Hỗ trợ, phục vụ thay vì kiểm soát
Nếu trước đây, một sự việc được đánh giá dựa trên câu hỏi: "Có phù hợp quy định hay không? Có thuận lợi cho quản lý Nhà nước không?" thì nay cần thay đổi thành: "Việc này có đúng và trúng nhu cầu thực tiễn không? Có giúp người dân, doanh nghiệp giải quyết vấn đề kịp thời, hiệu quả không?" Ví dụ: Thay vì hỏi: "Doanh nghiệp này đã hoàn tất hồ sơ đầy đủ chưa?", thì nay cần hỏi: "Doanh nghiệp này đang gặp khó khăn gì trong khâu chuẩn bị hồ sơ? Có cách nào giúp họ hoàn thiện nhanh hơn không?" Điều này đòi hỏi chính quyền chủ động phản ứng, linh hoạt điều chỉnh và xem việc hoàn thiện quy trình quản lý là phần việc nội bộ của bộ máy, chứ không được phép đẩy rủi ro sang cho người dân, doanh nghiệp.
Sự thay đổi trong nguyên tắc kéo theo sự thay đổi về thái độ hành chính. Khi tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, người dân, dù là phản ánh, đề xuất hay kêu cứu, chính quyền không còn được xem mình là người "xét duyệt yêu cầu", mà phải hành xử như một người đồng hành để gỡ khó, hỗ trợ, tháo gỡ. Trước đây, "Hồ sơ chưa đủ thì từ chối, yêu cầu bổ sung, đợi đủ mới giải quyết", thì nay "Phát hiện doanh nghiệp chưa đủ hồ sơ, thì cần có người hướng dẫn, gợi ý, thậm chí làm mẫu hoặc tạo điều kiện để hoàn thiện hồ sơ”.
Người dân ngồi chờ nộp hồ sơ tại Văn phòng ĐKĐĐ TP.Thủ Đức (cũ)
Một chính quyền phục vụ không thể tiếp tục chỉ lấy tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn hay số lượng văn bản ban hành làm tiêu chí đánh giá hiệu quả. Thay vào đó, cần đo lường bằng: Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; Thời gian thực tế xử lý yêu cầu; Tỷ lệ khó khăn được tháo gỡ đúng lúc; Số vụ việc phản ánh được xử lý tích cực, có kết quả thực chất. Việc phục vụ không có nghĩa là "chiều theo mọi yêu cầu", mà là chủ động tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước phải phân rõ bên xây dựng và hoàn thiện quy trình nội bộ để nhanh, gọn, minh bạch. Bên tiếp nhận và giải quyết nhu cầu xã hội phải có quyền linh hoạt, xử lý tình huống. Bên kiểm soát làm nhiệm vụ hậu kiểm, chấn chỉnh sai phạm, không làm ảnh hưởng đến tiến độ phục vụ người dân, doanh nghiệp
Khi áp dụng tinh thần "chuyển từ hành chính quản lý sang hỗ trợ, phục vụ" vào lĩnh vực quy hoạch, đặc biệt là trong bối cảnh TPHCM đang mở rộng không gian phát triển vùng, thì toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý, quy định và quy trình về quy hoạch cũng cần được điều chỉnh một cách căn cơ để phản ánh đúng vai trò mới của chính quyền: không còn là người "áp đặt quy hoạch" mà là người "điều phối nhu cầu phát triển", "hỗ trợ kiến tạo không gian sống và sản xuất cho người dân và doanh nghiệp". Cốt lõi nhất trong việc chuyển từ tinh thần quản lý hành chính sang hỗ trợ, phục vụ trong lĩnh vực quy hoạch, chính là thay đổi mục tiêu của hoạt động quy hoạch, từ "kiểm soát phát triển" sang "dẫn dắt và đồng hành với sự phát triển".
Trong tư duy quản lý hành chính cũ, quy hoạch thường được xem là công cụ để đặt ra ranh giới, áp đặt giới hạn và ngăn chặn sai phạm. Việc lập quy hoạch, phê duyệt đồ án hay cấp phép xây dựng chủ yếu nhằm bảo đảm "đúng luật", thuận tiện cho kiểm tra, thanh tra, chứ không thực sự xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, của nhà đầu tư hay của các dòng chảy phát triển thực tế. Khi chuyển sang tư duy hỗ trợ - phục vụ, quy hoạch không còn là bản vẽ để "kiểm soát", mà trở thành một hệ thống công cụ mở để khơi thông, định hướng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển theo cách tốt nhất cho xã hội. Mục tiêu lớn nhất không còn là "giữ trật tự" mà là "kích hoạt giá trị”. Điều này thay đổi toàn bộ cách hành xử của chính quyền trong cả quy trình quy hoạch, xét duyệt, điều chỉnh và tổ chức thực hiện.
Đặt mục tiêu là hỗ trợ phát triển
Khi mục tiêu là hỗ trợ phát triển, thì quá trình lập quy hoạch sẽ bắt đầu từ nhu cầu thực tế của dân cư, ngành nghề, doanh nghiệp, thay vì bắt đầu từ chỉ tiêu hành chính hay khung pháp lý khô cứng. Việc lấy ý kiến cộng đồng, chuyên gia, nhà đầu tư sẽ trở thành bắt buộc, có giá trị và được phản hồi rõ ràng. Các cơ quan thẩm định quy hoạch sẽ không còn giữ vai trò "giữ cửa", mà trở thành "đơn vị thiết kế giải pháp", cùng người dân và doanh nghiệp tìm cách điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn, miễn là phục vụ đúng lợi ích công cộng và hài hòa các yếu tố phát triển. Thủ tục điều chỉnh quy hoạch sẽ trở nên minh bạch và có cơ chế tiếp nhận rõ ràng. Nếu quy hoạch sai lệch với thực tế, lạc hậu, hoặc cản trở đổi mới, thì việc điều chỉnh sẽ được xem là "trách nhiệm hỗ trợ phát triển". Chất lượng quy hoạch sẽ được đo bằng hiệu quả phát triển sau quy hoạch, thay vì bằng số lượng văn bản, bản vẽ hay mức độ tuân thủ máy móc. Người làm quy hoạch và người quản lý quy hoạch sẽ cùng chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng: vùng đó, khu vực đó có phát triển đúng hướng, có bền vững, có đồng thuận không.
TPHCM được quy hoạch ngày càng hiện đại
Tiếp nối tư duy chuyển từ hành chính quản lý sang hỗ trợ, phục vụ trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, việc rà soát và điều chỉnh các vấn đề hành chính - quản lý hiện nay cần được thực hiện một cách căn cơ, từ những điểm nghẽn thực tiễn đang gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Những vấn đề này không chỉ nằm ở tầng chính sách, mà còn hiện hữu trong từng quy trình, biểu mẫu, cách tổ chức bộ máy và lối tư duy vận hành bộ máy hành chính đô thị.
Thực tiễn cho thấy quy trình xử lý hồ sơ quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật vẫn còn quá nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian xử lý và làm tăng chi phí cơ hội của nhà đầu tư. Nhiều địa phương yêu cầu lấy ý kiến từ 8 - 10 cơ quan chuyên môn cho cùng một vấn đề, thậm chí các phòng ban trong cùng một sở vẫn phải lấy ý kiến chéo như thể các đơn vị đó không cùng hệ thống. Điều này xuất phát từ lối tư duy "quản lý rủi ro bằng chia nhỏ trách nhiệm", mỗi đơn vị chỉ phụ trách một khía cạnh hẹp và không dám chịu trách nhiệm tổng thể. Vì vậy nên chuyển từ mô hình "duyệt từng phần" sang mô hình "tổ chức tiếp nhận và đánh giá tích hợp". Cụ thể, thành lập các tổ công tác chuyên ngành (quy hoạch - đầu tư - xây dựng - tài nguyên - môi trường) cấp vùng hoặc cấp thành phố để đánh giá liên ngành trong cùng một quy trình, rút gọn thời gian và giảm chồng chéo. Cơ chế phân quyền cần rõ: cơ quan nào tiếp nhận thì chịu trách nhiệm tổ chức điều phối các ý kiến, không để nhà đầu tư phải tự chạy giữa các sở ngành.
Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ (vốn là công cụ cần thiết để thích ứng với thực tế) lại đang bị xem như hành vi "phá vỡ quy hoạch". Nhiều địa phương ngại điều chỉnh vì lo bị kiểm tra, thanh tra, bị cho là "phá vỡ quy hoạch đã duyệt", trong khi nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều. Điều này dẫn đến hiện tượng quy hoạch không thể triển khai, đất đai bị treo, hoặc người dân phải "lách luật" để tồn tại. Vì vậy, nên đưa nguyên tắc "quy hoạch là công cụ phục vụ” vào các văn bản hướng dẫn. Cần quy định rõ việc điều chỉnh quy hoạch không phải là bất thường, mà là một hoạt động thường xuyên và hợp pháp, miễn là tuân thủ trình tự minh bạch, có cơ sở khoa học và được tham vấn đầy đủ.
Công tác cấp phép đầu tư và triển khai dự án bị phụ thuộc quá nhiều vào các thẩm định hành chính mang tính hình thức. Kết quả là hàng loạt dự án "sáng tạo" lại bị loại bỏ bởi quy trình "rập khuôn". Nên điều chỉnh cho phép thí điểm các "vùng sáng tạo thể chế", nơi các mô hình mới (nhà ở xã hội tích hợp, trung tâm khởi nghiệp cộng đồng, không gian công cộng đa chức năng...) được đánh giá trên cơ sở mục tiêu phục vụ và hiệu quả thực tiễn, thay vì đối chiếu cứng nhắc với các chỉ tiêu lỗi thời. Cần xây dựng một "khung linh hoạt" do chính quyền vùng hoặc sở chuyên ngành đề xuất và chịu trách nhiệm giám sát.
Hiện tượng thiếu dữ liệu mở, thiếu minh bạch thông tin về quy hoạch và dự án đang tạo ra sự bất đối xứng nghiêm trọng giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Người dân không biết quy hoạch sẽ đi về đâu, doanh nghiệp không biết khu đất có đang treo hay không, còn chính quyền địa phương lại giữ thông tin như một "quyền lực mềm" để kiểm soát. Nên bắt buộc công bố công khai toàn bộ thông tin quy hoạch trên một nền tảng số thống nhất, được cập nhật liên tục, tích hợp bản đồ số, dữ liệu pháp lý và quy trình xử lý. Từ đó, người dân và nhà đầu tư có thể tra cứu, góp ý, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ.
Hiện nay, cơ chế tiếp nhận ý kiến, kiến nghị tuy đã có trên lý thuyết, nhưng phần lớn còn mang tính hình thức. Việc xử lý phản ánh thường bị kéo dài, không có phản hồi rõ ràng hoặc vòng vo. Cuối cùng, phải xây dựng được văn hóa hành chính phục vụ như một giá trị cốt lõi của bộ máy. Không thể trông đợi sự thay đổi thực chất nếu chỉ sửa quy trình mà không thay đổi thái độ. Cán bộ hành chính cần được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, gợi mở và giải pháp. Việc chuyển từ mô hình hành chính quản lý sang hỗ trợ, phục vụ trong lĩnh vực quy hoạch là một cuộc chuyển đổi thể chế toàn diện, đòi hỏi đồng thời thay đổi tư duy, hệ thống luật pháp, quy trình hành chính và cả cách thức tổ chức thực thi. Cốt lõi của cải cách này là đặt con người, không gian sống và nhu cầu phát triển thực chất làm trung tâm. Khi pháp luật cho phép "hỗ trợ đúng lúc, phục vụ đúng người", thì quy hoạch sẽ thực sự trở thành công cụ dẫn dắt sự phát triển bền vững, công bằng và sáng tạo.
NAM THUẬN - DUY LUÂN