Ngày khởi công, quả đồi chỉ là miếng đất trống, được san gạt vội vàng...
Ngày khởi công, những người lạc quan nhất có lẽ cũng không dám nghĩ công trình có thể hoàn thành trong thời gian ngắn đến vậy. Địa hình chia cắt, dốc cao khiến việc vận chuyển vật liệu trở thành bài toán nan giải. Đường dẫn vào công trường khi đó vẫn chỉ là những lối mòn đất đỏ, mùa mưa thì trơn trượt, mùa nắng lại bám đầy bụi. Nhưng vượt lên tất cả, những bàn tay cần mẫn của đội ngũ công nhân đã từng ngày biến khó khăn thành động lực.
Công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn... (Ảnh: Báo Lào Cai)
Họ là những người thợ đến từ nhiều nơi, mang theo tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy. Có người phải xa nhà hàng trăm cây số, sống trong những lán trại dựng tạm giữa đồi núi. Ban ngày, họ căng mình làm việc dưới cái nắng gắt hoặc trong những cơn mưa rừng tầm tã. Ban đêm, ánh đèn từ công trường vẫn sáng rực, bởi họ biết rằng mỗi giây phút trôi qua đều quý giá.
Ông Lưu Văn Hùng, đại diện 1 trong 5 đơn vị đang thi công khu tái định cư Kho Vàng cho biết: "Chúng tôi đã huy động trên 100 công nhân, cùng nhiều máy ủi, máy xúc, ô tô, máy trộn bê tông… thi công liên tục 3 ca 4 kíp. Quả thật trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa có một công trình nào được xây dựng, hoàn thiện với tốc độ kỷ lục như khu tái định cư này".
Nhưng Ban Quản lý, nhà thầu, kỹ sư và công nhân đã vượt qua tất cả. Sau chưa đầy 90 ngày, một khu dân cư mới đã hiện ra vững chãi.
Nhưng họ không đơn độc. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp luôn luôn đồng hành, hỗ trợ sát sao. Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai, trong một chuyến kiểm tra tiến độ, đã mang theo cả một con lợn như món quà động viên tinh thần anh em công nhân.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) không chỉ đóng góp về mặt tài chính, còn tặng thêm hai con lợn để "tiếp lửa" cho đội ngũ. Những món quà tưởng nhỏ nhưng chứa đựng sự quan tâm lớn, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm việc ngày đêm giữa rừng núi xa xôi.
Trong 90 ngày ấy, thật vô cùng khẩn trương. Từng mét đất được san gạt, từng viên gạch được sắp xếp cẩn thận. Các ngôi nhà không chỉ được xây dựng chắc chắn, an toàn mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông và người Dao. Những mái nhà thấp tầng với mái dốc, cùng khuôn viên nhỏ xinh… tạo nên một tổng thể hài hòa và đẹp mắt. Từng chi tiết, dù nhỏ nhất, đều được chăm chút kỹ lưỡng để bảo đảm người dân có thể an cư, lạc nghiệp lâu dài.
Những ngày này, khi chúng tôi trở lại thì khu tái thiết đã lột xác hoàn toàn. Từ một quả đồi hoang vu, nơi đây trở thành một ngôi làng đầy sức sống.
Ngôi làng xinh đẹp đã hiện ra trong thời gian kỷ lục.
Những đứa trẻ giờ đây có thể vui đùa trên những con đường bê tông sạch sẽ. Người lớn tất bật dọn dẹp nhà cửa, trồng cây, trồng hoa… với hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn. Kho Vàng giờ đây đã trở thành một biểu tượng - biểu tượng của ý chí, của sức mạnh đoàn kết và của niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Từ trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà như những nốt nhạc trải dài trên triền đồi, hòa quyện với sắc xanh của rừng núi. Cảnh tượng ấy không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là niềm cảm hứng cho bất kỳ ai đến đây, rằng: Dù khó khăn đến đâu, con người vẫn có thể vượt qua, miễn là có ý chí và sự đồng lòng.
Và điều lớn lao nhất mà hành trình này mang lại chính là niềm tin - niềm tin vào sự hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ từ nghịch cảnh. Và với những gì đã làm được, Kho Vàng không chỉ là nơi tái định cư của một cộng đồng, mà còn là biểu tượng của sự khởi đầu, của giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn...
(Còn nữa)
Minh Tiến