Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ TAVICO (tỉnh Đồng Nai). (Ảnh VŨ HOÀNG)
Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, chỉ đạo ngành lâm nghiệp tập trung quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững; bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường, xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, yêu cầu bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng; bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong hoạt động lâm nghiệp; đồng thời, tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan đến ngành lâm nghiệp mà Việt Nam là thành viên.
Chỉ đạo ngành lâm nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh rừng là một hệ sinh thái thống nhất. Cùng với quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch lâm nghiệp là một trong bốn quy hoạch quan trọng của ngành nông nghiệp.
Quy hoạch không phải tư duy phân bổ diện tích, phân bổ loại rừng mà là tư duy quản trị để thu hút đầu tư vào rừng. Quy hoạch chính là hình ảnh mong muốn của địa phương và qua đó, các nhà đầu tư thấy được tiềm năng của địa phương để cùng tham gia phát triển. Do vậy, các tỉnh, thành phố cần rà soát quy hoạch lâm nghiệp để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương gắn với các cơ chế, chính sách. Địa phương cần phát huy giá trị lâm nghiệp, qua đó sẽ tạo sinh kế, giảm bớt sự xâm hại rừng. Quan trọng là phải tạo được việc làm, sinh kế cho người dân dưới tán rừng.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản, cần chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác với người dân, những người trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo không gian để người dân giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả. Đây là cơ sở để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Là một trong những địa phương phát triển kinh tế rừng hiệu quả của khu vực miền núi phía bắc, trong đó có lĩnh vực trồng dược liệu dưới tán rừng, tỉnh Lai Châu rất quan tâm đến công tác quy hoạch lâm nghiệp. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Biển cho biết, ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác quy hoạch, Chi cục đã xây dựng kế hoạch, tập trung rà soát để trình cấp có thẩm quyền.
Tỉnh sẽ tập trung vào các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư, gồm: quản lý bảo vệ, trồng mới và phục hồi rừng phòng hộ và đặc dụng; xây dựng hệ thống thông tin về lâm nghiệp và cơ sở dữ liệu về rừng trên phạm vi toàn quốc và các địa phương; điều tra, kiểm kê, theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến lâm; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên do Nhà nước quản lý, các cấp có thẩm quyền giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, cắm mốc; thẩm định ranh giới rừng để xác định lâm phận ổn định; tăng cường năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo vệ, cứu hộ và bảo tồn các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đối với các hệ sinh thái rừng; tiến tới việc nhân giống cây bằng công nghệ nuôi cấy mô, phôi sinh dưỡng; tạo giống mới bằng công nghệ gen.
Tỉnh sẽ phát triển, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, sử dụng vật liệu mới và nâng cao hiệu quả, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất cây giống quy mô công nghiệp, trồng và chăm sóc rừng; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. Cần phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, ứng dụng công nghệ cao trong khai thác, chế biến gỗ và lâm sản; đồng thời, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, trong công tác quy hoạch, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu bảo đảm duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42-43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.
Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên 1,5 lần, đến năm 2030 tăng hai lần so với năm 2020. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2021-2025 thu khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 thu khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Chính phủ chỉ đạo cụ thể các nhóm giải pháp và lĩnh vực Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Đó là chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất; hệ thống kết cấu hạ tầng trong trồng rừng sản xuất; sản xuất giống cây rừng chất lượng cao.
Cùng với đó là xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong bảo vệ và phát triển rừng tại những vùng đặc biệt khó khăn; các hoạt động bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế và cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường...
Triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là góp phần thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp và cụ thể hóa Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dũng Minh