Bài 4: Những 'chốt chặn' bình yên trước 'giặc lửa'

Bài 4: Những 'chốt chặn' bình yên trước 'giặc lửa'
6 giờ trướcBài gốc
Công an cơ sở luôn gần gũi với nhân dân
Vừa thấy bóng dáng đồng chí Cảnh sát khu vực Công an phường Liễu Giai, bà Nguyễn Thu Hải, chủ quán giải khát đầu phố Quần Ngựa gọi: “Con ơi, vào uống cốc nước mát đã”. Mồ hôi mướt mải, đón cốc nước mát trên tay bà Hải, Thiếu tá Thái Quang Chiến, cán bộ Cảnh sát khu vực CAP Liễu Giai vui vẻ cảm ơn và cho biết anh vừa đi tuyên truyền đảm bảo an toàn PCCC cho cán bộ khu dân cư.
Tuyên truyền để người dân hiểu về phòng cháy, chữa cháy chính là bí quyết thực hiện nhiệm vụ trong suốt hơn 4 năm qua của lực lượng công an cơ sở
Câu chuyện về cách thoát nạn khi có cháy xảy ra tại buổi tuyên truyền được người cán bộ Cảnh sát khu vực trẻ thuật lại cho bà Hải cùng các vị khách đang ngồi tại quán. Hai tiếng “u - con” là cách xưng hô thân mật của người Cảnh sát khu vực với bà chủ quán giải khát cùng lối dẫn dắt câu chuyện rất đời thường khiến bầu không khí tại quán rất vui vẻ, chẳng chút nào xa cách. Câu chuyện càng đẩy lên cao trào khi Thiếu tá Thái Quang Chiến mô tả lại những tình huống dở khóc - dở cười khi các học viên thực tập sử dụng thiết bị chữa cháy. Những tiếng cười xen lẫn lời góp ý của bà chủ và khách trong quán giải khát làm xôn xao cả góc phố.
Chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô về nhiệm vụ của mình, Thiếu tá Thái Quang Chiến kể bản thân anh nguyên là một người chiến sỹ Cảnh sát PCCC. Đi nghĩa vụ 3 năm tại Trường Trung cấp Cảnh sát PCCC và CNCH đến khi ra trường anh được phân công công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội. Vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong 4 năm công tác tại đây đã giúp anh bắt nhịp nhanh khi nhận nhiệm vụ làm Cảnh sát khu vực Công an phường Liễu Giai. Vốn kiến thức này càng phát huy hiệu quả khi năm 2021, Nghị định 136/CP của Chính phủ quy định phân cấp, phân quyền trực tiếp cho cấp xã chịu trách nhiệm quản lý an ninh, trật tự về PCCC đối với cấp cơ sở...
Kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở kinh doanh
“Phải nói, đây là mảng việc hết sức quan trọng và hoàn toàn mới mẻ với đại đa số lực lượng Công an cấp xã bởi tính chất đặc thù chuyên ngành. Thời gian tới đây, khi chủ trương sáp nhập các xã, phường được triển khai, nhiệm vụ ấy đặt lên vai Công an cơ sở càng nặng nề” - Thiếu tá Thái Quang Chiến nhìn nhận và chia sẻ anh có lợi thế từng là chiến sĩ Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp nên đã vượt qua được khó khăn ban đầu, nhanh chóng bắt nhịp vào nhiệm vụ và huy động được sức mạnh từ trong dân bằng tình cảm chân thành của mình bản thân.
Phường Liễu Giai là địa bàn được đánh giá làm tốt công tác tuyên truyền, huy động đông đảo nhân dân tham gia với “cuộc chiến” chống “giặc lửa” bởi ý thức tự phòng, tự quản của người dân rất cao. Do vậy, đa phần các vụ cháy xảy ra trên địa bàn phường đều được xử lý ngay từ khi mới phát sinh và chưa có sự cố cháy nào gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để có được kết quả đó, theo Trung tá Phạm Vũ Quang, Trưởng Công an phường Liễu Giai, công tác tuyên truyền rất quan trọng, là yếu tố cốt lõi tạo thành công và giúp người dân tin, hiểu, ủng hộ lực lượng Công an cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC.
Điều này cũng thể hiện sự gần gũi từ chính cán bộ, chiến sĩ công an của đơn vị với nhân dân sống trên địa bàn, nhất là sự nỗ lực rất lớn từ phía cán bộ Cảnh sát khu vực, những người gần dân, sát dân nhất. “Những năm qua, tại Công an phường Liễu Giai luôn duy trì các nhóm Zalo để trao đổi trực tiếp với người dân, kịp thời giải đáp các thắc mắc của nhân dân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ có lĩnh vực PCCC, bất kể vướng mắc nào của người dân gửi lên nhóm đều được Cảnh sát khu vực, hoặc chỉ huy Công an phường và cán bộ UBND phường nhanh chóng giải đáp. Những nhóm Zalo đó mang tính xây dựng như một cộng đồng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ở đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phường đều tỏ ra thân thiện và gần gũi với nhân dân” - Trung tá Phạm Vũ Quang chia sẻ kinh nghiệm.
Lực lượng công an tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cho toàn thể các hộ kinh doanh trên địa bàn
Thực tế trên địa bàn phường Liễu Giai có rất nhiều loại hình cơ sở từ trụ sở cơ quan Nhà nước, khu chung cư, cơ sở vừa ở vừa kết hợp kinh doanh… Có nhiều cơ sở không thuộc danh mục cấp xã, phường quản lý theo Nghị định 136/CP. Tuy nhiên, đối với Thiếu tá Thái Quang Chiến, “kim chỉ nam” trong thực hiện nhiệm vụ của anh và đồng đội là không phân biệt cơ sở. “Mặc dù các cơ sở không thuộc phân cấp quản lý của Công an phường, nhưng với trọng trách địa bàn, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở, đi sâu tuyên truyền để chủ cơ sở nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC. Chỉ khi các cơ sở được an toàn, thì chúng tôi mới yên tâm” - Thiếu tá Thái Quang Chiến nói.
Những bước đầu chông gai
Khác với địa bàn nội thành như phường Liễu Giai, là Cảnh sát phụ trách xã ngoại thành, Thiếu úy Nguyễn Phan Duy Linh, Cảnh sát phụ trách xã thuộc Công an xã Tân Lập, huyện Đan Phượng lại có những khó khăn riêng. Từ khi ra trường, Thiếu úy Duy Linh về công tác tại xã Tân Lập. Vừa đúng lúc đó lực lượng Công an cấp xã tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC. Ngay khi nhận nhiệm vụ, Thiếu úy Duy Linh với bầu nhiệt huyết và sức trẻ đã luôn hoàn thành tốt công việc.
Thiếu úy Duy Linh tâm sự: “Công an xã phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và thường xuyên có những nhiệm vụ đột xuất, phối hợp với các lực lượng, cơ quan khác…, nhưng với sự nỗ lực của bản thân và được đồng đội tận tình chỉ bảo, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng hoàn thiện kiến thức, trau dồi bản thân để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Lực lượng chức năng hướng dẫn cơ sở kinh doanh sử dụng bình chữa cháy
Chia sẻ về đoạn đường khó khăn vừa qua, Thiếu úy Duy Linh tự hào cho biết, anh may mắn được công tác tại đơn vị Công an xã có tinh thần đoàn kết, các đồng chí chỉ huy Công an xã đều có trình độ, nghiệp vụ cao. Mặc dù công tác PCCC là một công tác mới và rất đặc thù, trong khi đó, đa phần lực lượng Công an xã đều không được học chuyên ngành, chuyên sâu về công tác PCCC. Đa phần các chiến sĩ Công an xã thường học về chuyên ngành công tác quản lý hành chính, điều tra, trinh sát phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực PCCC trách nhiệm quản lý rất nặng nề, khối lượng văn bản, quy định rất mới và nhiều, liên tục có thêm những quy định theo xu hướng phát triển của xã hội. Do vậy, để bắt nhịp được với công việc, cũng như đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ Công an xã phải thường xuyên học hỏi, nghiên cứu các văn bản pháp luật để nâng cao trình độ chuyên môn về công tác PCCC, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các lớp cán bộ đi trước…
Tiếp lời Thiếu úy Duy Linh, Thiếu tá Nguyễn Danh Thuận, Phó trưởng Công an xã Tân Lập chia sẻ, anh cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về PCCC, không chỉ tập huấn cho người dân, mà chính cán bộ làm công tác quản lý PCCC cũng phải tập huấn để đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu công việc. “Nhà nước quy định rất nhiều nội dung về PCCC mang tính đặc thù. Do vậy, để người dân chấp hành tốt quy định an toàn PCCC, cán bộ chiến sĩ phải thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật các quy định mới để hướng dẫn người dân biết và chấp hành” - Thiếu tá Nguyễn Danh Thuận cho biết thêm.
Trên địa bàn xã Tân Lập có hơn 400 cơ sở cần quản lý về PCCC. Khi mới về quản lý, các cơ sở còn tồn tại rất nhiều vấn đề như chưa được tập huấn về PCCC, chưa trang bị các thiết bị cơ bản PCCC… “Khi mới về, lực lượng Công an xã còn rất mỏng, trong khi đó ngoài công tác PCCC còn phải đảm nhiệm các nhiệm vụ khác như đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, nghiệp vụ cơ bản, quản lý hành chính, nên ban đầu cán bộ chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ” - Thiếu tá Nguyễn Danh Thuận chia sẻ.
Với chức năng nhiệm vụ là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chủ tịch UBND xã quản lý về PCCC trên địa bàn, ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ, lực lượng Công an xã Tân Lập đã tham mưu UBND xã điều tra cơ bản về các cơ sở liên quan đến công tác quản lý về PCCC. Sau đó, Công an xã đã tham mưu, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về PCCC cho toàn thể các cơ quan doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn, đồng thời tăng cường giám sát, quản lý các cơ sở để nâng cao ý thức đảm bảo an toàn PCCC cho nhân dân, tạo nề nếp như một thói quen hàng ngày.
Là xã có làng nghề, nhiều cơ sở vừa ở, vừa kết hợp sản xuất kinh doanh và có khu đô thị trên địa bàn nên khối lượng công việc về quản lý PCCC rất lớn. Bằng sự nỗ lực, sâu sát của lực lượng Công an xã, ý thức người dân tại xã Tân Lập về công tác PCCC ngày một nâng lên. Các mô hình về PCCC triển khai đều được nhân dân ghi nhận, hưởng ứng, thậm chí tại các khu vực làng nghề, chủ các cơ sở kinh doanh còn tự đóng góp tiền, mua sắm các thiết bị chữa cháy, xây bể chứa nước và trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy dưới sự hướng dẫn của Công an xã phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chuyên nghiệp.
“Mưa dầm thấm lâu”
Sau hơn 4 năm triển khai Nghị định 136/CP, những “chốt chặn” bình yên trước “giặc lửa” tại các địa bàn cơ sở được thành lập và đang hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Để thực hiện được yêu cầu và quyết tâm ấy phải kể đến những nỗ lực không thể đo đếm của lực lượng Công an cơ sở bằng những giải pháp căn cơ, bài bản và nhất là đã huy động được sự vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân.
Khi được hỏi về bí quyết để có những “thành trì” vững chắc trong công tác PCCC từ nhân dân, Thiếu tá Thái Quang Chiến cho biết đó là cả quá trình gây dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền là cả một quá trình, phải thường xuyên liên tục và có sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể địa phương, các tổ dân phố… Phải biến tuyên truyền là những buổi nói chuyện thân mật với những câu chuyện hàng ngày của các thành viên trong một gia đình, chứ không mang tính thúc ép, khiên cưỡng.
Cứ vậy, từ những câu chuyện nhỏ đời thường đến những vụ hỏa hoạn, rồi đến những cách thức thoát nạn… dần dần bén sâu vào tiềm thức người dân, giúp họ hiểu và nhận thức rõ công tác PCCC rất quan trọng. “Mưa dầm thấm lâu” - đó là cách tuyên truyền của chúng tôi và từ những buổi nói chuyện như vậy đã có sức truyền tải cao hơn trong nhân dân về công tác PCCC. Một người nhận thức được sẽ tuyên truyền đến nhiều người khác” - Thiếu tá Thái Quang Chiến chia sẻ kinh nghiệm.
Còn đối với Thiếu tá Nguyễn Danh Thuận, cách để người dân dễ hiểu, dễ “thấm” nhất đó là cho người dân thấy được hậu quả thật từ những hành vi lơ là trong công tác PCCC. “Chỉ khi mình tuyên truyền thật, dẫn chứng thật về hậu quả các vụ cháy gây ra thì người dân mới cảnh giác đề phòng hỏa hoạn” - Thiếu tá Nguyễn Danh Thuận cho hay.
Nhắc đến sự thay đổi về địa giới hành chính sắp tới, chiến sĩ trẻ Nguyễn Phan Duy Linh khẳng định sẽ đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. “Đâu cũng là nhà, là quê hương, là nhân dân của mình, nên tôi luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mình đang theo đuổi” - Thiếu úy Nguyễn Phan Duy Linh chia sẻ và cho rằng sáp nhập địa giới hành chính thì lực lượng Công an xã sẽ phải chủ động hơn trong công tác PCCC, quản lý địa bàn và các mặt công tác đảm bảo an ninh, trật tự khác…
Đối với lực lượng Cảnh sát khu vực hay Công an phụ trách xã, mảng quản lý nhân hộ khẩu là công việc, nhiệm vụ hàng ngày và dù được giao bất cứ nhiệm vụ nào, trong đó có công tác PCCC, người chiến sĩ công an luôn sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc. Đối với họ, chỉ cần thấy người dân bình yên, đó là niềm vui, lẽ sống.
(Còn nữa)
Nhóm Phóng viên Nội chính
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/bai-4-nhung-chot-chan-binh-yen-truoc-giac-lua-post612626.antd