Bài 1: Từ lời thề giữa rừng Trần Hưng Đạo

Bài 1: Từ lời thề giữa rừng Trần Hưng Đạo
3 giờ trướcBài gốc
Quân đội Nhân dân Việt Nam: 80 năm - Hành trình vinh quang
“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận có loạt bài nhìn lại truyền thống vẻ vang ấy, để thấy “Quân đội ta - Quân đội anh hùng”.
“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta. Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận có loạt bài nhìn lại truyền thống vẻ vang ấy, để thấy “Quân đội ta - Quân đội anh hùng”.
“Nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam - cũng là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng. Người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện QĐND Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, cần phải tổ chức lực lượng vũ trang. “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”- Người khẳng định rõ quan điểm mục đích xây dựng quân đội là tự vệ dân tộc. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Người đã xác định “tổ chức ra quân đội công nông” và từng khẳng định: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”.
Tháng 10/1941, ngay sau khi về nước, trong bộn bề công việc chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa, Người đã chỉ đạo mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng, đích thân Người trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng.
Tháng 8/1944, Trung ương Ðảng kêu gọi nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”, không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Tuy nhiên, cuối tháng 10 năm 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích và nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.
Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu
Hình thức thích hợp” được Hồ Chí Minh chỉ ra là thành lập “Đội quân giải phóng” - Đội quân chủ lực - Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Người chỉ thị: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng...”.
Người đồng thời có chỉ đạo rất rõ: “Giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ tổ chức, thành lập và chỉ đạo hoạt động của đội quân này”. Người nhắc nhở quán triệt phương châm: “Người trước, súng sau”. Các đội viên phải chọn những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về. Trong Đội phải có đủ thành phần Tày, Nùng, Mán, Kinh, người địa phương nào cũng có nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của Đội được thuận lợi.
Lời thề nơi rừng thiêng và cuộc khai sinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy. Đội biên chế thành 3 Tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Trước đó, về tên gọi của đội, các đồng chí trao đổi kỹ và thống nhất lấy tên là Đội Việt Nam giải phóng quân, tuy nhiên, sau khi báo cáo Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp sau này chia sẻ: “Sau khi suy nghĩ, Bác đề nghị thêm hai chữ “Tuyên truyền” vào tên đội quân giải phóng cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó”. Cũng theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bác yêu cầu thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự. Thành lập xong ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tốt cho công tác tuyên truyền và tác động trong quần chúng”. Lúc chia tay, Người còn dặn thêm: “Nhớ bí mật: ta ở Đông, địch ở Tây. Lai vô ảnh khứ vô hình”.
Trong Chỉ thị thành lập Đội, Người cũng ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
17 giờ ngày 22/12, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân bắt đầu. Trong Hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “22 tháng 12 năm 1944. 5 giờ chiều. Lễ thành lập đội cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Ðạo và Hoàng Hoa Thám. Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc. Giữa mùa Ðông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu tập họp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm. Ðại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Dao, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Ðoàn thể tuyên bố thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc. Ðội được biên chế thành ba tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Ðội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ đảng lãnh đạo. Tại buổi lễ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc 10 lời thề danh dự của Ðội: nguyện hy sinh vì đất nước; tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh; kiên quyết chiến đấu; rèn luyện để thành quân nhân cách mạng; tuyệt đối giữ bí mật; một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng; hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng đội; giữ gìn vũ khí; thực hiện đoàn kết quân dân; không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể Việt Nam”.
Sau những lời thề, những cánh tay đồng loạt giương cao, cùng những tiếng hô “Xin thề” đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động núi rừng. 80 năm qua, những lời thề nơi rừng thiêng ngày ấy vẫn còn vang vọng, trở thành nguồn cổ vũ, động viên, thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hà Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/bai-1-tu-loi-the-giua-rung-tran-hung-dao-post323242.html