Những chuyến công tác, hoạt động đối ngoại dày đặc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn có bóng dáng thầm lặng của những người lính Cảnh vệ – những "lá chắn sống" kiên cường và tận tụy. Mỗi CBCS Cảnh vệ giờ đây phải trở thành một “chiến binh đa nhiệm” – bản lĩnh, chuyên nghiệp, sắc bén đến từng bước chân, ánh nhìn, hành động.
Đa năng – đa nhiệm – đa tầng trách nhiệm
Phía sau bộ trang phục quen thuộc sơ mi trắng, vest đen của những người lính bảo vệ tiếp cận là hành trình rèn luyện đầy bền bỉ, từ giai đoạn tuyển chọn khắt khe cho đến quá trình luyện tập đặc thù. Theo Thượng tá Lê Văn Phùng, Phó Trưởng Phòng 5, CBCS đơn vị được coi là xương sống, là đơn vị nghiệp vụ quan trọng của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ: “Vì thế, việc tuyển chọn luôn đặt ở mức cao nhất trong toàn lực lượng. Từ ngoại hình, thể lực, lý lịch, cho đến tâm lý, năng lực và thái độ kỷ luật. Sau khi trúng tuyển, các chiến sĩ tiếp tục trải qua các khóa huấn luyện nâng cao và đặc thù, bao gồm võ thuật, bắn súng, đến kỹ năng ngoại giao, ứng xử với nhân dân”. Việc huấn luyện được thực hiện liên tục, thậm chí là huấn luyện trong đêm dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, để rèn luyện tâm lý và khả năng xử lý các tình huống thực tế. Trong số đó, “bơi bao gói” là một trong những nội dung huấn luyện mà sỹ quan bảo vệ tiếp cận nào cũng phải trải qua, nhằm rèn luyện thể lực bơi 5 -10km bất kể thời tiết và buộc phải mang theo đầy đủ đồ dùng, tư trang và tài liệu (của đối tượng cảnh vệ), đảm bảo nhanh nhất, gọn nhất, hiệu quả cao nhất.
Trên thực tế, Phòng 5 là một trong những đơn vị được ưu tiên hậu cần cao nhất trong toàn Bộ Tư lệnh, trong đó có các thiết bị, phương tiện, vũ khí rất hiện đại. Tuy nhiên: “Ưu tiên cao nhất cũng có nghĩa là hình thức kỷ luật ở mức cao nhất. Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng không được phép rút kinh nghiệm”, Thượng tá Lê Văn Phùng chia sẻ, nhấn mạnh nguyên tắc “tuyệt đối trung thành – tuyệt đối bí mật – tuyệt đối chính xác” mà CBCS bảo vệ tiếp cận nào cũng thuộc nằm lòng.
Lực lượng Cảnh vệ diễn tập phương án bảo vệ.
Theo đồng chí Lê Văn Phùng, cái khó nhất của công tác cảnh vệ là không tình huống nào giống tình huống nào. Để phản ứng được trong 1–3 giây ngắn ngủi, người lính bảo vệ tiếp cận phải rèn luyện hàng trăm giờ, nâng cao cả thể lực, kỹ năng chiến đấu, phán đoán tâm lý, lẫn năng lực xử lý khủng hoảng trong thời gian thực. Vì thế, không có mục tiêu nào được chú trọng hơn, vì tất cả đều quan trọng. Nhiệm vụ là phần cứng, huấn luyện là phần mềm, để giúp cho “xương sống” của lực lượng Cảnh vệ có thể tôi luyện bản lĩnh, rèn giũa sự khéo léo, và chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, dựa trên sự phối hợp uyển chuyển với các đơn vị.
Những “tấm khiên” trong ánh sáng
Từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp; dự các sự kiện đặc biệt quan trọng và hơn 23.000 cuộc, lượt hoạt động tại các địa phương trong nước và nước ngoài – kể cả tại những địa bàn phức tạp, vùng sâu vùng xa, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh hay bất ngờ thay đổi kế hoạch.
Trong những chuyến đi, CBCS Cảnh vệ luôn phải dặt mình trong tâm thế “chủ động trong bị động”. Còn nhớ tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác về đến Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), nơi vừa hứng chịu một trận lũ quét, sạt lở đất vùi lấp cả làng. Lộ trình ban đầu mà lực lượng Cảnh vệ được giao là đưa và bảo vệ Thủ tướng đến Ban chỉ đạo ở trung tâm Làng Nủ. Tuy nhiên, khi xe đang di chuyển, Thủ tướng bất ngờ yêu cầu dừng xe và trực tiếp lội xuống ruộng bùn, lại gần những chiến sỹ đang tìm kiếm nạn nhân để hỏi thăm, động viên các chiến sỹ. Thời điểm này nguy cơ sạt lở vẫn còn, nền đất chưa ổn định, dưới địa bàn là lớp bùn sâu với rất nhiều cành cây gãy, nguy hiểm. Trong khi đó, phần lớn ekip đã có mặt tại vị trí Ban chỉ đạo, một số xe và đoàn tháp tùng đi phía sau, chỉ có các đồng chí Cảnh vệ tháp tùng và ở bên cạnh Thủ tướng.
“Không được quyền yêu cầu, chỉ được quyền tuân lệnh”, Thượng tá Lê Văn Phùng chia sẻ. Trong tích tắc, các đồng chí Cảnh vệ lập tức tận dụng mọi vật liệu, thiết bị tại hiện trường để đi trước dò đường, kiểm tra khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn tối đa cho Thủ tướng, giúp chuyến công tác diễn ra thuận lợi, thành công.
Tổng Bí thư Tô Lâm, người mà lực lượng bảo vệ tiếp cận được gắn bó nhiều năm, từng chia sẻ: "Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho lãnh đạo, lực lượng Cảnh vệ còn thực hiện các nghi thức quốc gia, lễ tân đối ngoại. Có nhiều khi, anh em phải thức ngày đêm đến tối muộn cũng chưa được ăn uống. Lãnh đạo đi dự tiệc, anh em đứng ngoài, về nhà có khi 9–10 giờ đêm vẫn chưa ăn gì. Có chỗ khách sạn còn không có đồ ăn". Với sự bền bỉ và tận tụy đó, lực lượng Cảnh vệ Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn gây ấn tượng sâu đậm với lãnh đạo quốc tế.
“Tôi nhớ có Tổng thống, khi lên đến nửa cầu thang máy bay rồi thì lại quay xuống. Cứ tưởng có sự cố, hóa ra là ông ấy quên chụp ảnh với anh em Cảnh vệ. Xuống để chụp và động viên họ... Lãnh đạo nước ngoài đến thăm Việt Nam rất cảm phục vì xã hội an toàn. Họ đi ăn phở, ra công viên, đi cà phê, đi bộ Bờ Hồ... Điều này nâng cao hình ảnh quốc gia và khẳng định uy tín của lực lượng bảo vệ”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Trong từng chuyến công tác, hình ảnh những cán bộ Cảnh vệ luôn thấp thoáng trong vòng tay nhân dân – gần gũi nhưng không lơi lỏng, thân thiện mà vẫn nghiêm cẩn. Người lính Cảnh vệ phải luôn ghi nhớ nguyên tắc “bên ngoài bình thường, bên trong chặt chẽ” – tức là không làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân, không tạo cảm giác ngăn cách giữa lãnh đạo với nhân dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Lá chắn thầm lặng trên đất khách
Với CBCS bảo vệ tiếp cận, khi tháp tùng và bảo vệ lãnh đạo ở nước ngoài, mỗi hành động nhỏ đều phải cân nhắc đến an ninh quốc gia. Ít ai biết rằng, khi lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước công tác nước ngoài, lực lượng Cảnh vệ Việt Nam trở thành những “chiến binh độc lập” đầy chuyên nghiệp, khi cường độ làm việc tăng gấp rưỡi, bởi vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là hình ảnh quốc gia. “Muốn làm được vậy, anh em phải chuẩn bị tiền trạm cực kỳ kỹ lưỡng”, Thượng tá Vũ Quốc Sâm, Đội trưởng Đội Tham mưu, tổng hợp Phòng 5 chia sẻ, nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, địa phương sở tại – để đảm bảo từng điểm dừng chân, từng tuyến đường, từng tình huống bất trắc đều phải được rà soát trước, không phải hạn chế rủi ro, mà là loại trừ rủi ro.
Một trong những câu chuyện khiến anh em Cảnh vệ nhớ mãi, đó là trong chuyến công tác của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Indonesia năm 2007, vị trí khách sạn nơi đoàn nghỉ ngơi bất ngờ xảy ra trận động đất mạnh 7,5 độ richter kéo dài trong 5 phút, khiến nhà cửa rung chuyển, cửa kính vỡ tan do va đập. Trong khi lực lượng Cảnh vệ nước bạn tìm cách rút ra ngoài thì toàn bộ lực lượng sỹ quan bảo vệ tiếp cận Việt Nam – dù phân bổ ở các tầng khác nhau – lại khẩn trương, bằng mọi cách tiếp cận nhanh nhất căn phòng ở tầng 28 của khách sạn, nơi ở của Thủ tướng, thiết lập vòng bảo vệ an toàn. Đó không chỉ là phản xạ nghiệp vụ, mà còn là bản lĩnh chính trị, tinh thần sẵn sàng hy sinh của những CBCS làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sau khi tình hình động đất ổn định, Thủ tướng thấy xung quanh các đồng chí Cảnh vệ đã có mặt đủ, Thủ tướng rất xúc động.
Trong một chuyến công tác khác của lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng đến Indonesia năm 2022, lực lượng Cảnh vệ đối diện áp lực lên tới 200% khi ngay trước thềm chuyến thăm, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại nhận được thư đe dọa khủng bố nhằm vào đoàn Việt Nam. Đánh giá được sự phức tạp của chuyến công tác, Bộ Tư lệnh đã đưa ra quyết định chưa từng có – triển khai công tác nghiệp vụ bảo vệ đối tượng chủ chốt công tác tại nước ngoài với số lượng 48 CBCS, cùng với nhiều vũ khí, công cụ thiết bị hỗ trợ khác, đặc biệt triển khai tổ canh gác bảo vệ chuyên cơ 24/24h trong suốt thời gian lưu đậu tại sân bay. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của đồng chí Tư lệnh, các lực lượng và các chiến sĩ Cảnh vệ đã phối hợp với lực lượng an ninh nước bạn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến thăm của thủ trưởng, kết thúc chuyến công tác một cách tốt đẹp, không có bất kỳ sơ suất hay sự cố nào phát sinh.
Căng thẳng là thế, áp lực là thế, chỉ khi lên máy bay trở về nước, họ mới dám thở phào. “Khi máy bay cất cánh về mới cảm thấy mệt là như thế nào. Vì khi làm nhiệm vụ, mình không được phép nghĩ đến điều gì khác ngoài việc bảo vệ thủ trưởng. Mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ, đều phải để lại phía sau”, Thượng tá Lê Văn Phùng chia sẻ. Chúng tôi hiểu, đó chính là thứ “kỷ luật sắt” vô hình, bền bỉ rèn giũa từng bước chân người lính Cảnh vệ – những người âm thầm “đi trước, về sau”, sẵn sàng hy sinh thân mình để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các yếu nhân. Kỷ luật ấy cũng gắn liền với sự hy sinh cuộc sống cá nhân để giữ trọn niềm tin chung.
Đại úy Nguyễn Văn Quỳnh, Phó Phòng 5, từng có tới 16 năm làm nhiệm vụ bên cạnh lãnh đạo cũng là từng đấy năm không đón giao thừa cùng gia đình. “Khi nào thủ trưởng về đến nhà an toàn, mới là lúc tôi được phép kết thúc ngày làm việc”, anh nói, dù mỗi ngày làm việc thường bắt đầu từ 5h sáng và có thể kéo dài tới 2h sáng hôm sau. Công việc của anh và của hàng trăm CBCS bảo vệ tiếp cận khác là chuỗi ngày không nghỉ phép, bởi ngay cả khi không nhận nhiệm vụ, các sỹ quan bảo vệ tiếp cận cũng phải trở về đơn vị tiếp tục huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, lực lượng Cảnh vệ cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại, bao gồm số hóa hệ thống quản lý nhiệm vụ, hỗ trợ hiệu quả cho CBCS trong từng ca trực, từng chuyến công tác, từng điểm chốt an ninh. “CBCS phải học – học công nghệ để hiểu rõ phương thức tấn công mới, từ đó chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng sử dụng công nghệ cao nhằm gây phương hại cho thủ trưởng và hệ thống chính trị” - Đồng chí Đội trưởng Đội Tham mưu, tổng hợp chia sẻ.
Có thể nói, từ những năm tháng đầu thành lập đến hành trình lặng thầm trong thời bình hôm nay, các thế hệ CBCS Phòng 5 đã nối tiếp nhau viết nên truyền thống anh hùng – trung thành tuyệt đối, tận tụy, mưu trí, dũng cảm. Dù là thời chiến với bao hiểm nguy rình rập, hay thời bình với những thách thức đa tầng, mỗi người lính Cảnh vệ vẫn kiên cường giữ trọn niềm tin, vững vàng nơi tuyến đầu bảo vệ an ninh chính trị và an toàn cho các đồng chí lãnh đạo.
Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Ba; hàng chục Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các ban, ngành. Đặc biệt, ngày 28/4/2025 – một mốc son lịch sử – Phòng 5 đã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây không chỉ là phần thưởng cao quý, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp thầm lặng mà to lớn của đơn vị trong suốt chặng đường bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh tụ. Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách – khi an ninh phi truyền thống, ngoại giao đa tầng và thế giới số đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Nhưng với truyền thống vẻ vang, bản lĩnh thép và tinh thần đổi mới, những người lính Cảnh vệ hôm nay sẽ tiếp tục giữ trọn lời thề, viết tiếp trang sử mới – lặng thầm nhưng rực rỡ – giữa ánh sáng hòa bình và niềm tin của nhân dân.
“Đơn vị sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xứng đáng với truyền thống của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” –Đại tá Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng 5 chia sẻ.
Linh Chi