Đặc biệt, nhiều chính sách gỡ khó cho ngành y, giúp ngành giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau đại dịch Covid-19, nhờ đó, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn
Cú hích quan trọng
Xuyên suốt các kỳ họp trong suốt thời gian qua, từ phiên thảo luận kinh tế - xã hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đến thảo luận về các dự án Luật, những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế liên tục được các đại biểu đề cập, nhấn mạnh phải có những giải pháp hoàn thiện thể chế và tổ chức, thực thi. Tiếng lòng của người dân, của cơ sở đã chạm đến trái tim của những người đại biểu dân cử. Trong bối cảnh đó, với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, từ đó giúp cho ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau đại dịch. Nghị quyết trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19. Sự linh hoạt này đã giúp rút ngắn thời gian và quy trình trong việc tiếp cận các nguồn lực y tế cần thiết, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Quốc hội tỉnh Bình Định) đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 22/10/2024. Ảnh: Hồ Hương
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, đối với Bộ Y tế, đó là những giá trị thực tiễn vô cùng quan trọng, không chỉ giúp giảm tải đối với các cơ sở y tế công lập mà còn khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ y tốt nhất. Có thể nói, Nghị quyết 30/2021/QH15 không chỉ là một biện pháp khẩn cấp cho tình hình dịch Covid-19 mà còn là một cú hích quan trọng thúc đẩy các cải cách sâu rộng trong ngành y tế. Nghị quyết đã thể hiện sự linh hoạt và quyết tâm của Quốc hội trong việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đồng thời là bài học điển hình về cách lập pháp có thể hỗ trợ đắc lực cho các nỗ lực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong những thời điểm khó khăn nhất.
Phân tích về Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, Nghị quyết đã giải quyết kịp thời và quyết liệt, cơ bản những khó khăn về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trong tình trạng cấp bách hiện nay, đặc biệt là tháo gỡ ngay những khó khăn cấp bách để các bệnh viện có thuốc, vật tư, trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp phục vụ người bệnh.
Nhìn nhận về vai trò của Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ: “Bộ Y tế rất trân trọng sự thấu hiểu, sẻ chia và ban hành những quyết sách kịp thời của Quốc hội. Nhờ đó đã giúp ngành y tế có thể tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả, kịp thời và linh hoạt nhất. Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch. Đây là quyết định đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân, chăm lo, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân”.
Ở kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục ban hành Luật Đấu thầu năm 2023. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu. Nhờ đó, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Luật về công tác mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng, gỡ khó cho toàn ngành.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nguyễn Vũ Hữu Quang cho biết, địa phương có khoảng trống 6 tháng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Nhưng nhờ sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan rất kịp thời và sát thực tiễn, nên khi các văn bản liên quan đến đấu thầu, mua sắm vừa mới ra đời đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Hiện, Sở Y tế Đắk Lắk đã xây dựng danh mục khung thuốc đấu thầu trình UBND tỉnh và trước tiên đấu thầu 1 năm cho năm 2025. Sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện những gì còn thiếu sót, tỉnh sẽ tiến hành đấu thầu thuốc tập trung địa phương 2 - 3 năm một lần.
Tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đến nay đạt 80%. Ảnh: Nguyên Hà
Còn tại Ninh Thuận, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Bùi Văn Kỳ, từ khi thực hiện đấu thầu theo hướng dẫn của Luật Đấu thầu, Nghị định và các thông tư của Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế nhìn chung đã thuận lợi hơn. Vấn đề khó khăn hiện nay chủ yếu là do không có nhà thầu tham dự đấu thầu một số mặt hàng, đặc biệt là thuốc gây tê.
Một câu chuyện khác được cho là "nóng" nhất năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến T.Ư là tình trạng hàng loạt máy chụp CT bị “đắp chiếu” do không có vật tư thay thế. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024, các bệnh viện đã mạnh dạn mua sắm phục vụ công tác khám, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh, đồng thời giải quyết vấn đề lãng phí trang thiết bị bỏ không.
Đơn cử, tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận 7.000 - 8.000 bệnh nhân ngoại trú và khoảng hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. PGS.TS Nguyễn Minh Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, trước khi chưa có Luật, Nghị định, Thông tư mới, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm, nay đã “trơn tru”.
“Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đến nay đạt 80%. Khoảng 10 - 20% còn lại không phải vướng mắc nội bộ chủ quan mà do khách quan của chuỗi cung ứng; các mặt hàng trúng thầu đang xin gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc. Đây là những vướng mắc ngoài phạm vi của bệnh viện và Bộ Y tế” - ông Nguyễn Minh Anh cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện đều khẳng định giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Các gói thầu đã có kết quả. Thực tế để triển khai các gói thầu thuốc, vật tư nhằm đạt mục tiêu lớn nhất là bảo đảm cung ứng thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh, mỗi bệnh viện đã có những cách làm khác nhau, từ việc vận dụng nhuần nhuyễn các chính sách cho tới việc thành lập các trung tâm đấu thầu riêng.
“Tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”
Ngoài ra, tại nghị trường Quốc hội, nhiều khó khăn ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được các đại biểu tâm huyết, trăn trở, chia sẻ nỗi lòng của cán bộ ngành y cũng như người dân khi đi khám chữa bệnh. Đại biểu Thái Thu Xương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang từng chỉ ra nguyên nhân của làn sóng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó sự quan tâm chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức họ bỏ ra. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Trước những ý kiến trí tuệ và trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, Quốc hội đã lắng nghe và thấu hiểu sâu sắc. Sau 3 kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung mới trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, những điểm mới tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh giúp cho các cơ sở y tế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Luật Khám bệnh, chữa bệnh trước đó không đáp ứng được nhu cầu về thực tiễn.
Trong thực tiễn của đất nước, Chính phủ đã đầu tư ngày càng nhiều cho việc thực hiện các chính sách xã hội, thông qua việc điều chỉnh các mức hưởng, diện đối tượng hưởng và cả số lượng chính sách.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi
2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn nặng nề, nhưng được sự đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, ngành y tế đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được nâng lên; cơ bản bảo đảm thuốc, vật tư y tế và vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhiều kỹ thuật y học tiên tiến đã được ứng dụng thành công trong thời gian qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với các đề án, nhiệm vụ đã được xác định thì từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã phản ứng mau lẹ, nhạy bén, kịp thời giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề cấp bách của cuộc sống. Có nhiều việc Quốc hội không chờ Chính phủ, các cơ quan trình mà chủ động gợi mở, định hướng và cùng phối hợp xây dựng, trình Quốc hội quyết định ngay, như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù khác với luật, chưa được luật quy định để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hay Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch... Cùng với đó là nhiều kỳ họp bất thường được tổ chức đã tháo gỡ, xử lý ngay các vấn đề cấp bách của cuộc sống.
Bảo đảm ASXH là một trong những chủ trương nhất quán, xuyên suốt, một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững đất nước. Các quyết sách quan trọng của Quốc hội, đều hướng đến nội dung này.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, 2 dự án Luật quan trọng liên quan đến ngành y dự kiến được thông qua, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đây là những dự án Luật thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi chăm sóc sức khỏe - nhu cầu thiết yếu và quan trọng nhất của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội.
Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà nhìn nhận, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến thông qua rất nhiều luật và đây là kỳ họp thông qua nhiều luật nhất trong tất cả các kỳ họp từ trước đến nay. “Trong các dự án luật liên quan đến lĩnh vực ASXH đã có sự thay đổi rất lớn, hướng tới việc bảo đảm chính sách ASXH cho người dân. Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã có những quan điểm rất đổi mới trong công tác lập pháp và nhanh chóng đưa các luật vào đời sống thực tiễn của người dân” - bà Trần Thị Nhị Hà chia sẻ.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng kỳ vọng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này sẽ giúp người dân được đáp ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Đặc biệt, quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được mức hưởng tối đa trong phạm vi cân đối Quỹ BHYT.
Trước đó, sốt sắng với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo đảm ASXH, ngày 12/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trăn trở làm sao để quản lý chất lượng thuốc, để người dân được sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Cho rằng, thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhưng hiện vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách trên.
Đối với Luật BHYT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, BHYT là một cơ chế tài chính y tế, đồng thời là chính sách ASXH, thực hiện theo mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thách thức lớn hiện nay là bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, nâng cao độ phủ của BHYT trong toàn dân đạt được chỉ tiêu đề ra.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 26/10/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, khối lượng công việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tinh thần “Tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”.
“Cử tri và Nhân dân rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội quyết sách những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhờ sự thấu hiểu của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế kịp thời ban hành các luật, Thông tư, Nghị định sát thực tiễn nên khi các văn bản này vừa mới ra đời đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nguyễn Vũ Hữu Quang
(Còn nữa)
Hải Lý - Hồng Thái - Trần Oanh