Bài 2: Nghỉ việc nhiều, tuyển dụng khó khăn

Bài 2: Nghỉ việc nhiều, tuyển dụng khó khăn
4 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Vượt qua thách thức đấu tranh chống chặt phá rừng tự nhiên
03/11/2024 06:43
Những khó khăn, bất cập trên đã được ngành chức năng báo cáo tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn vừa qua.
Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, nơi làm việc của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chủ yếu ở các lán, trại trong rừng, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, cơ sở vật chất sơ sài, nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, đi lại gặp nhiều khó khăn nhất là trong mùa mưa bão.
Quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng về xử lý các vụ việc liên quan đến công tác bảo vệ rừng bị hạn chế, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu thốn chưa đủ để trấn áp lâm tặc, trong khi đó các đối tượng vi phạm pháp luật rất liều lĩnh và manh động. Lực lượng Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm tặc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đã có nhiều vụ việc những lực lượng này đã bị các đối tượng vi phạm manh động tấn công, chống người thi hành công vụ dẫn đến những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không được xếp vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và không được hưởng các phụ cấp khác; không được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, hy sinh không được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật…
Phát dọn cây cỏ thảm thực bì rừng trồng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Ảnh: H. Sơn
Cũng theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị vẫn còn thiếu so với quy định: Các Ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn 498/450 người (còn thiếu 48 biên chế được giao); Chi cục Kiểm lâm hiện có 322 người/361 biên chế được giao (còn thiếu 39 người so với chỉ tiêu được giao)… Với số lượng biên chế được giao so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới, trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng hiện nay hết sức nặng nề đối với Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đáng chú ý, lực lượng bảo vệ rừng liên tục nghỉ việc (bỏ việc, chuyển việc khác…); việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động của các đơn vị gặp nhiều khó khăn... Địa hình rừng núi phức tạp, diện tích đất lâm nghiệp quản lý lớn trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng mỏng, còn thiếu so với quy định (hiện nay mỗi cán bộ của Kiểm lâm quản lý gần 2000ha/công chức; lực lượng bảo vệ rừng tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý bình quân trên 1.000ha/cán bộ, viên chức), rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Bất cập từ chính sách dẫn đến tình trạng đùn đẩy
Tuy đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đơn cử, đối với diện tích đã giao khoán bảo vệ rừng, hộ nhận khoán được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng những lực lượng bảo vệ rừng khác cũng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng lại không được trực tiếp thụ hưởng khoản tiền DVMTR này. Tương tự đối với Thông tư số 21/2023/TT-BNNPTNT quy định một số định mức kinh tế - kỹ thuật về Lâm nghiệp có Chương III quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật tuần tra bảo vệ rừng, nhưng không thể áp dụng vào thực tiễn công tác.
Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp có quy định về cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng/phòng hộ cho các Ban quản lý rừng. Tuy nhiên, trên thực tiễn lực lượng bảo vệ rừng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ đã nêu tại Nghị định số 58 vẫn không được trực tiếp thụ hưởng thêm những chính sách này nếu không có quy định cụ thể, chi tiết. Hầu hết các kinh phí trên hiện nay đều đưa vào chi hoạt động bảo vệ rừng, người bảo vệ rừng trực tiếp làm việc không trực tiếp được thụ hưởng.
Hiện nay, đã có quy định “chủ rừng được tự thực hiện” một số công việc, tuy nhiên áp dụng vào thực tiễn dẫn tới việc “thời gian làm việc không đổi, khối lượng, cường độ công việc cần làm tăng thêm” nhưng “thu nhập không tăng”, do đối tượng thực hiện là lực lượng bảo vệ rừng đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không chi trả tiền công được kể cả chi kiêm nhiệm cũng không được. Điều này gây ra tâm lý không muốn làm, đùn đẩy cho các đơn vị bên ngoài hợp đồng làm để tránh trách nhiệm (việc không quen rừng, không thông thuộc địa bàn sẽ dẫn đến hiệu quả khi thuê mướn hợp đồng chất lượng không cao; đồng thời, không phát huy được chính sách lâm nghiệp dành cho lực lượng bảo vệ rừng)…
Nguyễn Nhật
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-2-nghi-viec-nhieu-tuyen-dung-kho-khan-post395615.html