Lời hứa thiêng liêng với lịch sử
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định, đây là nhiệm vụ đầy gian nan, đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành và cả cộng đồng. Bởi lẽ, chi phí cho công tác thu thập và giám định ADN là vô cùng lớn. Thời gian không chờ đợi, nếu không hành động khẩn trương, khi những người thân cuối cùng của các anh hùng liệt sĩ không còn, cơ hội tìm lại tên cho các anh sẽ càng mong manh.
Giữa kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang mở ra một hướng đi mới, một hy vọng mới. Hành trình tìm lại tên cho những người đã ngã xuống không còn dựa vào ký ức mong manh hay niềm tin mơ hồ. Nó được tiếp sức bởi khoa học hiện đại, bởi những dãy gen vô giá, bởi sự kết nối mạnh mẽ giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu và trên hết, bởi khát vọng đoàn tụ cháy bỏng trong tim mỗi người.
Thắp nén hương thơm trên những ngôi mộ vô danh tại Nghĩa trang TP. Phủ Lý, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, nghẹn ngào chia sẻ: "Việc xác minh danh tính liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là lời hứa thiêng liêng với lịch sử. Mỗi cái tên tìm lại được là một nén nhang thắp sáng đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', dẫn lối cho tương lai".
Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam trực tiếp chỉ đạo các tổ công tác thu thập mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn để xác định danh tính liệt sĩ. Ảnh: ITN
Hành trình từ những con số khô khan đến những giọt nước mắt đoàn tụ không còn là nỗ lực đơn độc. Đó là sự đồng lòng từ Trung ương đến địa phương, là quyết tâm của Bộ Công an, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh và trên hết, là sự tin tưởng, đồng hành của Nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Những con người bình dị nơi thôn quê yên ả đang trở thành những nhân chứng của một công cuộc nhân văn chưa từng có: trả lại tên cho những anh hùng bằng trái tim, công nghệ và lòng biết ơn vô bờ.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Trong lòng những người lính Công an thời bình, dữ liệu không còn là một khái niệm kỹ thuật, nó trở thành trách nhiệm, là lời hứa với quá khứ và là khát vọng đoàn tụ của hiện tại. Nền tảng cho hành trình đặc biệt này chính là Đề án 06 của Chính phủ, điểm sáng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó Bộ Công an được giao trọng trách chủ trì xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Ánh đèn xuyên đêm, thắp sáng hy vọng đoàn tụ
Tại trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Hà Nam, ánh đèn vẫn sáng xuyên đêm. Các cán bộ kỹ thuật miệt mài rà soát từng dòng dữ liệu, từ những địa chỉ cũ kỹ, giấy khai sinh nửa thế kỷ trước, đến những mối quan hệ huyết thống còn sót lại. Những cái tên tưởng chừng đã chìm vào quên lãng nay bỗng hiện lên rõ nét, hé mở những tia hy vọng bất ngờ.
Thượng tá Trịnh Minh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Hà Nam, chia sẻ: "Từ một cái tên, một địa chỉ xa xưa, hệ thống có thể truy vết mối quan hệ cha - con, ông - cháu, tìm ra người thân còn sống. Nhờ đó, việc lấy mẫu ADN diễn ra chính xác, đúng người, đúng thời điểm." Tuy nhiên, Thượng tá Trịnh Minh Hoàng cũng nhấn mạnh sự vất vả và đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối của công việc này, bởi nhiều thân nhân liệt sĩ đã rời quê hương hoặc tuổi cao sức yếu.
Với sự hỗ trợ của dữ liệu, công nghệ, công tác thu thập mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ chưa tìm được phần mộ được triển khai nhanh chóng, chặt chẽ, thắp lên hy vọng tìm lại danh tính cho những người con ưu tú của Tổ quốc. Ảnh: A.H
Trung tá Nguyễn Thị Lệ Thúy, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Hà Nam, xúc động: Với người ngoài, đó chỉ là một thao tác tra cứu. Nhưng với những gia đình đã chờ đợi hàng chục năm, mỗi thông tin, mỗi cuộc gọi, mỗi mẫu máu là cả một niềm hy vọng lớn lao, cơ hội cuối cùng để tìm lại người thân.
Tại trụ sở Công an xã Tràng An, huyện Bình Lục, hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hợp, dù đã gần trăm tuổi với mái tóc trắng như cước và dáng hình gầy guộc, vẫn in đậm sự khắc khoải. Đôi tay run run của mẹ cẩn trọng đặt lên bàn hai tấm di ảnh đã sờn cũ của hai người con trai yêu dấu, liệt sĩ Nguyễn Quang Hiệp và Nguyễn Quang Hạc, những người đã anh dũng ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc vào những năm 1969 và 1971.
Khi hay tin Công an tỉnh Hà Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai việc thu thập mẫu sinh phẩm ADN để xác định danh tính các anh hùng liệt sĩ, niềm vui như một tia nắng ấm áp bừng lên trong trái tim người mẹ già. Mặc cho tuổi cao sức yếu, lưng đã còng, chân bước run rẩy, mẹ vẫn kiên quyết nhờ con cháu đưa đến trụ sở Công an xã. Đôi mắt mờ đục ánh lên một niềm hy vọng mong manh, bàn tay gầy guộc nắm chặt những tấm ảnh như níu giữ chút hình hài còn sót lại của các con.
"Tôi già rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa..." - giọng mẹ Hợp khẽ khàng, nghẹn lại - "...Nhưng nếu đến khi nhắm mắt mà vẫn không biết các con mình nằm ở đâu thì lòng tôi không yên. Chỉ cần biết đúng phần mộ, để mỗi ngày giỗ, tôi có thể tự tay cắm một nén nhang, thắp cho các con một ngọn lửa ấm áp..."
Câu chuyện của mẹ Hợp không phải là nỗi đau riêng lẻ. Khắp những làng quê yên bình của Hà Nam, còn biết bao người mẹ, người vợ, người con khác đang lặng lẽ sống cùng những bức ảnh thờ phai màu, những kỷ vật đơn sơ và một nỗi khắc khoải chung mang tên "Liệt sĩ chưa biết tên".
Lần đầu tiên trên mảnh đất Hà Nam, cũng như trên cả nước, thông tin về thân nhân liệt sĩ được thu thập một cách hệ thống, chính xác và khoa học. Từ những giọt máu, những dữ liệu di truyền quý giá, đến sự kết nối với hệ thống dữ liệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, tất cả đang được đối chiếu, xác minh bằng công nghệ ADN tiên tiến. Trên hành trình đầy ý nghĩa này, in dấu chân không mỏi của những chiến sĩ Công an, họ đi từ thôn xóm này sang thôn xóm khác, mang theo trên vai sứ mệnh thiêng liêng của lịch sử, thắp lên hy vọng tìm lại danh tính cho những người con ưu tú của Tổ quốc.
Tùng Lâm