Chính sách đối với Trung Quốc mạnh mẽ và khó đoán
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Harrisburg, Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: AA/TTXVN
Theo tổ chức Crisis Group, chính quyền Trump (2017 - 2021) đã để lại tác động lâu dài đối với chính sách và quan điểm của Mỹ về Trung Quốc. Cần phải đánh giá di sản để cân nhắc xem nếu ông Trump giành được một nhiệm kỳ thứ hai thì chính sách của ông với Trung Quốc sẽ như thế nào.
Dựa trên thông tin sau 4 năm làm tổng thống của ông Trump và các sự kiện diễn ra kể từ khi ông Trump rời nhiệm sở, cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump thứ hai có khả năng sẽ dựa trên hai trụ cột chính: thương mại và giao dịch.
Khi vào Nhà Trắng vào năm 2017 với quan điểm “Nước Mỹ trên hết”, chính quyền của ông Trump đã nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc với tâm lý bất an và cho rằng các chính quyền trước đó đã sai lầm trong chính sách về Trung Quốc.
Một loạt tài liệu của chính quyền Donald Trump, bao gồm Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng năm 2018, mô tả Trung Quốc bằng những thuật ngữ rõ ràng mang tính đối đầu. Các tài liệu này cũng xem sự phụ thuộc kinh tế giữa hai nước không phải là yếu tố giúp duy trì quan hệ ổn định mà là một nguồn gây mất ổn định chiến lược, phản ánh quan điểm của ông Trump rằng thâm hụt thương mại giữa hai nước từ lâu đã là điều không thể chấp nhận.
Chính quyền của ông Trump đã thực hiện một số hành động phản ánh cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc. Đáng chú ý nhất, có lẽ là việc áp đặt một loạt thuế quan vào năm 2018 lên gần 13% giá trị tổng nhập khẩu của Mỹ năm 2017. Tác động của việc này là thiết lập lại các mối quan hệ kinh tế song phương.
Chính quyền Mỹ thời đó cũng nỗ lực chống ảnh hưởng của Trung Quốc ở các lĩnh vực khác. Họ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei, phát động sáng kiến Mạng lưới Sạch nhằm loại bỏ phần cứng và phần mềm Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng tại Mỹ và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng ngoại giao của Washington.
Nếu ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, có thể chính quyền nước này sẽ tiếp tục hoặc gia tăng thuế quan và biện pháp hạn chế. Mục tiêu của ông Trump sẽ là buộc Trung Quốc phải nhượng bộ bằng cách áp dụng thêm thuế quan cao hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế khác. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại mạnh mẽ hơn, gia tăng chi phí cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Theo trang dw.com, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất kế hoạch áp thuế đồng loạt từ 10% đến 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, cũng như thuế từ 60% trở lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông cho rằng các biện pháp này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ.
Ông Diao Daming, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định: “Nếu ông Trump quay lại nắm quyền, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp nối của chương trình nghị sự của ông Biden nhưng với phong cách và nhịp độ của ông Trump. Đó sẽ là một tình huống rất phức tạp”.
Mỹ có thể sẽ tiếp tục tách rời chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh này, ông Trump có thể khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển khỏi Trung Quốc, thậm chí đưa sản xuất quay trở lại Mỹ. Chính quyền của ông có thể có các chính sách ưu đãi thuế và tài chính để hỗ trợ các công ty trong quá trình chuyển đổi này.
Ông Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh quốc gia trong các quyết định kinh tế và nếu đắc cử, ông có khả năng sẽ tiếp tục hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ làm suy giảm khả năng phát triển công nghệ của Trung Quốc và có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc.
Trên hết, ông Trump vốn là một lãnh đạo khó đoán, không chỉ vì ông từng có nhiều quan điểm mâu thuẫn về mối quan hệ của mình với Chủ tịch Tập Cận Bình hay mạng xã hội TikTok, mà còn vì các cố vấn của ông cũng có quan điểm khác nhau về cách nhận định, xử lý thách thức mà Bắc Kinh đặt ra. Với đội ngũ cố vấn đa dạng như vậy, việc ông Trump đôi khi quyết định độc lập sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hướng chính sách của ông đối với Trung Quốc.
Tính thực dụng từ phía đảng Dân chủ
Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris trong chiến dịch vận động bầu cử ở Charlotte, Bắc Carolina, ngày 12/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, nếu bà Harris đắc cử Tổng thống Mỹ, chính sách của bà đối với Trung Quốc có khả năng sẽ dựa trên quá trình trưởng thành, nền tảng pháp lý và kinh nghiệm đối phó với các vấn đề chính sách đối ngoại khi là thượng nghị sĩ và phó tổng thống. Tuy nhiên, bà không chỉ nhìn Trung Quốc qua lăng kính tiêu cực và đối đầu, mà còn cho rằng ngay cả khi Mỹ bất đồng với Trung Quốc về nhiều vấn đề, thì hai cường quốc hàng đầu thế giới vẫn nên theo đuổi các cơ hội hợp tác.
Bà Harris đã tóm tắt quan điểm của mình về Trung Quốc một cách ngắn gọn nhất trong phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2024, giải thích rằng: “Washington sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh khi cần thiết và cũng phối hợp khi điều đó phục vụ lợi ích của chúng tôi”.
Là Phó Tổng thống, bà Harris đã giúp thực hiện chiến lược ba phần của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc, được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phác thảo vào năm 2022: “Chúng tôi sẽ đầu tư vào các nền tảng sức mạnh của mình tại quê nhà là cạnh tranh, đổi mới và dân chủ. Chúng tôi sẽ điều chỉnh các nỗ lực của mình với mạng lưới các đồng minh và đối tác, hành động với mục đích chung và vì mục đích chung. Và tận dụng các tài sản chính này, chúng tôi sẽ cạnh tranh với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích và xây dựng tầm nhìn cho tương lai”.
Chiến lược này giống chính quyền của ông Trump ở chỗ coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược hàng đầu của Washington, nhưng khác ở chỗ là bác bỏ quan điểm “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump ủng hộ.
Nếu bà Harris trở thành tổng thống, bà cũng sẽ duy trì các chính sách được áp dụng dưới thời chính quyền ông Biden, bao gồm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn quan trọng.
Tuy nhiên, bà có thể lựa chọn một cách tiếp cận đa phương hơn ông Trump, tập trung vào hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như châu Âu. Thay vì trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, bà Harris có thể củng cố, thiết lập các liên minh để tạo áp lực với Trung Quốc. Các đồng minh sẽ cùng nhau tạo ra một “mặt trận thống nhất” nhằm đối phó với Trung Quốc về thương mại và bảo mật công nghệ.
Dưới thời bà Harris, Mỹ có thể tìm kiếm các giải pháp thương lượng để ổn định mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Bà có thể cố gắng đàm phán các thỏa thuận mới để đạt được các tiêu chuẩn thương mại công bằng, nhưng sẽ yêu cầu Trung Quốc cải cách thị trường nội địa và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Về công nghệ, bà Harris có thể tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc, đặc biệt trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Nói tóm lại, nếu thắng cử, ông Trump sẽ theo đuổi phương châm dùng thuế quan để đối phó với Trung Quốc, còn nếu trở thành tổng thống, bà Harris dường như không có xu hướng chấm dứt xung đột Mỹ - Trung. Do đó, sau cuộc bầu cử 2024, quan hệ Mỹ - Trung có thể tiếp tục căng thẳng trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Mỹ nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách độc lập và củng cố các quy định về thương mại, công nghệ và an ninh để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tìm cách phát triển các công nghệ nội địa và giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ, thúc đẩy mục tiêu tự cường kinh tế và công nghệ.
Thùy Dương/Báo Tin tức