Bài 13: Ni trưởng Thích Đàm Duyên - nữ tu gánh gạo ra chiến trường, thắp sáng tinh thần 'phụng đạo yêu nước'

Bài 13: Ni trưởng Thích Đàm Duyên - nữ tu gánh gạo ra chiến trường, thắp sáng tinh thần 'phụng đạo yêu nước'
9 giờ trướcBài gốc
Từ dòng sông Mã đến bước chân xuất trần
Ni trưởng Thích Đàm Duyên, pháp húy Đàm Duyên, thế danh Nguyễn Thị Én, pháp hiệu Từ Giác, sinh ngày 15/01/1924 tại xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa - mảnh đất giàu truyền thống hiếu học và yêu nước, nơi từng sản sinh biết bao chí sĩ Cách mạng và những bậc chân tu lỗi lạc. Lớn lên trong một gia đình thuần hậu, kính tin Tam bảo, Ni trưởng là con đầu, bên dưới còn 4 em, được thân phụ - cụ Nguyễn Văn Kiến và thân mẫu - cụ Mai Thị Thụ hết lòng rèn dạy về đạo lý, tình thương, trách nhiệm với quê hương.
Là chị cả trong nhà, Ni trưởng không chỉ gương mẫu trong đạo làm con, mà còn là người đầu tiên gieo hạt giống đạo tâm cho các em, đặc biệt là 2 người em trai Nguyễn Văn Thà, Nguyễn Văn Chén đã tiếp bước chị gái, lên đường đánh giặc và anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.
Ni trưởng Thích Đàm Duyên được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì
Năm 1943, khi đất nước còn chìm trong xiềng xích thực dân, cô gái Nguyễn Thị Én 19 tuổi quyết chí xuất gia tại chùa Mật Đa - ngôi cổ tự bên bờ Nam sông Mã, phường Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa. Đây là nơi chứng kiến hành trình hoằng pháp suốt đời của Ni trưởng và cũng là chốn già lam đã trở thành căn cứ Cách mạng, nơi kết tụ đạo lực và tinh thần dân tộc. Dưới sự dìu dắt của Ni trưởng Đàm Mão - bậc chân tu từng trực tiếp nâng đỡ nhiều thế hệ ni trẻ, Ni trưởng Đàm Duyên đã chuyên tâm học giới luật, tu hành miên mật, làm tròn bổn phận của người con Phật.
Học đạo gắn với lao động
Với tinh thần cầu học, Ni trưởng Đàm Duyên không quản gian khổ, ngày cày ruộng chùa, tối tụng kinh lễ Phật. Chùa Mật Đa khi ấy không chỉ là nơi tu hành mà còn là cơ sở xóa mù chữ cho người dân trong vùng. Ni trưởng là một trong những người đầu tiên tham gia Phong trào Bình dân học vụ, góp phần truyền bá ánh sáng chữ nghĩa và đạo lý đến mọi tầng lớp Nhân dân. Những thửa ruộng chùa do chính tay Ni trưởng chăm sóc đã trở thành nguồn lương thực nuôi sống chư ni và giúp đỡ người nghèo.
Năm 1948, Ni trưởng thọ giới Sa di ni và đến năm 1953 được thọ giới Tỳ kheo ni tại giới đàn chùa Hương Quang - cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong đạo nghiệp, chuẩn bị cho hành trình phụng sự dài lâu.
Một vị sư gánh gạo vì dân tộc
Nếu nhiều người vẫn cho rằng con đường tu hành là ẩn dật, xa rời thế sự, thì Ni trưởng Đàm Duyên đã chứng minh điều ngược lại. Năm 1954, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ni trưởng đã rời chùa, khoác tấm áo nâu sồng đi dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của dân tộc ta.
Ba tháng ròng rã trèo đèo, lội suối, vượt hàng ngàn cây số với đôi vai gầy nhưng mang nặng lòng yêu nước, Ni trưởng đã gánh từng bồ gạo, từng đấu muối, góp phần tiếp tế lương thảo cho bộ đội. Dáng hình của một vị sư nữ giữa đoàn dân công không quản đường dài mưa nắng là biểu tượng sống động của Phật giáo nhập thế. Sự hiện diện của Ni trưởng trong những đoàn dân công ấy không chỉ là hành động hiếm thấy, mà còn là minh chứng cho việc đạo không rời đời, người tu cũng là công dân của đất nước, sẵn sàng dấn thân khi non sông cần đến.
Góp phần dựng xây quê hương từ tro bụi
Sau chiến thắng Điện Biên, đất nước bước vào thời kỳ mới. Ni trưởng Đàm Duyên trở về chùa Mật Đa tiếp tục tu hành và dấn thân phục vụ quê hương. Trong giai đoạn thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, Ni trưởng tham gia nấu cơm nước cho hàng binh Pháp trong quá trình trao trả tù binh - công việc đặc biệt cần sự bao dung và bản lĩnh. Chính trong những ngày ấy, lòng từ bi của đạo Phật đã được Ni trưởng thể hiện rõ qua cách hành xử nhân ái, đúng tinh thần "kẻ thù cũng là người, hận thù chỉ chất chồng thêm đau khổ".
Ni trưởng Thích Đàm Duyên
Cùng thời điểm ấy, với Phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp, ruộng đất của chùa Mật Đa được đưa vào Hợp tác xã Nam Ngạn. Ni trưởng chẳng những không phản đối mà còn tích cực tham gia sản xuất thâm canh, cải tạo vườn chùa, trồng dừa, chăm cây, giữ gìn cảnh quan. Dưới tay Ni trưởng, những hàng dừa soi bóng xuống sông Mã dần hồi sinh, trở thành hình ảnh thân thuộc với người dân nơi đây - một phần ký ức không thể xóa mờ!
Bom Mỹ rơi trên mái chùa - nữ tu thành chiến sĩ
Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hàm Rồng - Nam Ngạn trở thành điểm nóng, chùa Mật Đa lại một lần nữa là pháo đài của lòng dân. Bom B52 dội xuống làng quê, máu loang trên đất, người chết, nhà sập, cây đổ... Nhưng giữa khói lửa ấy, Ni trưởng Đàm Duyên vẫn kiên cường trụ lại, không đi sơ tán.
Cùng với Ni trưởng Đàm Xuân, bà mở rộng cửa chùa, dỡ cánh cửa làm cáng tải thương, lấy bàn làm giường cấp cứu, nấu nước tiếp sức thương binh, chặt dừa làm nước cho bộ đội, hái lá dừa để ngụy trang. Chùa Mật Đa không còn là nơi tĩnh tu mà trở thành trạm sơ cứu, kho đạn, là nơi nương tựa cho quân - dân giữa cơn bão lửa. Và giữa những làn đạn vẫn vang lên tiếng mõ, lời kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an - đó là sự hòa quyện giữa đạo và đời, giữa từ bi và can trường.
Một đời phụng đạo cứu dân
Sau ngày đất nước thống nhất, Ni trưởng tiếp tục hành đạo tại chùa Mật Đa, tham gia tu sửa chùa, trồng cây, gìn giữ phong hóa địa phương. Những hàng dừa do bà trồng không chỉ là bóng mát mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần lao động và sống giữa đời bằng trái tim Bồ Tát.
Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, Ni trưởng được tấn phong giáo phẩm Ni trưởng - một sự ghi nhận xứng đáng cho cả cuộc đời tận tụy, kiên trì và gắn bó với Phật sự, với quê hương, với dân tộc.
Và đặc biệt, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi ấy đã trao tặng bà Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì - phần thưởng không chỉ dành cho một người tu sĩ, mà là sự tôn vinh dành cho một biểu tượng sống động của lòng yêu nước, một bậc nữ lưu không phô trương mà bền bỉ, âm thầm góp sức cho đại nghiệp dân tộc.
Ngày 30/12/2010 (tức 25 tháng 11 năm Canh Dần), Ni trưởng Đàm Duyên viên tịch, trụ thế 87 tuổi, hạ lạp 47 năm. Bà ra đi nhẹ nhàng, như giọt sương buổi sớm, để lại khoảng lặng thâm trầm trong lòng bao thế hệ đệ tử, phật tử và những người dân Nam Ngạn từng yêu kính, biết ơn và tự hào về bà.
Giáo chỉ tấn phong giáo phẩm, bằng khen, huy chương... tất cả giờ nằm trong hồ sơ lưu trữ, nhưng điều quý giá hơn hết là hình ảnh Ni trưởng Đàm Duyên mãi sống trong tâm tưởng của Nhân dân: Một sư bà gánh gạo ra trận, một người trồng dừa giữ đất, một vị chân tu giữa đời thường mà không bị đời cuốn trôi.
Trong ngôi chùa Mật Đa bên dòng sông Mã năm nào, mỗi buổi chiều tiếng chuông lại ngân vang, lan xa giữa lòng thành phố Thanh Hóa. Tiếng chuông ấy không chỉ nhắc nhớ về vô thường, về pháp giới, mà còn gợi lại một hình ảnh không thể quên: Vị Ni trưởng áo nâu sồng, gương mặt đôn hậu, đôi chân chai sạn vì đi dân công, đôi tay gân guốc vì lao động cùng trái tim rực sáng vì lý tưởng phụng đạo yêu nước.
Bà không cần khắc tượng, chẳng cần dựng đền. Chính cuộc đời bà - giản dị, bao dung, dấn thân - đã trở thành pho tượng sống động nhất. Ni trưởng Thích Đàm Duyên đã sống như thế, để hôm nay chúng ta được kể lại với niềm xúc động và biết ơn sâu sắc.
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Đại đức Thích Minh Hải - Trần Ngọc Thoan
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-13-ni-truong-thich-dam-duyen-nu-tu-ganh-gao-ra-chien-truong-thap-sang-tinh-than-phung-dao-yeu-nuoc_178210.html