Bài 3: Công khai, minh bạch sẽ kéo doanh nghiệp 'cắm rễ' thành công

Bài 3: Công khai, minh bạch sẽ kéo doanh nghiệp 'cắm rễ' thành công
8 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra tiến độ một dự án giao thông trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Theo kịch bản tăng trưởng của Đồng Nai, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư công đạt khoảng 20%, vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm 80%.
Chia sẻ quan điểm của tỉnh là công bố quy hoạch minh bạch, công khai để tất cả các nhà đầu tư đều bình đẳng tiếp cận với những thông tin chính thống, từ đó Đồng Nai có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất đối với mỗi dự án, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Công khai cho mọi công dân, doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận thông tin như nhau, không có câu chuyện bưng bít ở đây. Địa phương nào càng minh bạch thì lòng dân càng tin tưởng, đồng thuận, kinh tế-xã hội càng phát triển. Sự minh bạch ở chỗ, trong quá trình đấu thầu, thu hút đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tốt nhất cho lợi ích của tỉnh, coi lợi ích chung là lớn nhất, ngoài ra không có lợi ích nào khác”.
“Chìa khóa” quy hoạch được công khai, minh bạch ngay từ đầu
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư sắp được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức trong những ngày tới tại thành phố Biên Hòa, với quy mô khoảng 600 đại biểu gồm: lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện một số tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng được kỳ vọng rất lớn trong nỗ lực cụ thể hóa, nâng tầm phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” mà Đồng Nai nhất quán theo đuổi hàng chục năm nay.
Không chỉ là bước “dọn đường” cần thiết, hội nghị còn là dịp quảng bá rộng rãi tiềm năng rất lớn, lợi thế so sánh và định hướng phát triển của tỉnh đến nhà đầu tư và người dân. Từ đó, lan tỏa sức hấp dẫn, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đạt hiệu suất cao nhất trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, trong lúc chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chính thức, ngày 21/6 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chủ động tổ chức hội nghị giới thiệu danh mục dự kiến các dự án ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, để các nhà đầu tư bước đầu tiếp cận thông tin sớm nhất, tìm hiểu trước quy hoạch từng khu vực với các loại hình dự án, diện tích đất đai, giao thông kết nối…, qua đây tính toán, tìm kiếm cho mình cơ hội phù hợp và có thể bắt tay ngay vào xúc tiến triển khai dự án khi quy hoạch có hiệu lực.
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, Đồng Nai tập trung kêu gọi đầu tư đối với 36 dự án trên 5 lĩnh vực thuộc danh mục các dự án ưu tiên. Hạ tầng giao thông đứng đầu với 10 dự án như: cầu Cát Lái, đường Vành đai 4, đường ven sông Đồng Nai, sân bay Biên Hòa…Tiếp đến là công nghiệp 6 dự án, đáng chú ý, mời gọi đầu tư ít nhất 3 khu công nghiệp xanh, đạt chuẩn Net Zero và 3 khu công nghệ cao gồm: Khu công nghệ cao 497 ha tại huyện Cẩm Mỹ; Khu công nghệ thông tin tập trung 100ha và Khu đổi mới sáng tạo 300 ha tại huyện Long Thành.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng chú trọng vào việc đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, giáo dục, y tế, thể thao quy mô lớn như: Khu thể dục thể thao 160ha tại thành phố Long Khánh; hệ thống sân tập golf và sân golf quốc tế; Khu đô thị giáo dục- đào tạo tại Nhơn Trạch, Long Thành, Long Khánh quy mô 200-300ha mỗi dự án… Đây là các dự án được nhận định tính khả thi rất cao ngay từ đầu.
Tỉnh đang chuẩn bị công bố loạt danh mục 100 dự án phát triển dịch vụ thương mại phục vụ vùng sân bay Long Thành, để thu hút đầu tư kịp tiến độ sân bay đi vào hoạt động. Thực hiện tìm kiếm, kêu gọi, thu hút cho được nhà đầu tư có tiềm lực cạnh tranh đủ mạnh để có thể đáp ứng quy mô nguồn vốn và tốc độ thực hiện dự án.
Một hình ảnh Đồng Nai năng động, thân thiện, cố gắng chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tranh thủ đón dòng vốn đầu tư dần hiện hữu bằng những bước đi nhanh nhạy, hành động quyết liệt. “Tỉnh đang chú trọng chuẩn bị quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực để kêu gọi nhà đầu tư tầm cỡ, sẵn sàng cho sự ra đời các khu công nghiệp, khu logistics đón đầu cơ hội, phát huy tối đa sứ mệnh, lợi thế của sân bay Long Thành trong tương lai gần”, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định.
Tín hiệu đáng mừng là hàng loạt nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đang rất quan tâm và gửi đề xuất đến Ủy ban nhân dân tỉnh thể hiện mong muốn là “ứng cử viên” góp mặt ở các dự án công nghệ cao, dịch vụ, đô thị thông minh.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Sức mạnh cộng hưởng đưa Đồng Nai thành “thỏi nam châm” hút đầu tư
Với các ưu thế vượt trội về hạ tầng giao thông trung tâm kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thông thương khu vực lân cận, đặc biệt điểm nhấn là sân bay Long Thành, cùng cụm cảng biển đang thành hình ngày càng rõ rệt, sẽ đưa vào sử dụng trong 2 năm tới, Đồng Nai sở hữu sức mạnh cộng hưởng, cạnh tranh, bứt phá trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế uy tín đánh giá nơi đây hoàn toàn có khả năng thành tâm điểm thu hút đầu tư các dự án bất động sản về nhà ở, khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng; thương mại dịch vụ; logistics; chế biến nông sản; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp…
Phân tích về tác động của kinh tế hàng không đối với sự phát triển kinh tế địa phương, Giáo sư-Tiến sĩ Frank Fichert, đến từ Worms University of Applied Sciences (Trường đại học Khoa học ứng dụng Worms) của Đức lấy ví dụ điển hình sân bay Munich, đưa ra khuyến nghị: “Sân bay mang lại giá trị “vị thế” đắc địa cho khu vực lân cận, phù hợp mở công ty đổi mới sáng tạo, công ty du lịch, hội chợ thương mại”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết để phát huy lợi thế sân bay Long Thành, địa phương đã triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng như: lập quy hoạch vùng sân bay, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay và phụ cận sân bay… nhằm tạo động lực “cất cánh” cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Riêng về lĩnh vực du lịch, tỉnh có nhiều dự án đang mời gọi nhà đầu tư với số vốn lên đến trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, đã quy hoạch một số chuỗi đô thị ven sông và nhiều dự án khu đô thị khác với nhu cầu về vốn lên đến hàng tỷ USD.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm sát sông Đồng Nai đang được chuyển đổi công năng trở thành khu đô thị thương mại dịch vụ.
Ở bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới còn nhiều khó khăn như lúc này, các nhà đầu tư đều cân nhắc, suy xét rất kỹ trước khi quyết định “xuống tiền” đầu tư vào một dự án nào đó, thì việc mời gọi được dòng vốn lớn đầu tư cho các dự án không dễ. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Đồng Nai tăng cao đột biến từ đầu năm 2024 đến nay, chứng tỏ đây là nơi có nhiều lợi thế khác biệt để khai thác, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn.
Nhằm lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai đang vào cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính theo định hướng "tập trung doanh nghiệp, hướng về cơ sở", cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp thông qua nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), như lời người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai: “Chúng ta xây dựng chính quyền thân thiện vì dân phục vụ, phục vụ doanh nghiệp, nâng chỉ số PAPI, CPI là nỗ lực kiến tạo một nền kinh tế dân giàu, nước mạnh, kéo doanh nghiệp tìm đến “cắm rễ” và thành công bền vững trên vùng đất này”.
Cùng với đó, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc để doanh nghiệp dễ dàng triển khai các dự án, mở ra cơ hội rất lớn hứa hẹn “làn sóng” đầu tư từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đổ vào Đồng Nai đầy ấn tượng thời gian tới.
THIÊN VƯƠNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bai-3-cong-khai-minh-bach-se-keo-doanh-nghiep-cam-re-thanh-cong-post832047.html