Bài 3: Những làng nghề cần củng cố để duy trì và phát triển

Bài 3: Những làng nghề cần củng cố để duy trì và phát triển
4 ngày trướcBài gốc
TPHCM có nhiều làng nghề lâu đời, vì vậy việc đưa làng nghề trở thành điểm du lịch và phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đang được xem là giải pháp then chốt. Đây không chỉ là cách bảo tồn bền vững các giá trị truyền thống, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Gắn làng nghề với chương trình OCOP và du lịch giúp giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời mở ra hướng phát triển hiệu quả.
Làng nghề nhang Lê Minh Xuân: Gìn giữ truyền thống gần 100 năm
Cách trung tâm TPHCM hơn 20km, làng nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012. Được xem là làng nghề lâu đời nhất TPHCM và là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất Nam bộ, nơi đây đã gần 100 năm lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời mang lại sinh kế cho hàng trăm hộ dân.
Bánh tráng Phú Hòa Đông có tiềm năng phát triển mạnh khi gắn kết với du lịch
Nghề làm nhang bắt nguồn từ người Hoa di cư đến Việt Nam, từng tập trung tại quận 5, quận 6 với các thương hiệu nổi tiếng như AAA, Lưu Hiệp Thành, Phạm Văn Chí, Trương Kim Thành, Trương Kim Nhung. Trước đây, những hãng này là đầu mối thu mua sản phẩm từ các thợ thủ công, phân phối rộng khắp. Sau năm 1980, do yêu cầu vệ sinh môi trường, hạn chế ô nhiễm khói bụi tại khu dân cư đông đúc, cùng nhu cầu diện tích lớn để phơi nhang, người làm nghề dần chuyển ra vùng ven, dọc hai bên kênh Xáng. Từ đó, làng nhang Lê Minh Xuân hình thành, trải dài từ chùa Thanh Tâm (chùa Phật Cô Đơn) đến khu di tích Láng Le - Bàu Cò, quy tụ hơn 350 hộ sản xuất.
Dù số hộ làm nhang giảm so với trước, nhiều xưởng lớn đã đầu tư máy móc hiện đại, thay thế phương pháp thủ công truyền thống. Sản xuất diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 - những thời điểm nhu cầu nhang tăng cao để phục vụ lễ cúng, tín ngưỡng. Trên các tuyến đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa, những bó nhang nhuộm màu đỏ, vàng rực rỡ như hoa nở, tạo nên khung cảnh đặc trưng mỗi độ xuân về.
Trong văn hóa người Việt, nén nhang thắp lên như nhịp cầu vô hình kết nối với tổ tiên, tiền bối, chư vị - một nét đẹp truyền thống không thể thiếu dịp giỗ chạp, lễ Tết. Nén nhang không chỉ là vật phẩm tín ngưỡng mà còn là biểu tượng của sự gắn kết gia đình, cộng đồng, mang vẻ đẹp gần gũi mà thiêng liêng. Đây là giá trị bản sắc dân tộc đang được gìn giữ qua bao thế hệ. Những người thợ làng nhang Lê Minh Xuân góp phần duy trì nét đẹp này, đặc biệt trong các dịp lễ hội và hoạt động tín ngưỡng, khi nhu cầu nhang tăng vọt để bày tỏ lòng thành kính.
Để làm ra một nén nhang, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn công phu. Bột nhang chủ yếu từ mùn cưa cây bầu dó hoặc lồng mức, được trộn với keo theo công thức bí truyền của từng gia đình, tạo nên các mùi hương đặc trưng như trầm, quế, tùng. Công đoạn trộn bột đòi hỏi kinh nghiệm cao: bột phải mịn, độ ẩm chuẩn để bám chắc tăm nhang, nếu không nhang sẽ cháy không đều hoặc tắt giữa chừng. Trước đây, người thợ nhồi bột bằng tay, đạp bằng chân - một công việc nặng nhọc, mất nhiều giờ. Nay, máy móc đã thay thế, giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo chất lượng đồng đều.
Sau khi nhúng sơn đỏ vào chân nhang và phơi khô, tăm nhang được đưa vào "máy lười" để se bột. Người vận hành máy cần khéo léo, nhanh tay xử lý khi tăm bị nghẽn, đảm bảo dây chuyền hoạt động trơn tru. Nhang sau đó được phơi nắng - công đoạn tưởng đơn giản nhưng đầy thử thách. Trời mưa không thu kịp, nhang rã hỏng; nắng yếu, nhang nhợt màu, kém thẩm mỹ. Mỗi cây nhang là kết tinh của sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, phản ánh tay nghề lâu năm của người dân nơi đây.
Chân nhang sau khi nhuộm màu đỏ rực được phơi dưới nắng, xòe ra thành từng bó tựa những đóa hoa khoe sắc giữa trời xuân
Trải qua bao thăng trầm, người dân Lê Minh Xuân vẫn bám trụ với nghề, dù đô thị hóa khiến quy mô làng nghề dần thu hẹp. Sản xuất nhang trong nước đang đối mặt khó khăn: đầu ra xuất khẩu giảm, cạnh tranh giá khốc liệt, trong khi giá nguyên liệu như mùn cưa, keo tăng cao. Chỉ những ai tâm huyết mới đủ sức vượt qua. Hiện nay, làng nhang trở thành điểm "check-in" độc đáo, thu hút khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm quy trình làm nhang thủ công.
Để bảo tồn và phát triển, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh biến làng nhang thành điểm du lịch văn hóa. Các tour trải nghiệm không chỉ giới thiệu nghề truyền thống mà còn quảng bá ý nghĩa tín ngưỡng của nén nhang. Nhiều hộ sản xuất cũng bắt đầu tham gia Chương trình OCOP, hướng tới chuẩn hóa sản phẩm, mở rộng thị trường. Đây được kỳ vọng là hướng đi bền vững, vừa giữ gìn bản sắc, vừa cải thiện đời sống người dân trong bối cảnh hiện đại hóa.
Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông: Gìn giữ hương vị truyền thống
Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 40km, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) kết hợp hài hòa giữa thủ công truyền thống và máy móc hiện đại, duy trì nhịp độ phát triển bền vững hơn 100 năm qua. Với vị trí đặc biệt, nơi đây không chỉ là cái nôi của nghề tráng bánh mà còn là một biểu tượng văn hóa của vùng đất thép Củ Chi.
Làng nghề bánh tráng hình thành nhờ lợi thế địa lý: ba mặt giáp sông Sài Gòn, nguồn nước ngọt dồi dào và hơn 700ha lúa nước, sản xuất 1-3 vụ mỗi năm, tạo sản lượng gạo dư thừa. Ban đầu, người dân tận dụng gạo làm bánh tráng để dùng trong gia đình, phần dư mang bán ở chợ nhỏ lân cận và các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương. Nhờ đặc tính dễ dùng, bảo quản lâu, bánh tráng nhanh chóng được ưa chuộng, giúp tăng giá trị hạt gạo và mang lại thu nhập ổn định, vượt trội hơn các ngành nghề khác. Từ thập niên 1960, nghề lan rộng khắp xã; cao điểm 1970-1975, 75% hộ dân tham gia tráng bánh, biến Phú Hòa Đông thành trung tâm sản xuất sôi động.
Năm 2003, UBND TPHCM phê duyệt đề án khôi phục làng nghề theo Quyết định 2988-QĐ/UBND ngày 4/8/2003. Đề án tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến năm 2008, Liên minh Hợp tác xã TP, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương cùng nhiều đơn vị khác phối hợp quảng bá thương hiệu, tổ chức hội chợ, kết nối doanh nghiệp, mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, bánh tráng Phú Hòa Đông dần khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Tráng bánh truyền thống là một nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo. Bột gạo pha với nước, muối theo tỷ lệ chuẩn, được múc bằng gáo đổ lên vải căng trên nồi nước sôi. Người thợ dùng gáo dừa trải mỏng bột thành hình tròn, động tác phải nhanh, chính xác trong vài giây, nếu không bánh sẽ co dúm, mất hình. Bánh chín nhờ hơi nước từ nhiên liệu như trấu, mùn cưa, vỏ dừa - cách làm đặc biệt không dùng lửa trực tiếp. Sau đó, bánh được gỡ bằng ống tre, trải lên liếp tre và phơi nắng. Dù lợi nhuận không cao, phương pháp này vẫn giữ nét đặc trưng Củ Chi, thu hút du khách muốn khám phá quy trình truyền thống.
Ngược lại, các lò hiện đại đầu tư hàng tỷ đồng vào dây chuyền khép kín, sản xuất 400-500kg bánh mỗi ngày, tăng gấp đôi vào dịp Tết hay lễ hội. Máy móc giúp đảm bảo vệ sinh, nâng cao năng suất, tạo ra bánh đa dạng kích cỡ theo yêu cầu khách hàng. Công đoạn phơi bánh cũng được thay bằng máy sấy, loại bỏ phụ thuộc vào thời tiết - một hạn chế lớn của cách làm thủ công. Hiện Phú Hòa Đông có 100 lò bánh, phần lớn dùng máy, cho ra 40 tấn bánh/ngày, trong đó 2/3 xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Dù thủ công hay hiện đại, bánh tráng nơi đây không dùng phụ gia, giữ được hương vị gạo nguyên bản, đậm chất quê.
Làng nghề không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn gìn giữ thương hiệu và bản sắc địa phương. Là một trong 6 làng nghề truyền thống tham gia Chương trình OCOP của TPHCM, Phú Hòa Đông giải quyết việc làm cho 5.000-6.000 lao động, với thu nhập cao gấp 1,4-3,6 lần so với làm nông nghiệp thuần túy. Sự vất vả của người thợ - từ tay nghề thủ công đến vận hành máy móc - đã tạo nên chiếc bánh tráng độc đáo, góp phần bảo tồn di sản văn hóa Củ Chi.
Để phát triển, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh đưa làng nghề vào các tour du lịch trải nghiệm. Du khách không chỉ được xem tráng bánh mà còn tự tay thử sức, tìm hiểu câu chuyện hơn 100 năm của nghề. Nhiều hộ sản xuất cũng tham gia OCOP, chuẩn hóa sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, làng nghề đối mặt thách thức từ giá nguyên liệu tăng, cạnh tranh với bánh tráng giá rẻ từ nơi khác. Dù vậy, với sự hỗ trợ từ chính sách và tâm huyết của người dân, Phú Hòa Đông vẫn giữ vững vị thế, vừa bảo tồn truyền thống, vừa thích nghi thời đại.
DUY LUÂN - PHONG ANH - HỮU ĐỨC
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/doi-song/tphcm-hien-dai-van-minh-nghia-tinh/bai-3-nhung-lang-nghe-can-cung-co-de-duy-tri-va-phat-trien_175795.html