Bài 2: Động lực mới từ sân bay Long Thành và hành lang sông Đồng Nai

Bài 2: Động lực mới từ sân bay Long Thành và hành lang sông Đồng Nai
3 giờ trướcBài gốc
3 vùng kinh tế - xã hội, 6 hành lang, 3 vành đai
Về tổ chức không gian phát triển hoạt động kinh tế - xã hội, phương án phát triển không gian được xác định theo 3 vùng kinh tế - xã hội với những đặc trưng. Theo đó, Vùng phía Tây là vùng động lực đô thị - dịch vụ - công nghiệp; hạt nhân phát triển chính là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai: Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch. Định hướng phát triển: lấy công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu làm phương hướng chủ đạo. Từng bước liên kết các đô thị lớn qua không gian ngầm gắn với phát triển các loại hình chức năng thương mại - dịch vụ, đô thị. Phát triển các dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hướng đến phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, các loại hình du lịch gắn liền với các đô thị văn minh hiện đại, cảng hàng không quốc tế và sông Đồng Nai.
Hai phường Hiệp Hòa, Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Duy Thể
Vùng phía Đông là vùng động lực phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ với thành phố Long Khánh làm hạt nhân trung tâm. Định hướng phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa quy mô vừa và nhỏ làm phương hướng chủ đạo; phát triển các ngành công nghiệp gắn với thế mạnh địa bàn, từng bước hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, thương mại.
Vùng phía Nam là vùng động lực phát triển nông nghiệp - du lịch - sinh thái với cặp đô thị Định Quán - Tân Phú là hạt nhân trung tâm. Định hướng phát triển: lấy bảo tồn, phát triển các giá trị sinh thái đặc trưng bản địa, gắn với đô thị hóa quy mô nhỏ làm phương hướng chủ đạo; phát triển các vùng chăn nuôi, chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao; ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ rừng, góp phần cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường vùng, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước.
Phương án liên kết không gian của tỉnh Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở phát triển 6 hành lang và 3 vành đai.
Phát triển hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh
Quy hoạch tỉnh xác định phát triển hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại (bao gồm giao thông trên mặt đất, Metro, Monorail), bảo đảm kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và với các đô thị trong vùng; phát triển đô thị gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Đến năm 2030, Đồng Nai có 19 đô thị; giai đoạn 2030-2050, có 26 đô thị.
Trong phát triển các khu chức năng, đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 18.543ha. Hình thành và phát triển Khu công nghệ cao Đồng Nai với diện tích 497ha tại huyện Cẩm Mỹ với trọng tâm thu hút, phát triển các lĩnh vực tiên tiến như công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, công nghệ hàng không, công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 100ha tại huyện Long Thành. Tập trung thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu hiện đại, luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế. Thành lập Khu đổi mới sáng tạo với quy mô khoảng 300ha tại huyện Long Thành với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ quốc tế nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ.
Khu du lịch Bửu Long, Thành phố Biên Hòa
Phát huy lợi thế cảnh quan ven sông, ven núi, ven hồ, tài nguyên đa dạng sinh học và tài nguyên văn hóa - lịch sử, tỉnh Đồng Nai phân 5 vùng du lịch gồm: vùng du lịch Biên Hòa - sông Đồng Nai; vùng du lịch, vui chơi, giải trí kết hợp mua sắm thuộc Nhơn Trạch - Long Thành; vùng du lịch sinh thái Tân Phú - Vĩnh Cửu - Định Quán - Trảng Bom; vùng du lịch văn hóa tín ngưỡng - du lịch nông nghiệp Long Khánh - Xuân Lộc - Cẩm Mỹ - Thống Nhất; vùng du lịch hồ Trị An.
Hai động lực phát triển mới
Về phương án phát triển các khu vực có vai trò động lực. Đến năm 2030, lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới cho tỉnh Khu vực đô thị sân bay Long Thành và hành lang sông Đồng Nai.
Theo đó, đối với Khu vực đô thị sân bay Long Thành: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng. Phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phối cảnh Sân bay Long Thành trong tương lai. Ảnh minh họa
Tại huyện Long Thành: phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép - Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tại huyện Nhơn Trạch: phát triển chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm thành phố Hồ Chí Minh; phát triển tuyến dịch vụ - du lịch kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Tại huyện Cẩm Mỹ: phát triển khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Sông Nhạn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Khu vực hành lang sông Đồng Nai, lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến TOD liên đô thị. Phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí nước đa dạng.
Khu vực ven sông thuộc huyện Định Quán và Tân Phú: phát triển Khu du lịch Hồ Trị An và các cụm dịch vụ du lịch theo mô hình du lịch sinh thái, du lịch rừng gắn với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn tài nguyên nước. Khu vực ven sông thuộc phía Tây huyện Vĩnh Cửu: phát triển đô thị sinh thái, kết nối với đô thị Tân Uyên tỉnh Bình Dương, hình thành tuyến đô thị năng động hai bên sông. Khu vực ven sông thuộc phía Bắc thành phố Biên Hòa: phát triển trung tâm đô thị tại Cù lao Hiệp Hòa và khu vực chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa I, phát triển khu đô thị hai bên sông Đồng Nai.
Khu vực ven sông Nam Biên Hòa - Bắc Long Thành: phát triển các khu đô thị - dịch vụ cao cấp, kiểu mẫu, từng bước giãn dân từ khu vực trung tâm Biên Hòa hiện hữu và thu hút dân cư từ Thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực ven sông thuộc huyện Nhơn Trạch: phát triển các khu đô thị mới, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển. Bảo tồn các khu vực rừng ngập mặn, tổ chức các không gian mở, mảng xanh, công viên bán ngập…
Bài 1: Kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn xuyên suốt
28/09/2024 18:17
BẢO PHƯƠNG
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-2-dong-luc-moi-tu-san-bay-long-thanh-va-hanh-lang-song-dong-nai-post391738.html