Việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập thị trấn Bắc Hà và xã Tà Chải nhằm hội đủ tiêu chí về diện tích, dân số, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị trấn Bắc Hà trở thành đô thị du lịch loại IV, xứng tầm là đô thị trung tâm của Khu du lịch Bắc Hà.
Dự án Bệnh viện Đa khoa huyện đang được triển khai xây dựng tại xã Tà Chải.
Những ngày này, dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng được xây dựng trên địa bàn thôn Na Lo, xã Tà Chải đang đẩy nhanh tiến độ. Quy mô xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà được đầu tư là bệnh viện hạng 2 với 250 giường bệnh và quy hoạch mở rộng lên 350 giường bệnh đến năm 2030.
Nhiều dự án được khởi công xây dựng trên địa bàn thị trấn Bắc Hà và xã Tà Chải thời gian qua.
Tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Bắc Hà và xã Tà Chải, dự án Khu nhà ở kết hợp làng văn hóa du lịch phía Nam hồ Na Cồ có tổng diện tích hơn 6,1 ha, tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 572 tỷ đồng cũng đang được triển khai. Theo quy hoạch, nơi đây sẽ xây dựng một khu đô thị tiện ích bao gồm: Khu nhà ở kết hợp làng văn hóa du lịch đáp ứng được tối đa nhu cầu của dân cư sinh sống tại địa phương, các xã lân cận và các đối tượng có nhu cầu lưu trú, phát triển văn hóa, dịch vụ, du lịch tại khu vực này.
Những dự án trọng điểm trên địa bàn xã Tà Chải sau khi hoàn thành không chỉ tạo diện mạo mới cho đô thị thị trấn Bắc Hà mở rộng mà còn tạo động lực phát triển cho địa phương.
Đồng chí Đặng Văn Phương, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Hà.
Thị trấn huyện lỵ Bắc Hà được thành lập cách đây hơn 30 năm, trên cơ sở tách ra từ xã Tà Chải. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thị trấn Bắc Hà đã có bước phát triển đột phá, đến nay, "chiếc áo" đô thị cũ đã trở nên chật chội. Trong khi đó, xã Tà Chải bao quanh thị trấn Bắc Hà đang trong tiến trình đô thị hóa mạnh, việc quản lý của chính quyền cấp xã chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Địa giới hành chính thị trấn Bắc Hà mới sau khi sáp nhập.
Sau khi sáp nhập, đô thị thị trấn Bắc Hà mở rộng gấp 4,3 lần đô thị cũ, sẽ mở rộng không gian quy hoạch các dự án hạ tầng công cộng, khu đô thị mới, thực hiện các dự án sắp xếp dân cư, giảm sức ép lên đô thị cũ.
Theo phương án được phê duyệt, sẽ sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tà Chải (có diện tích tự nhiên là 5,02 km2; quy mô dân số là 3.342 người) vào thị trấn Bắc Hà (có diện tích tự nhiên là 1,47 km2; quy mô dân số là 8.861 người).
Trước đó, qua rà soát, thị trấn Bắc Hà và xã Tà Chải là 2 đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% theo quy định; thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tà Chải họp triển khai công việc chuẩn bị sáp nhập với thị trấn Bắc Hà.
Xã Tà Chải liền kề với thị trấn Bắc Hà, hai đơn vị hành chính có vị trí địa lý, giao thông tương đối thuận tiện, phù hợp quy hoạch phát triển đơn vị hành chính đô thị cấp xã và khả năng quản lý của chính quyền đô thị cấp xã.
Trước năm 1992, xã Tà Chải với thị trấn Bắc Hà là 1 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Bắc Hà. Đến năm 1992, xã Tà Chải được tách ra thành hai, gồm xã Tà Chải và thị trấn Bắc Hà, văn hóa, phong tục tập quán của 2 đơn vị hành chính này cơ bản tương đồng nên việc sắp xếp, sáp nhập sẽ thuận lợi.
Sau khi sáp nhập, trụ sở làm việc của thị trấn Bắc Hà mới đặt tại trụ sở của thị trấn cũ như hiện nay.
Trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Bắc Hà, tháng 3/2024, các địa phương đã thực hiện lấy ý kiến cử tri, kết quả, 94,13% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập và tên gọi của đơn vị hành chính mới.
Đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ năm 2021, khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Bắc Hà đã đề nghị chủ trương sáp nhập xã Tà Chải, mở rộng thị trấn Bắc Hà. Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương và giao huyện Bắc Hà phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu phương án.
Từ định hướng đó, huyện Bắc Hà tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho đô thị Bắc Hà, kêu gọi đầu tư các dự án phát triển đô thị. Về quy hoạch, sau khi quy hoạch chung đô thị Bắc Hà được phê duyệt, huyện Bắc Hà đã triển khai 15 đồ án quy hoạch chi tiết các khu vực thuộc phạm vi ranh giới quy hoạch chung, đến thời điểm hiện tại đã phê duyệt được 8 đồ án, 7 đồ án đang hoàn thiện. Về đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, huyện triển khai 7 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và 19 dự án chỉnh trang đô thị, điển hình như dự án tuyến đường vành đai 1, đường vành đai 2, dự án chợ Bắc Hà, dự án kè nắn suối Bắc Hà….
Về hạ tầng xã hội, triển khai 29 dự án các công trình hạ tầng xã hội trong tổng thể ranh giới đô thị Bắc Hà, như dự án quần thể khu hành chính Bắc Hà đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, các dự án nâng cấp trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản… Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, Bắc Hà luôn quan tâm xây dựng hạ tầng du lịch để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đô thị.
Việc sáp nhập sẽ tạo tiền đề xây dựng đô thị Bắc Hà mới to đẹp hơn.
Nhờ sự chuẩn bị sớm từ công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng đến tổ chức, sắp xếp bộ máy nên quá trình xây dựng đề án đến khi có chủ trương của Trung ương, việc triển khai rất thuận lợi. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện song song các phần việc xây dựng đề án quy hoạch, tính chất đô thị để đánh giá đô thị.
Gần ngày sáp nhập, mọi công việc đều được đội ngũ cán bộ, công chức thị trấn Bắc Hà (ảnh trên) và xã Tà Chải (ảnh dưới) triển khai thực hiện bình thường.
Về công tác cán bộ, Huyện ủy đã tổ chức làm việc với Đảng ủy thị trấn và Đảng ủy xã Tà Chải, tổ chức tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan giải quyết khó khăn, vướng mắc; giao nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con, giải đáp thấu tình đạt lý. Đơn cử như khi xin ý kiến cử tri về chủ trương chung thì đa số đồng tình, tuy nhiên một số bà con đề nghị đặt tên cho đơn vị hành chính sau sáp nhập là thị trấn Tà Chải. Riêng việc này phải họp giải thích, nếu đặt tên như vậy hồ sơ thủ tục phải làm lại hết, bên cạnh đó, tên gọi thị trấn Bắc Hà gắn với huyện lỵ Bắc Hà là trung tâm kinh tế, chính trị của "cao nguyên trắng", từ đó người dân đã đồng thuận cao.
Việc sáp nhập, mở rộng thị trấn Bắc Hà mới chỉ là tiền đề để nâng cấp lên đô thị loại IV giai đoạn 2025 - 2030. Ngay từ lúc này, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, cập nhật quy hoạch để đảm bảo tiêu chí với yêu cầu là quy hoạch không chỉ là các mảnh ghép đơn lẻ mà phải đồng bộ, có tầm nhìn chiến lược, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, đưa thị trấn Bắc Hà xứng tầm đô thị trung tâm của khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ huyện đặt ra khi chuẩn bị nội dung công việc thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà.
Bài cuối: Kỳ vọng và những điều trăn trở
Mạnh Dũng - Nguyễn Thành Phú