Bài 1: Thích ứng với diễn biến khó lường của thời tiết

Bài 1: Thích ứng với diễn biến khó lường của thời tiết
10 giờ trướcBài gốc
Nỗi lo sinh kế
Gia đình chị Nguyễn Thị Yên (sinh năm 1986) ở thôn Ngọn Ngòi, xã Mậu Đông (huyện Văn Yên, Yên Bái) là hộ nghèo trong xã. Đến nay, chị Yên vẫn ám ảnh bởi cơn bão số 3 năm 2024, bão lũ đã làm hư hại hết nhà cửa, tài sản... của gia đình chị.
Chị Nguyễn Thị Yên bên căn nhà xây mới.
Khi được chính quyền vận động hỗ trợ 60 triệu đồng theo chương trình xóa nhà tạm, cộng đồng hỗ trợ hơn 30 triệu đồng, gia đình chị Yên đã vay thêm họ hàng và ngân hàng chính sách xã hội khoảng 100 triệu đồng để góp vào xây dựng nhà mới...
Chị Yên chia sẻ: “Chồng đau ốm 3 năm nay, chỉ ở nhà. Tôi là lao động chính làm theo công nhật, ai thuê gì làm nấy... Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nghĩ đến cảnh mưa bão năm trước, tôi thấy khổ quá, nên vẫn quyết tâm làm nhà mới. Hiện nay, gia đình trông chờ vào vụ quế thu hoạch trong năm tới để trả nợ. Có nhà mới yêu tâm làm ăn, phát triển kinh tế...”.
Về sinh kế, chị Yên chia sẻ mong muốn được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi, học nghề phát triển kinh tế gia đình và sẽ không phải đi làm thuê...
Ông Phạm Tiến Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đông cho biết, là xã thuần nông, nên mưa bão ảnh hưởng lớn đến kinh tế các hộ dân. Đơn cử, bão số 3 năm 2024 đã gây mưa lớn và ngập lụt, sạt lở trên địa bàn xã, gây thiệt hại nặng cho người dân, làm chết 1 người, 15 nhà bị thiệt hại, trong đó 2 nhà sập đổ hoàn toàn, 2 nhà di dời khẩn cấp, 5 nhà hư hỏng nặng, 6 nhà hư hỏng nhẹ dưới 50%... Nhiều tuyến đường bị sạt lở, diện tích sản xuất nông lâm nghiệp thiệt hại trên 110 ha…
“Sau bão có hơn 50 đoàn thiện nguyện hỗ trợ tiền mặt 646 triệu đồng và trên 6.800 đồ dùng nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, chăn màn, nước uống… Sửa chữa xây mới 9 nhà hơn 390 triệu đồng; chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3 đợt 1 cho 1.189 hộ với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, xã xác định về lâu dài tạo sinh kế bền vững nên hỗ trợ khôi phục sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi. Do đó, tất cả 6/6 thôn của xã được UBND huyện cấp phục hồi sản xuất gồm 724 kg gồm ngô giống, hạt rau các loại; trồng rừng đạt 55 ha, trong đó cây quế 50 ha... Việc phủ trồng cây quế đạt 100% kế hoạch và với giá tinh dầu quế khả quan mang lại nguồn lực kinh tế cho nhiều hộ dân. Đây cũng là hướng sinh kế bền vững với người dân trên địa bàn”, ông Duy chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều hộ tại Lạng Sơn cũng được hỗ trợ tạo sinh kế bền vững, bà Hoàng Thị Viên, dân tộc Nùng, thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cho biết, đợt mưa bão năm 2024 đã khiến cây cối đổ nhiều, gây thiệt hại lớn với kinh tế gia đình. Được sự quan tâm của chính quyền, gia đình bà Viên nằm trong số những hộ được xây nhà mới theo dạng chìa khóa trao tay.
Bà Hoàng Thị Viên bên căn nhà mới vừa được chính quyền và tập đoàn VNPT hỗ trợ xây tặng.
Bà Viên cho biết: "Hai vợ chồng thường xuyên đau yếu, kinh tế gia đình trông chờ vào làm nông, mỗi năm thu nhập chỉ hơn 20 triệu đồng. Giờ tiềm lực kinh tế chỉ trông chờ vào các con đi làm công nhân khu công nghiệp. Nếu gia đình chỉ làm mấy mẫu ruộng, trồng rau như hiện nay, gia đình chỉ đủ ăn và dễ quay trở lại là hộ nghèo...".
Trong khi đó, chị Phan Thị Đào, dân tộc Nùng ở khối 9, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cũng là hộ nghèo của địa phương. Hai vợ chồng chị Đào có 5 con đang trong tuổi ăn tuổi học, nên chi phí lớn và không để dành dụm được nhiều. Do đó, trong năm qua, gia đình chị Đào được Hội nông dân cơ sở hỗ trợ vốn chăn nuôi, buôn bán tại chợ, nên cũng giảm bớt phần nào khó khăn.
“Là hộ nghèo nên các cháu cũng được miễn học phí và nhiều khoản đóng góp khác. Tuy vậy, nuôi 5 đứa con chỉ trông chờ vào tiền buôn bán ở chợ, tiền công của chồng lao động tự do rất bấp bênh”, chị Đào chia sẻ.
Căn nhà mới của chị Phan Thị Đào đang được xây mới.
Để hỗ trợ gia đình chị Đào sửa chữa căn nhà đã xuống cấp dột nát do bão, Mặt trận Tổ quốc huyện và thị trấn Cao Lộc cũng cấp kinh phí 90 triệu đồng theo chương trình xóa nhà tạm và vận động ngày công của cộng đồng sở tại.
“Có nhà mới, tôi cũng mong muốn chồng có việc làm ổn định, còn tôi tiếp tục vay vốn tạo việc làm với mức lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận tiện để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình”, chị Đào cho biết.
Sống chung với bão lũ
Hậu quả của thiên tai không chỉ diễn ra tại các địa phương miền núi, mà ngay tại Thủ đô Hà Nội. Nhiều thôn, xóm tại các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Mỹ Lương... (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thường xuyên phải chịu ảnh hưởng do mưa bão, lũ lụt.
Do là vùng thấp ven sông Bùi, nên cứ mưa lớn dài ngày từ các cơn bão lớn, nước dâng cao, một số thôn của xã Nam Phương Tiến lại bị ngập từ 1-2 m. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến Cao Thị Luyến cho biết, khi mưa bão, ngập lụt xảy ra, người dân gặp nhiều khó khăn như mất điện, nguồn nước ô nhiễm, nhà bị ẩm, mốc... Người dân không đi làm được, con phải nghỉ học, nhiều hộ gia đình có thể bị cô lập với bên ngoài...
Cảnh ngập lụt tại xã Nam Phương Tiến từ năm 2018. Ảnh: XC
Đến khi nước rút, người dân xã Nam Phương Tiến dọn dẹp bùn đất đọng lại, sửa chữa nhà cửa do bị ngâm nước lâu ngày, hư hỏng đồ đạc, tốn nhiều tiền của. Cùng với đó, việc khôi phục sản xuất của người dân xã Nam Phương Tiến cũng gặp nhiều khó khăn. Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bà Cao Thị Luyến cho biết: Hà Nội có kế hoạch quy hoạch lại điểm dân cư vùng rốn lũ này. Tuy nhiên, người dân xã Nam Phương Tiến hầu hết đều xác định sống chung với lũ. Trải qua nhiều năm, bằng kinh nghiệm của mình và chỉ đạo sát sao của chính quyền, người dân nơi đây đã có nhiều sáng kiến để phòng chống sau mưa bão, ngập lụt, cũng như giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
Cảnh ngập tại thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) sau hoàn lưu bão số 3 năm 2024. Ảnh: LP
Khi nắm bắt được thông tin mưa bão, ngập lụt, người dân xã Nam Phương Tiến luôn chủ động kê, kích tài sản lên cao, nâng lên cao những đồ có giá trị hoặc di dời trước khi nước dâng. Đồng thời, người dân luôn dự trữ về thuốc, thực phẩm từ 1-2 tuần. Khi nước lũ dâng cao, người dân xã Nam Phương Tiến luôn chấp hành các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương. Xã đã di dời 875 hộ dân và mọi người đều chấp hành di dời, nên hạn chế được thiệt hại.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Cừ (tổ 9, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, quá trình đô thị hóa, nhưng hệ thống thoát nước không đồng bộ. Hà Nội luôn rơi vào điệp khúc mưa to là ngập. Khu dân cư khu vực tổ 9 Nghĩa Đô thường xuyên rơi vào tình cảnh ngập lụt sau mưa lớn, gây khó khăn trong sinh hoạt.
“Hiện nay, đơn vị thoát nước có lắp đặt máy bơm dã chiến để hỗ trợ tiêu thoát nước nhanh hơn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng có giải pháp đồng bộ hơn. Trước mắt, nhiều gia đình đang phải ứng phó bằng cách tôn nền, lắp hệ thống bờ bao ngăn nước tràn vào nhà. Các gia đình cũng chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, cập nhật thông tin để khi có mưa to sẽ chủ động phòng ngừa”, bà Vũ Thị Cừ chia sẻ.
Từ thực tế cơ sở, để đảm bảo an toàn cho người dân, việc thông tin về mưa bão, thiên tai cần được cảnh báo sớm. Các địa phương cần kết hợp giữa cứu trợ trước mắt và kế hoạch tạo sinh kế, phát triển bền vững sau thiên tai.
Bài cuối: Xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với thiên tai và tạo việc làm bền vững
Bài, ảnh: XC/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/bai-1-thich-ung-voi-dien-bien-kho-luong-cua-thoi-tiet-20250512231711361.htm