Bài toán giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 không chỉ là mục tiêu mà còn là mệnh lệnh cấp thiết trong bối cảnh hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Ảnh: internet
Nhận diện những "rào cản"
Không thiếu vốn, nhưng để giải ngân được vốn đầu tư công lại gặp phải nhiều rào cản. Theo Bộ Tài chính, có 09 nhóm vấn đề đang cản trở dòng chảy vốn gồm: Giải phóng mặt bằng; nguyên vật liệu, đơn giá, định mức; quy hoạch; sáp nhập địa giới; sắp xếp bộ máy hành chính; vốn ODA; đấu thầu; nguồn thu ngân sách địa phương; chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ vướng mắc liên quan đến toàn bộ giai đoạn thực hiện một dự án đầu tư công từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến kết thúc dự án.
Trong giai đoạn chuẩn bị, vướng mắc lớn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng – "điểm nghẽn" kéo dài nhiều năm qua. Việc xác định nguồn gốc đất khó khăn do thiếu dữ liệu, thủ tục thu hồi đất rườm rà, mất thời gian vì qua nhiều tầng nấc hành chính. Còn tình trạng người dân không đồng thuận vì giá đền bù thấp, thiếu quỹ đất tái định cư, chính sách hỗ trợ còn bất cập. Một số địa phương thậm chí chưa kịp bố trí tái định cư, khiến người dân lấn cấn, dự án "dậm chân tại chỗ".
Ngoài ra, thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng còn phức tạp, chịu nhiều rào cản pháp lý. Những vướng mắc này bắt nguồn cả từ nguyên nhân khách quan như pháp luật chưa đồng bộ, dữ liệu thiếu; lẫn chủ quan, như năng lực cán bộ còn hạn chế, phối hợp thiếu nhịp nhàng. Nhiều tỉnh, thành như TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Quảng Nam, Sơn La đang gặp tình trạng tương tự.
Trong giai đoạn thực hiện dự án, khi vượt qua được “ải” chuẩn bị, các dự án tiếp tục gặp khó ở khâu triển khai thi công. Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng – nhất là cát, đất đắp và đá đang là một trong những vướng mắc cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Điển hình như tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, nguồn cát xây dựng khan hiếm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều công trình. Trong khi đó, giá vật liệu leo thang do biến động thị trường và nhiên liệu, khiến chi phí đầu tư đội lên, kiểm soát tài chính càng thêm khó.
Năng lực thực thi của chủ đầu tư và nhà thầu vẫn còn là “nút thắt”. Nơi thì thiếu kinh nghiệm, nơi thì thiếu quyết liệt. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn lỏng lẻo, thiếu đầu mối rõ ràng. Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ cả yếu tố chủ quan như trách nhiệm chưa cao từ chủ đầu tư, công tác phối hợp chưa đồng bộ, nhà thầu thiếu năng lực và yếu tố khách quan như thủ tục phê duyệt dự án kéo dài.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính cũng có những tác động nhất định đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương. Một số dự án phải tạm dừng hoặc điều chỉnh vì không còn phù hợp với nhu cầu thực tế sau khi sáp nhập. Điển hình như ở Bình Định, Quảng Nam. Công tác thanh toán, quyết toán cũng bị gián đoạn do thay đổi trách nhiệm, quyền hạn, quy trình sau sắp xếp bộ máy. Các công trình cải tạo trụ sở cấp huyện, xã phải dừng để rà soát, dự án tạm dừng để phù hợp với nhu cầu đơn vị sau sắp xếp.
Ở giai đoạn kết thúc dự án – quyết toán và bàn giao công trình, vướng mắc lại nằm ở chỗ... nhiều chủ đầu tư chậm trễ nộp báo cáo quyết toán. Một số nhà thầu đã giải thể hoặc bỏ địa chỉ, khiến việc tất toán, thu hồi công nợ không thể thực hiện.
Theo ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng (Bộ Tài chính), đầu tư công là chuỗi quy trình liên hoàn. Một mắt xích tắc, cả hệ thống sẽ nghẽn. Và nguyên nhân lớn nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện – nơi đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cao và năng lực triển khai thực tế.
Để tiền "rời khỏi" những trang giấy
Những vướng mắc nêu trên đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ ra. Theo Người đứng đầu Chính phủ, công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc còn lỏng lẻo; một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động, quyết liệt.
Kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; những nơi Bí thư cấp ủy chưa sâu sát, cả hệ thống chính trị chưa vào cuộc thì giải phóng mặt bằng chậm. Thậm chí, tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương còn thiếu chặt chẽ.
Đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Thủ tướng chỉ rõ, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò người đứng đầu; phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; các địa phương cần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về giải ngân đầu tư công.
Nguyên tắc được Thủ tướng Chính phủ quán triệt là "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên" và theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".
Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng đã giải đáp về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện những khó khăn trong giải ngân nguồn vốn này và đã có rất nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo sát sao.
Nhờ đó, tuy quý đầu năm tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng đến quý II đã lấy lại tiến độ, có sự gia tăng cả về số tương đối và số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng, mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công để qua đó có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu rất thách thức. Để đưa ra được những giải pháp đúng đắn, Bộ Tài chính đã xác định những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân.
"Đặc thù giải ngân thường thấp vào đầu năm, quy trình đầu tư công gồm nhiều giai đoạn và chỉ vướng một khâu sẽ tác động đến cả một dây chuyền. Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu như: chuẩn bị dự án chưa tốt, hệ thống pháp luật còn thiếu và còn có những vấn đề chồng chéo. Vấn đề thiếu về nguồn cung nguyên vật liệu, vấn đề năng lực tổ chức thực hiện của các bên liên quan, đặc biệt là một số địa phương, một số ban quản lý dự án chưa đạt yêu cầu", Bộ trưởng chỉ rõ.
Để đưa dòng vốn này nhanh chóng chảy vào nền kinh tế, ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính xác định tập trung tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong triển khai đầu tư công về đất đai, xây dựng, quy hoạch, thủ tục hành chính. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương nhằm chủ động xử lý khó khăn phát sinh.
Không dừng lại ở đó, kết quả giải ngân cần tiếp tục được xem là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân trong năm 2025. Song song với đó, việc phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công tác, Ban chỉ đạo tiếp tục được coi là giải pháp then chốt để rà soát, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, nhất là đối với các dự án trọng điểm.
Trong bối cảnh mới, với khát vọng đưa Đất nước bứt phá mạnh mẽ, không còn chỗ cho sự "chần chừ" hay trì hoãn. Giải ngân vốn đầu tư công lúc này không đơn thuần là một nhiệm vụ kinh tế, mà là một cam kết chính trị mạnh mẽ, là trách nhiệm cụ thể với sự phát triển quốc gia và cuộc sống của hàng triệu người dân.
Kinh phí đã có, định hướng đã rõ ràng. Điều cần làm lúc này là ý chí và hành động quyết liệt, đồng bộ từ trên xuống dưới, để tiền "rời khỏi" những trang giấy, "chảy" vào từng công trình, từng dự án – nơi phát sinh giá trị thật, lan tỏa niềm tin và tạo ra thay đổi thực chất cho Đất nước.
Trần Huyền