Trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý Nhà nước đối với an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đặc biệt là quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Địa chất và khoáng sản... Nhưng trong đó vẫn chưa nêu bật được vấn đề an toàn môi trường trước, trong và sau khi triển khai các dự án nguồn điện.
An toàn sử dụng điện được đặt lên hàng đầu trong Luật Điện lực (sửa đổi)
Theo đó, Bộ Công Thương đã rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn, gồm: Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều... và nhận thấy không có Luật nào quy định chi tiết các nội dung về an toàn đập, hồ chứa thủy điện từ giai đoạn thiết kế, thi công xây dựng đến vận hành công trình. Cho đến nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện là Nghị định 114/2018/NĐ-CP (là Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi).
Đập Thủy điện Hủa Na luôn tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn, quy định về an toàn trong hoạt động sản xuất.
Công trình thủy điện có những đặc thù rất khác biệt với công trình thủy lợi (hầu hết do tư nhân đầu tư, quản lý vận hành; chế độ vận hành và mục tiêu vận hành khác biệt với hồ thủy lợi, các tuyến năng lượng và công trình phụ trợ cũng khác nhau...), biến đối khí hậu và thiên tai ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng lớn đến chế độ vận hành của các công trình. Do đó, ngay từ khi xây dựng đề cương Luật đã thống nhất bổ sung quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện vào nhóm chính sách số 6 Luật Điện lực và được cụ thể hóa bằng Mục 3 Chương VII Dự thảo Luật với 6 Điều quy định chi tiết các nội dung về: nguyên tắc chung; quản lý an toàn trong giai đoạn thiết kế, xây dựng; an toàn trong giai đoạn vận hành và quy định về biện pháp bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện.
Để đảm bảo tính đồng bộ với các Luật chuyên ngành khác liên quan thì các điều khoản quy định về an toàn công trình thủy điện đều quy định yêu cầu các tổ chức cá nhân tuân thủ quy định về an toàn đập, hồ chứa nước (theo pháp luật về thủy lợi) và pháp luật về tài nguyên nước, phòng chống thiên tai.
Về các quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió trong Dự thảo Luật để giải quyết các vướng mắc của địa phương trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, tại Điều 104 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã có quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực, trong đó đã bổ sung thêm “Công trình nguồn điện” là một trong bốn loại công trình có hành lang bảo vệ an toàn (Nghị định của Chính phủ sẽ quy định cụ thể về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió trong nhóm công trình nguồn điện). Điều 104 Dự thảo Luật cũng quy định rõ việc bồi thường khi thu hồi đất, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió được thực hiện theo Luật Đất đai.
Luật Điện lực (sửa đổi) đã có quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió trong đất liền và ngoài biển (Ảnh minh họa)
Thêm nữa, tại Điều 98 dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện, an toàn điện và an toàn công trình thủy điện có quy định chi tiết về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió, trong đó có cả công trình điện gió trên đất liền và công trình điện gió trên biển. Với việc quy định rõ đối với hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió như Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tháo gỡ được các vướng mắc liên quan hành lang bảo vệ an toàn điện gió như trong thời gian qua.
Đặc biệt, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thống nhất với dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi) về các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trong lĩnh vực sử dụng điện, thiết bị điện, các công trình điện... đặc biệt là an toàn sử dụng điện sau công tơ. Trong thực tế, vấn đề kiểm soát an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt và dịch vụ đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như: QCVN 12:2014/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và công trình công cộng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thiết kế, xây dựng hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng. Trong đó, giao trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc áp dụng quy chuẩn trong hoạt động thiết kế, xây dựng, nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động.
Trong Điều 58 Luật Điện lực hiện hành quy định về an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ cũng đã quy định cụ thể các điều kiện đảm bảo an toàn điện trong sinh hoạt, dịch vụ và trách nhiệm của người sử dụng điện trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn điện. Hay trong Điều 17 Luật Phòng cháy chữa cháy hiện hành cũng có quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, khu dân cư, trong đó có yêu cầu hệ thống điện đảm bảo an toàn và có quy định về sử dụng điện.
Mặc dù đã có các quy định trên, nhưng các cơ quan chức năng tại địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc kiểm tra an toàn hệ thống điện trong nhà ở sinh hoạt và ý thức chấp hành quy định về an toàn của người dân trong sử dụng điện còn rất thấp. Chính vì vậy, trong các kiến nghị của cơ quan chức năng gần đây đều đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc đảm bảo an toàn điện trong sinh hoạt và dịch vụ.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đã làm rõ thêm trách nhiệm của người sử dụng điện, bên cung cấp điện và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ. Trong đó sẽ tập trung triển khai hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng điện an toàn.
Cần làm rõ vấn đề bảo vệ môi trường trong Luật Điện lực (sửa đổi)
Gần đây, một số chuyên gia cho rằng cần phải làm rõ hơn vấn đề bảo vệ môi trường trong Luật Điện lực. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với 16 Chương, 171 Điều nhưng không có điều khoản nào quy định về bảo vệ môi trường; Luật Điện lực hiện hành cũng không có quy định nào về bảo vệ môi trường; còn Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng nhắc đến nội dung “bảo vệ môi trường” trong một số điều, nhưng không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, chế tài về bảo vệ môi trường, về xử lý vi phạm bảo vệ môi trường.
Cần bổ sung, làm rõ các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật Điện lực (sửa đổi) - Ảnh minh họa
Trong khi đó, hoạt động điện lực, bao gồm nhiệt điện, thủy điện, năng lượng nguyên tử, năng lương tái tạo... đều gây ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Do vậy, cần bổ sung 1 chương về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực. Cụ thể, vấn đề bảo vệ môi trường trong các loại hình như nhiệt điện than và khí, thủy điện, điện hạt nhân và điện tái tạo cần được quy định rõ ràng và chặt chẽ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.
Một số nội dung thiết yếu gồm, cần bắt buộc có đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án điện lực trước khi được cấp phép xây dựng và vận hành. Tác động môi trường phải bao gồm đánh giá chi tiết về khí thải, chất thải, tác động đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, công khai kết quả đánh giá trước, trong và sau khi dự án nguồn điện đi vào hoạt động, bảo đảm tính minh bạch và sự giám sát từ các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Mặt khác, cần giảm phát thải và xử lý chất thải thật nghiêm ngặt về các quy chuẩn, quy định khí thải, nước thải, tro xỉ, pin mặt trời, chất thải hạt nhân... Các nhà máy điện phải lắp đặt hệ thống giám sát phát thải liên tục và tự động gửi dữ liệu cho các cơ quan quản lý môi trường. Điều này giúp cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm; có đánh giá, kiểm toán môi trường định kỳ để đảm bảo các nhà máy tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, cần gắn trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà sản xuất các thiết bị điện gió, điện mặt trời về việc thu hồi và xử lý chất thải phát sinh từ sản phẩm của họ sau khi hết vòng đời dự án. Quy định EPR này sẽ giúp chia sẻ gánh nặng về môi trường với các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, chủ đầu tư dự án điện gió và điện mặt trời phải có kế hoạch thu hồi và xử lý thiết bị sau khi ngừng hoạt động hoặc hỏng hóc. Phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm bảo trì, thu hồi và xử lý cuối vòng đời của các thiết bị này. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý môi trường cần thường xuyên giám sát quá trình thu gom, tái chế và xử lý chất thải từ các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo tuân thủ quy định. Đặc biệt, cần có quy định về các hình thức xử phạt nghiêm ngặt đối với các tổ chức, doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường hoặc không thực hiện đúng cam kết tái chế.
Có thể thấy rằng, việc quy định rõ ràng về xử lý chất thải từ điện gió và điện mặt trời không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo nói riêng, đảm bảo an toàn cũng như môi trường đất nước nói chung.
Bùi Công