hậu quả họ đang gồng mình chịu đựng.
Từ kinh nghiệm giải quyết các vụ việc, chị Xuân cho rằng một trợ giúp viên pháp lý khi hành nghề không chỉ nhằm mục đích duy nhất bảo vệ cho người cần sự trợ giúp mà phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích đôi bên (giữa bị can - bị hại, nguyên đơn – bị đơn). Khi bị can chưa hiểu rõ bản chất hành vi vi phạm thì giải thích, tư vấn cho hiểu; bên cạnh đó cũng phải làm công tác tâm lý với bị hại, làm sao hai bên đạt kết quả hài hòa nhất có thể. Đấy mới là vụ việc thành công!
“Mỗi nghề đều có yêu cầu khác nhau, trợ giúp viên pháp lý cũng vậy, ngoài chuyên môn nghiệp vụ tốt còn phải nhiệt tình cống hiến, tận tụy. Chúng tôi làm việc nhưng trong tâm vẫn luôn suy nghĩ mình đang thực hiện chính sách lớn, có tính nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước”, chị Xuân chia sẻ.
Trợ giúp viên Nguyễn Thị Thanh Xuân làm công tác TGPL tại một phiên tòa.
Trăn trở của nghề
Nhớ lại năm 2010 khi mới chuyển về Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội công tác, chị Xuân làm chuyên viên, sau một thời gian đào tạo các khóa học chuyên biệt, năm 2013, chị trở thành Trợ giúp viên pháp lý chính thức.
Chị Xuân kể, những năm đầu mới vào nghề, số lượng trợ giúp viên còn ít, vụ việc cũng chưa nhiều, Trung tâm chỉ ký hợp đồng giao cộng tác viên thực hiện. Từ năm 2017, Luật TGPL năm 2016 có hiệu lực, căn cứ số lượng cán bộ và nhu cầu thực tế công việc tại thành phố, Trung tâm không còn ký hợp đồng cộng tác viên mà giao vụ việc cho các Trợ giúp viên pháp lý.
Đến nay, dù có kết quả đáng tự hào sau nhiều năm công tác, được cơ quan tặng bằng khen, giấy khen, song nhìn lại thực tiễn hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý không khỏi khiến chị Xuân có nhiều trăn trở trước những bất cấp của nghề.
“Gần đây, nhiều người bắt đầu gửi gắm niềm tin vào trợ giúp viên pháp lý, bằng chứng là số lượng người tìm đến trung tâm qua các năm ngày một tăng. Nhiều trường hợp ngoài nhờ trợ giúp viên pháp lý còn thuê thêm luật sư bên ngoài để cùng bào chữa tại phiên tòa, sau các phiên tòa họ đánh giá phần phân tích của trợ giúp viên và luật sư gần như tương đồng nhau, tới phiên phúc thẩm họ không thuê thêm luật sư nữa mà tin tưởng vào dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí”, trợ giúp viên Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Khó khăn thứ nhất chị Xuân nhận thấy là khi giải thích quy định của pháp luật cho đối tượng được TGPL. Đa phần họ thiếu hiểu biết. Như người khuyết tật, việc giao tiếp với họ đã khó nên giải đáp thắc mắc về pháp luật cho họ lại càng khó hơn.
“Hay những người có công cách mạng, nhiều bác trước đây cứ cho rằng mình chỉ cần viết tay để mua bán đất. Khi có tranh chấp thì lên gặp chủ tịch phường, quận nộp đơn là xong nhưng họ không hiểu hết có trường hợp giải quyết pháp lý phải qua trình tự thủ tục, làm giấy tờ rất lâu...”, chị Xuân nói những trường hợp như vậy, trợ giúp viên ngoài nắm bắt nội dung yêu cầu TGPL còn phải tùy diễn biến tâm lý người được TGPL để tư vấn, giải thích đến khi họ thấy thuyết phục.
Hai là, tâm lý của người được TGPL thường nghĩ “của miễn phí thường không chất lượng”, họ lo người trợ giúp cho mình sẽ không nhiệt tình, thậm chí có trường hợp suy nghĩ Trợ giúp viên pháp lý là người của cơ quan nhà nước cử đến trấn áp, chống lại họ. Do đó, để xây dựng được lòng tin với đối tượng cần sự TGPL là cả một quá trình đòi hỏi cán bộ phải có kinh nghiệm, một tấm lòng luôn bao dung, rộng lượng.
Khó khăn thứ ba theo trợ giúp viên Nguyễn Thị Thanh Xuân là liên quan đến diễn biến tố tụng. Ngày nay, các cơ quan tiến hành tố tụng có sự phối hợp rất nhịp nhàng ngay từ đầu giai đoạn điều tra nhưng đâu đó vẫn tồn tại một số trường hợp người tiến hành tố tụng còn nhận định chưa đúng về vai trò của trợ giúp viên pháp lý. Thậm chí, có trường hợp coi trợ giúp viên chỉ là “hình thức”, nhiều đề xuất của trợ giúp viên chưa được ghi nhận.
Thứ tư là nguồn kinh phí hỗ trợ, chị Xuân cho hay nếu một luật sư thực hiện công việc hỗ trợ pháp lý cho người dân thường ký hợp đồng thù lao từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhưng trợ giúp viên pháp lý chỉ hưởng lương, phụ cấp bồi dưỡng của Nhà nước, trong khi tính chất công việc như nhau.
Luật sư Trần Xuân Tiền.
Thực hiện đúng chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước
Từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực Thi hành án dân sự và Trợ giúp viên pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội - Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá, các Trợ giúp viên pháp lý ngày nay đều được đào tạo bài bản, trình độ sánh ngang với luật sư. Hai nghề chỉ khác nhau ở chỗ luật sư làm tự do, còn trợ giúp viên pháp lý sẽ làm tại Trung tâm TGPL Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.
Theo luật sư Tiền, quá trình phát triển, Trợ giúp viên pháp lý ban đầu chỉ được tham gia tư vấn, trợ giúp nhóm người yếu thế trong xã hội. Vài năm gần đây họ mới được tham gia bào chữa tại các phiên tòa.
“Cá nhân tôi thấy, các trợ giúp viên đang thực hiện đúng chủ trương nhân đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước là luôn luôn quan tâm người yếu thế, đặc biệt là nhóm người có công với cách mạng, đất nước chúng ta luôn tri ân họ. Để đáp ứng xu hướng phát triển, trình độ các trợ giúp viên cũng ngày một nâng lên nhưng đâu đó vẫn còn những vướng mắc bởi quy định của nghề”, luật sư Trần Xuân Tiền nói.
Ông Trương Việt Toàn (nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội) nhận xét, trợ giúp viên pháp lý ra đời đã góp phần tích cực bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội, khi họ không đủ tiền để thuê luật sư.
Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân TP Hà Nội Trương Việt Toàn.
Theo ông Trương Việt Toàn, ngoài nhóm yếu thế được trợ giúp viên hỗ trợ pháp lý thì trong hệ thống pháp luật Việt Nam có một số tội danh quy định cho phép Tòa án chỉ định luật sư bào chữa. Hoạt động của luật sư được chỉ định tương tự như trợ giúp pháp lý, tòa sẽ không thu phí của đương sự, Nhà nước sẽ trả phí theo mỗi phiên tòa cho luật sư chỉ định.
Tuy nhiên, ông Toàn cũng đánh giá trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay, các vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý ra tòa bào chữa chưa nhiều. Nguyên nhân, có thể "vướng mắc" trong công tác phổ biến pháp luật, công tác tuyên truyền về việc có hệ thống TGPL tới người dân, do đó, nhiều người thuộc diện được hỗ trợ vẫn chưa biết có hoạt động TGPL miễn phí này.
Đánh giá năng lực của Trợ giúp viên pháp lý, ông Trương Việt Toàn cho rằng họ không yếu kém về chuyên môn nhưng hoạt động trợ giúp của họ thực hiện miễn phí, thù lao ít nên phần nào các trợ giúp viên có thể “suy nghĩ”.
“Để Trợ giúp viên pháp lý hoạt động hiệu quả trong toàn ngành TGPL nói chung và hoạt động tố tụng nói riêng cần phải bàn lại rất nhiều. Có thể chế độ hỗ trợ trong mỗi vụ việc còn ít, nên chưa thúc đẩy được hết phẩm chất nhiệt tình và năng lực của họ”, nguyên Thẩm phán Trương Việt Toàn nêu quan điểm.
Hoàng Cư