Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947: Chiến dịch phản công đầu tiên
Ngày 7/10/1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn mở đầu cuộc tiến công Việt Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành cuộc phản công chiến lược trên toàn chiến trường Việt Bắc. Ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Bộ tổng chỉ huy quyết định tập trung lực lượng đánh địch trên 3 mặt trận: “Đánh mạnh ở mặt trận Sông Lô; đường số 4 và đường số 3 nhằm phá vận tải tiếp tế địch, phục kích các đường rừng, đánh đường sông; tại những căn cứ của địch luôn quấy rối, với những vị trí nhỏ thì bao vây tiêu diệt để phối hợp với Việt Bắc”. Quân đội ta sử dụng các trung đoàn 147, 165 (chủ lực Bộ); 72, 74, 121 (Khu 1); 11, 36; 59; 98 (Khu 12); 1 tiểu đoàn pháo binh và Trung đoàn Sông Lô (Khu 10); 5 tiểu đoàn độc lập của Bộ, Khu 1 và Khu 12, các đơn vị binh chủng và du kích trên địa bàn chiến dịch. Chiến khu do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng.
Sáng sớm 16/9/1950, từ vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông (cách Đông Khê 11 km đường chim bay), Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. (Ảnh tư liệu)
Trải qua 75 ngày đêm chiến đấu (từ 7/10 - 20/12/1947), chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 của địch đã bị đập tan. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã đánh bại cuộc hành quân lớn của Pháp lên Việt Bắc, bảo vệ căn cứ địa và cơ quan đầu não kháng chiến.
Nói về thắng lợi có ý nghĩa chiến lược ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Chỉ huy, sự dũng cảm của tướng sỹ Vệ quốc quân và dân quân du kích, nhờ sự hăng hái của toàn thể đồng bào, mà ta đã đánh tan cuộc tấn công vào Việt Bắc của thực dân Pháp”.
Đặc biệt, qua chiến dịch, Quân đội nhân dân Việt Nam có bước phát triển về hình thức chiến thuật và phương thức tổ chức lực lượng, tích lũy kinh nghiệm về “du kích chiến”, “vận động chiến”, đặc biệt là phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Đặc biệt, đây cũng là chiến dịch phản công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch “Tiến công trong phản công trên địa bàn rừng núi”, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950 (Ảnh: hochiminh.vn)
Chiến dịch Biên giới: Chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên
Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược có sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cách mạng còn gặp nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt - Trung nhằm mục đích: “Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường thông thường với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”.
Tháng 7 năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục họp bàn, quyết định chọn hướng tiến công chính ở Đông Bắc (trọng điểm là Cao Bằng - Lạng Sơn). Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng nhiều đơn vị mạnh tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174 và bốn đại đội sơn pháo, năm đại đội công binh; phối hợp cùng lực lượng vũ trang của Liên khu Việt Bắc và hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.
Bộ chỉ huy Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947 báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch tác chiến, bố trí lực lượng trong chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới (mật danh Lê Hồng Phong II). Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định sẽ trực tiếp đi mặt trận tham gia chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào.
Sáng sớm ngày 16/9/1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch và đến ngày 14/10/1950, Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiến dịch Biên giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến dịch là bước tiến nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch. Lần đầu tiên ta mở một chiến dịch quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng với lực lượng gần ba vạn cán bộ, chiến sĩ, huy động hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài hàng trăm ki-lô-mét, đánh liên tục cả tháng. Qua đó, chứng tỏ trình độ chỉ huy và trình độ chiến thuật, kỹ thuật của bộ đội ta có bước trưởng thành vượt bậc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh: TL
Chiến dịch Tây Bắc 1952: Nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật phát triển một bước mới
Tháng 4/1952, trên cơ sở phân tích và so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, căn cứ vào đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Ngày 9/9/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng chiến dịch.
Cán bộ Mặt trận sông Lô nghiên cứu kế hoạch đánh địch tiến công lên Việt Bắc-Thu Đông 1947. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Chiến dịch diễn ra ba đợt (từ ngày 14/10 đến 10/12/1952). Chiến dịch Tây Bắc đã kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc tiếp tục khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta. Trong đó nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật đã phát triển lên một bước mới, thể hiện những nét đặc sắc về chủ động mở hướng tiến công địch trên địa bàn rừng núi và xác định đúng mục đích chiến dịch; thực hiện thành công phương châm “đánh điểm, diệt viện” biết tập trung ưu thế binh, hỏa lực trong những trận then chốt, phá vỡ khu vực phòng ngự mạnh của địch; công tác nghi binh, kết thúc chiến dịch đúng đắn, linh hoạt, kịp thời.
Hà Anh