Bài 4: 'Bí quyết' chống lãng phí, quản lý tài nguyên hiệu quả từ các nước

Bài 4: 'Bí quyết' chống lãng phí, quản lý tài nguyên hiệu quả từ các nước
một ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, áp dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh giáo dục cộng đồng đã giúp các quốc gia phát triển chứng minh rằng, tiết kiệm và quản lý hiệu quả tài nguyên không chỉ là giải pháp mang lại lợi ích kinh tế mà còn là một trách nhiệm xã hội quan trọng.
Hàn Quốc - đánh phí theo lượng rác thải
Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm trong thời gian gần đây. Từ năm 2005, quốc gia này đã coi việc đưa rác thải thực phẩm vào các bãi chôn lấp là hành vi bất hợp pháp. Đến năm 2013, Hàn Quốc áp dụng chương trình tái chế rác thải thực phẩm bắt buộc, yêu cầu các hộ gia đình phân loại rác thải thực phẩm riêng biệt và bỏ vào các thùng rác được quy định. Rác thải sau đó được thu gom và tái chế thành phân bón, khí sinh học, hoặc thậm chí thức ăn chăn nuôi. Theo tờ The Washington Post, khoảng 98% rác thải thực phẩm ở Hàn Quốc đã được tái chế.
Một trong những chính sách nổi bật nhất trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm tại Hàn Quốc là hệ thống "trả phí theo lượng rác thải" (pay-as-you-throw). Người dân phải phân loại rác thải thực phẩm và bỏ vào thùng rác tập trung, đồng thời trả phí dựa trên số kg rác thải bỏ đi. Chính sách này không chỉ giúp giám sát lượng rác mà còn khuyến khích tiết kiệm và giảm thiểu lãng phí.
Ngoài ra, khi vứt rác, người dân phải sử dụng túi chuyên dụng được mua riêng với giá từ 300 KRW đến 480 KRW (tương đương 5.200 - 8.300 đồng). Quy định này tạo thêm động lực để người dân giảm lượng rác thải thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả hơn.
Phần Lan áp dụng thành công lộ trình kinh tế tuần hoàn cấp quốc gia
Phần Lan là quốc gia tiên phong trên thế giới áp dụng lộ trình kinh tế tuần hoàn cấp quốc gia vào năm 2016. Theo định nghĩa của Nghị viện châu Âu, kinh tế tuần hoàn là một mô hình sản xuất và tiêu thụ bao gồm các hoạt động như chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế các vật liệu và sản phẩm hiện có nhằm kéo dài vòng đời của chúng, từ đó tạo ra giá trị gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc giảm thiểu chất thải đến mức thấp nhất. Khi sản phẩm đạt cuối vòng đời, các vật liệu vẫn được giữ lại trong nền kinh tế thông qua việc tái chế.
Sau khi công bố lộ trình, chính phủ Phần Lan đã đưa ra kế hoạch chuyển đổi sang "xã hội kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon" vào năm 2035. Mục tiêu của kế hoạch là giữ mức tiêu thụ nguyên liệu thô sơ cấp như năm 2015 (khoảng 217 triệu tấn), đồng thời tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng tài nguyên và tỷ lệ tuần hoàn nguyên liệu. Theo các chuyên gia, hai mục tiêu quan trọng này - đạt trung hòa carbon và thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên - có sự gắn kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Đạo Luật phát triển bền vững giúp Singapore cải thiện hiệu quả năng lượng
Singapore là một hình mẫu tiêu biểu trong quản lý hiệu quả nguồn lực, dù có diện tích nhỏ nhưng đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Đạo luật Phát triển Bền vững, được ban hành vào tháng 4/2009, đóng vai trò như một lộ trình chi tiết cho các nỗ lực phát triển bền vững của quốc gia này đến năm 2030.
Đạo luật này đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể về sử dụng năng lượng, nước và đất đai. Singapore đặt mục tiêu cải thiện hiệu quả năng lượng thêm 35% so với năm 2005 và giảm mức tiêu thụ nước xuống còn 140 lít/ngày/người vào năm 2030. Ngoài ra, quốc gia này cam kết cung cấp 0,8ha không gian xanh cho mỗi 1.000 cư dân, đồng thời mở rộng 900ha hồ chứa và 100km sông nước để phục vụ giải trí và sinh hoạt cộng đồng.
Đẩy mạnh đầu tư và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường là một trong những trọng tâm chính của đạo luật. Các doanh nghiệp và tổ chức tại Singapore được yêu cầu báo cáo định kỳ về mức tiêu thụ tài nguyên và lập kế hoạch sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, các hành vi vi phạm quy định có thể bị phạt đến 1 triệu đô la Singapore, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Nhật Bản thành công với mô hình "Zero Waste" và văn hóa "Mottainai"
Nhật Bản, nổi tiếng với văn hóa tiết kiệm và chống lãng phí, đã ban hành Luật Tái chế Cơ bản vào năm 2000, đặt nền móng cho việc xây dựng một xã hội tuần hoàn hiệu quả. Đây cũng là tiền đề cho mô hình "Zero Waste" (Không rác thải), hướng đến lối sống không xả rác ra môi trường thông qua các hoạt động tái chế, tái sử dụng, và tiết giảm. Mô hình này được áp dụng đầu tiên tại thị trấn Kamikatsu, nơi đặt mục tiêu tái chế và tái sử dụng 100% rác thải vào năm 2020, trở thành biểu tượng của sự tiên phong trong lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ mô hình "Zero Waste", Kamikatsu thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc 3R (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế). Người dân được khuyến khích phân loại rác thành 45 loại khác nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế và tái sử dụng. Thị trấn cũng xây dựng trung tâm tái chế để xử lý rác thải và tổ chức các khóa học nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc giảm thiểu rác thải. Đồng thời, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cũng được vận động tham gia tích cực vào việc tái chế và sử dụng lại các vật liệu cũ.
Không chỉ dừng lại ở rác thải, Nhật Bản còn ban hành Đạo luật Thúc đẩy giảm thiểu thất thoát và lãng phí thực phẩm vào năm 2001. Đạo luật này yêu cầu các doanh nghiệp và cơ quan thực hiện các biện pháp giảm thiểu thực phẩm thải bỏ, đồng thời phải nộp báo cáo định kỳ về vấn đề này.
Thành công trong việc chống lãng phí của Nhật Bản còn gắn liền với văn hóa “mottainai” – một triết lý tôn trọng giá trị của mọi vật phẩm. Khi người dùng biết quý trọng sản phẩm, họ sẽ không có lý do để lãng phí, qua đó góp phần xây dựng một xã hội bền vững hơn.
Năm 2022, các hộ gia đình và doanh nghiệp Nhật Bản từng trải qua 3 tháng tiết kiệm điện khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục - nhiều nơi chạm mốc 40 độ C.
Tuy nhiên, lo sợ các vấn đề sức khỏe do sốc nhiệt, giới chức Nhật Bản khuyến cáo người dân tiếp tục sử dụng máy lạnh, còn phần tiết kiệm điện được thực hiện thông qua các biện pháp khác như tắt bớt đèn không cần thiết. Các biện pháp này được khuyến khích thực hiện từ 17 đến 20 giờ mỗi ngày, thời điểm sản lượng điện mặt trời giảm. Chính phủ cũng triển khai hệ thống tính điểm, nếu hộ gia đình nào tham gia tiết kiệm điện sẽ được thưởng 2.000 yen (tương đương 323.000 đồng).
Nhật Lê (tổng hợp)
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/bai-4-bi-quyet-chong-lang-phi-quan-ly-tai-nguyen-hieu-qua-tu-cac-nuoc-post536950.html