Bài 2: Kịp thời thông tin các chương trình, đề án

Bài 2: Kịp thời thông tin các chương trình, đề án
3 giờ trướcBài gốc
Đáp ứng phần lớn mong muốn của cử tri
Trước khi xây dựng kế hoạch TXCT, Thường trực HĐND huyện Khánh Sơn tổ chức cuộc họp mời Ban đại diện UBMTTQ huyện, lãnh đạo UBND huyện, Tổ trưởng các Tổ đại biểu thống nhất thời gian, nội dung, cách thức tổ chức, phân công trách nhiệm. Trên cơ sở đó, ban hành kế hoạch TXCT cụ thể, rõ ràng, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phân công nhiệm vụ cụ thể. Đối với nội dung báo cáo để các đại biểu thông tin đến cử tri tại hội nghị, ngoài báo cáo về tình hình kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, Thường trực HĐND huyện đề nghị UBND huyện báo cáo kết quả triển khai các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các chương trình, đề án của huyện đã, đang triển khai trên địa bàn để các đại biểu kịp thời thông tin đến cử tri nắm bắt.
Cử tri huyện Khánh Sơn kiến nghị trong một buổi TXCT với đại biểu dân cử. Ảnh: Văn Kỳ
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay trên địa bàn huyện Khánh Sơn thường lồng ghép TXCT cấp tỉnh và cấp huyện, thuận tiện cho việc tiếp thu, trao đổi, trả lời kiến nghị. Phần lớn thời gian được dành cho cử tri phát biểu kiến nghị. Sau mỗi đợt TXCT, Thường trực HĐND huyện chỉ đạo tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đây là cơ sở quan trọng cho hoạt động giám sát việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau này. Vì vậy ngay sau buổi cuối của đợt TXCT, Thường trực HĐND huyện mời Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại diện Ban Thường trực UBMTTQ huyện, lãnh đạo UBND huyện, Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND huyện họp thống nhất tổng hợp, phân loại nội dung ý kiến, kiến nghị chuyển đến HĐND tỉnh, HĐND huyện theo đúng thẩm quyền từng cấp.
Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND huyện thường xuyên theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng trong việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị, cơ bản đáp ứng được phần lớn yêu cầu, mong muốn của cử tri.
Nhất thiết phải có đại diện ngành chức năng trực tiếp giải trình
Cùng với những kết quả tích cực, một số đại biểu chưa có kỹ năng trình bày tóm tắt báo cáo kinh tế - xã hội của địa phương, còn dài dòng lan man khiến cử tri nhàm chán; các hội nghị đều được tổ chức tại trụ sở UBND xã, thị trấn vào giờ hành chính, thành phần cử tri chủ yếu là cán bộ, Đảng viên của xã và một số ít cán bộ không chuyên trách thôn. Tại hội nghị, thường ít người tham gia ý kiến, kiến nghị, nhiều ý kiến hay bị trùng lặp, kiến nghị nhiều lần mặc dù đã được giải quyết. Cử tri diễn đạt kiến nghị thường không trọng tâm, không rõ. Cử tri phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số nên đa phần các ý kiến, kiến nghị thường là những vấn đề nhỏ hoặc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Thẳng thắn nhìn nhận thực tế trên, Thường trực HĐND huyện Khánh Sơn cho rằng cần phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, lãnh đạo UBND huyện trong xây dựng kế hoạch TXCT cụ thể chi tiết, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để cử tri có điều kiện tham gia đông đảo. Rút gọn nội dung báo cáo, dành nhiều thời gian để cử tri được thể hiện tâm tư nguyện vọng đề xuất ý kiến, kiến nghị.
Đại biểu trước khi TXCT nghiên cứu nắm chắc thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của địa phương nơi tổ chức TXCT, đặc biệt là nắm bắt được các vấn đề bức xúc của cơ sở và chuẩn bị các tình huống giải đáp thắc mắc của cử tri. Cử tri thường là những người không quen phát biểu trước đám đông, tâm lý thường e ngại nên khi cử tri ý kiến, đại biểu cần định hướng cho cử tri phát biểu đúng trọng tâm vấn đề để không mất thời gian; đồng thời, gợi mở các vấn đề trên lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội... để cử tri phát biểu ý kiến giúp cho hội nghị diễn ra sôi nổi, cởi mở, có nhiều ý kiến tham gia hơn.
Thường trực HĐND huyện Khánh Sơn nhấn mạnh: nhất thiết phải có đại diện lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng chuyên môn và lãnh đạo UBND cấp xã tham dự để trực tiếp giải trình các ý kiến thuộc thẩm quyền, khắc phục tình trạng tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được tổng hợp chuyển đến cơ quan thẩm quyền giải quyết.
Sau khi các ý kiến, kiến nghị được tổng hợp và chuyển đến cơ quan thẩm quyền giải quyết, Thường trực HĐND, các ban, các Tổ đại biểu HĐND và mỗi đại biểu nhân dân phải thường xuyên theo dõi, giám sát hoặc đặt vấn đề chất vấn tại các kỳ họp HĐND về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhất là đối với các vấn đề tồn đọng, cử tri kiến nghị nhiều lần. Trên cơ sở đó, đánh giá, phân loại kết quả giải quyết. Trong đó, những nội dung chưa hoàn thành thì yêu cầu UBND huyện cần tập trung chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ lộ trình giải quyết.
THANH MAI
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-2-kip-thoi-thong-tin-cac-chuong-trinh-de-an-post397457.html