Bài 2: Thiếu hụt khung pháp lý tạo môi trường 'màu mỡ' cho lừa đảo tài sản ảo

Bài 2: Thiếu hụt khung pháp lý tạo môi trường 'màu mỡ' cho lừa đảo tài sản ảo
16 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Đầu tư tiền ảo: Lừa đảo khắp nơi, nhận ngay trái đắng
Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến lừa đảo đầu tư tài sản ảo, tiền ảo trên không gian mạng. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề trên?
Vấn đề lừa đảo đầu tư tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền ảo và các hình thức đầu tư trên không gian mạng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp tại Việt Nam. Các vụ việc lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào các phương thức đầu tư hợp pháp.
Thủ đoạn lừa đảo chủ yếu là việc các đối tượng lập ra các phần mềm chứng khoán giả mạo thành các phần mềm chứng khoán được cấp phép hoạt động để lừa tiền nhà đầu tư nếu không may mắc bẫy. Đối với đa số sàn chứng khoán quốc tế, có hai dạng lừa đảo là đánh tráo khái niệm để chiếm đoạt tài sản; thay đổi giá mã chứng khoán trên website giả để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Luật sư Phạm Ba Đô, Giám đốc Công ty Luật TNHH SJKLAW.
Ngoài ra còn có các hình thức như đa cấp tài chính (biến tướng của mô hình đa cấp) mời mọi người tham gia với lợi nhuận cao, yêu cầu giới thiệu người khác để nhận hoa hồng; đầu tư tiền ảo (Crypto) hứa hẹn lợi nhuận khủng nhưng thực chất là chiếm đoạt tài sản khi nhà đầu tư rót vốn; ICO (Initial Coin Offering) lừa đảo bằng cách phát hành các đồng tiền ảo không có giá trị thật, Giả mạo website doanh nghiệp lớn nhằm lừa đảo tài sản (VinFast)…
Việc không có cơ chế thu thuế đối với hoạt động đầu tư tiền ảo cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động này phát triển nhanh chóng và không kiểm soát được. Vì không được công nhận là tài sản hợp pháp hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp, tiền ảo nằm ngoài danh sách các hoạt động kinh doanh phải chịu thuế. Nhà đầu tư và các sàn giao dịch tiền ảo không có nghĩa vụ kê khai và đóng thuế, điều này tạo ra môi trường "màu mỡ" cho các hoạt động lừa đảo phát triển.
Theo ông, vì sao tình trạng trên vẫn xảy ra dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần?
Một trong những nguyên nhân cốt lõi là tâm lý muốn làm giàu nhanh mà không cần bỏ nhiều công sức. Những lời hứa hẹn như: “Lợi nhuận khủng”, "lãi suất cao bất thường", "nhân đôi, nhân ba tài sản trong thời gian ngắn" đã đánh trúng lòng tham của một bộ phận nhà đầu tư. Khi bị cuốn vào vòng xoáy lợi nhuận ảo, họ không còn đủ tỉnh táo để nhận diện rủi ro. Vụ lừa đảo sàn giao dịch Forex "Lion Group”; vụ việc Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips) là ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó, phần lớn nhà đầu tư tham gia vào các mô hình tiền ảo, tài sản số đều thiếu kiến thức về công nghệ, tài chính và pháp lý. Họ không hiểu rõ về bản chất hoạt động của tiền ảo, các sàn giao dịch và không có kỹ năng thẩm định thông tin. Điều này khiến họ dễ dàng tin tưởng vào những thông tin mơ hồ, sai sự thật từ các đối tượng lừa đảo.
Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo ngày càng sử dụng công nghệ cao, tạo ra các trang web giả mạo, sàn giao dịch ảo, ứng dụng tài chính với giao diện chuyên nghiệp giống hệt các tổ chức uy tín. Chúng còn sử dụng chiêu trò quảng bá, lừa đảo tinh vi như thuê người nổi tiếng, KOLs quảng cáo để tạo lòng tin; dựng lên các "chuyên gia tài chính" tổ chức hội thảo, khóa học đầu tư để lôi kéo nạn nhân…
Không gian mạng cho phép các đối tượng ẩn danh, che giấu danh tính thật và dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài. Điều này khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác minh thông tin, truy vết và xử lý.
(Ảnh minh họa)
Quan trọng nhất khiến tình trạng lừa đảo đầu tư tài sản ảo, tiền ảo trên không gian mạng vẫn diễn ra phức tạp là sự thiếu hụt hoặc chưa hoàn thiện của khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử và các giao dịch trên môi trường số. Điều này khiến cho công tác quản lý, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn. Nhà đầu tư không được pháp luật bảo vệ.
Trong các trường hợp bị lừa đảo như vậy, nạn nhân có thể lấy lại được tiền đầu tư không, thưa ông?
Căn cứ vào các vụ việc đã từng xảy ra như Vụ án "Coolcat" – Sàn giao dịch ảo lừa đảo 200 tỷ đồng (2021); sàn giao dịch Forex "Hitoption" (2021); "Tập đoàn đa cấp tiền ảo Ifan và Pincoin" – 15.000 nạn nhân mất 15.000 tỷ đồng (2018); Vụ án "sàn FX Trading Markets" (2021)… tôi thấy rằng rất ít khả năng nạn nhân lấy lại được tiền, nếu có lấy lại được là do đối tượng chưa kịp tẩu tán tài sản và nạn nhân kịp thời phong tỏa tài sản.
Để có thể tăng thêm cơ hội lấy lại được tiền, các nạn nhân khi phát hiện cần liên hệ ngay ngân hàng sau khi phát hiện giao dịch nghi vấn. Cung cấp số tài khoản nhận tiền, ngày giờ giao dịch và số tiền chuyển. Ngay sau đó, liên hệ với cơ quan công an nơi cư trú hoặc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05). Chuẩn bị đầy đủ chứng cứ (tin nhắn, lịch sử giao dịch, biên lai chuyển tiền). Đồng thời, yêu cầu ngân hàng phối hợp với cơ quan công an để xử lý...
Theo tôi khả năng lấy lại tiền trong các vụ lừa đảo tài sản ảo phụ thuộc rất lớn vào tốc độ hành động, sự hợp tác với cơ quan chức năng, và việc cung cấp đầy đủ bằng chứng. Trong nhiều trường hợp, sự hỗ trợ của ngân hàng, cơ quan điều tra, và luật sư đóng vai trò quan trọng giúp tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. Tuy nhiên, để bảo vệ tài sản tốt nhất, nhà đầu tư cần luôn tỉnh táo và tránh xa các dự án đầu tư không rõ nguồn gốc hoặc không được pháp luật công nhận.
Để giải quyết tình trạng trên, theo ông cần sửa đổi chính sách pháp luật quản lý tiền ảo, tài sản ảo như thế nào để các nhà đầu tư tham gia an toàn, đảm bảo?
Tôi cho rằng cơ quan chức năng không thể chần chừ, cần khẩn trương xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho tiền ảo và tài sản ảo. Trong đó cần định nghĩa rõ tiền ảo, tài sản ảo, công nhận tiền ảo có thể giao dịch và thanh toán trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trong tất cả các giao dịch thương mại.
Cùng với đó, quy định về việc đăng ký, cấp phép và quản lý các sàn giao dịch tiền ảo bởi hiện nay đang có tình trạng các tổ chức phát hành tiền ảo không bị kiểm soát đầy đủ, dẫn đến tình trạng phát hành tiền ảo không có bảo chứng hoặc giá trị thực, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo.
Có thể nghiên cứu thành lập cơ quan bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong lĩnh vực tiền ảo. Cơ quan này sẽ có chức năng tiếp nhận khiếu nại, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và các tổ chức, sàn giao dịch tiền ảo, cũng như giám sát các hoạt động của các tổ chức này để đảm bảo họ tuân thủ quy định pháp luật.
Tăng cường các chương trình giáo dục và tuyên truyền về tiền ảo, cách thức giao dịch an toàn, và các rủi ro có thể gặp phải khi tham gia vào thị trường tiền ảo. Khuyến khích các tổ chức tài chính, sàn giao dịch tổ chức các khóa đào tạo hoặc cung cấp tài liệu hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến tiền ảo cho nhà đầu tư…
Xin cảm ơn ông!
An Nhiên
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bai-2-thieu-hut-khung-phap-ly-tao-moi-truong-mau-mo-cho-lua-dao-tai-san-ao-d55432.html