Bài 5: Tinh gọn bộ máy - góc nhìn từ chuyên gia, đại biểu

Bài 5: Tinh gọn bộ máy - góc nhìn từ chuyên gia, đại biểu
một ngày trướcBài gốc
Mục tiêu của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo là: “Mục đích của việc tinh gọn tổ chức bộ máy quan trọng nhất, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước để đưa đất nước ta phát triển”.
Đối với nước ta, tinh gọn bộ máy chính trị không chỉ là một nhiệm vụ hành chính mà còn là yếu tố sống còn để đảm bảo sự ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão.
Tôi cho rằng, việc tinh gọn bộ máy sẽ một mặt làm tăng hiệu quả hoạt động, giảm bớt các tầng nấc trung gian giúp quá trình ra quyết định nhanh hơn, chính sách được triển khai kịp thời và sát thực tế hơn; mặt khác, giúp tiết kiệm ngân sách vì bộ máy cồng kềnh thường tiêu tốn một phần lớn ngân sách cho chi phí hành chính (lương, phụ cấp, cơ sở vật chất).
Tinh gọn giúp giải phóng nguồn lực tài chính để đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như giáo dục, y tế và hạ tầng. Đồng thời, việc tinh gọn bộ máy sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm vì khi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan được phân định rõ ràng, việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, thúc đẩy đất nước phát triển và tăng niềm tin của người dân.
Sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức ở Trung ương, hợp nhất các bộ, ngành, đây là thời điểm chín muồi để nghiên cứu, thực hiện việc sáp nhập các tỉnh có diện tích và dân số nhỏ lại với nhau, giúp tinh gọn tổ chức bộ máy, mở ra các không gian và động lực phát triển mới.
Cùng với việc tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, thì việc sáp nhập các xã là cần thiết. Cấp xã có quy mô đủ lớn thì mới bố trí được tổ chức và nhân sự phù hợp để giải quyết được một số công việc mà trước đây do cấp huyện đảm nhận.
Việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, giảm số lượng cấp xã là yêu cầu khách quan, không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn mở rộng không gian để phát triển ổn định trăm năm, có tính chất chiến lược dài hạn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Với diện tích 331.212km2, dân số hơn 100 triệu người, nhưng Việt Nam hiện có đến 63 tỉnh/thành phố, 705 quận/huyện và 10.595 xã/phường. So với các nước xung quanh như Trung Quốc (34 tỉnh), Nhật Bản (47 tỉnh), Hàn Quốc (16 tỉnh) thì số lượng tỉnh/thành của chúng ta lớn.
Với bộ máy hành chính cồng kềnh, thiếu tính liên kết, khó phát triển, việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh để thành lập các đơn vị hành chính lớn hơn, rộng hơn, đồng thời không tổ chức cấp huyện, giảm số lượng cấp xã là yêu cầu khách quan và cấp bách.
Trong Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chỉ rất rõ nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã. Trong thời gian qua, cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc cần bỏ cấp trung gian và trên thực tế điều đó cũng đã được triển khai ở các bộ, ngành trung ương và bây giờ là đến các địa phương.
Đồng thời, vấn đề này cũng được dư luận hết sức quan tâm, bởi từ trước tới nay, chúng ta vẫn tổ chức chính quyền bốn cấp là cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta nghiên cứu không tổ chức cấp huyện. Đây là một điểm rất đột phá, bởi lẽ chúng ta không tiếp tục đi theo lối mòn và dám làm những việc rất mới mẻ trong thời kỳ phát triển mới, bước vào kỷ nguyên mới.
Việc không tiếp tục tổ chức cấp huyện trong giai đoạn tới đã có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. So với hàng chục năm về trước thì hiện nay bối cảnh đã thay đổi rất nhiều, ngay cả trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Chẳng hạn, trong điều kiện thực tế trước đây hàng chục năm, hạ tầng cũng như điều kiện về phương tiện khoa học kỹ thuật rất khác, vì vậy phải có cấp huyện để triển khai các chỉ đạo từ trung ương, từ tỉnh đến xã. Nếu không có cấp huyện trong bối cảnh đó thì những chỉ đạo từ cấp tỉnh xuống trực tiếp cấp xã là hết sức khó khăn. Song, đến nay, hạ tầng của chúng ta ngày càng phát triển, có nhiều phương tiện hỗ trợ trong công việc, ngay từ cấp xã cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi vậy, công tác chỉ đạo, điều hành thuận lợi hơn rất nhiều.
Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai thẳng từ cấp tỉnh đến cấp xã với điều kiện tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền cấp xã và tăng cường năng lực của cán bộ cấp xã, qua đó bảo đảm sự chỉ đạo nhanh, gọn, thông suốt từ trung ương tới địa phương.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước - một bộ phận rất quan trọng của hệ thống chính trị, thực sự là cuộc cách mạng cả về tư duy và hành động, theo đó quyết tâm chính trị sẽ là yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Đảng, Nhà nước ta quyết định tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị vào thời điểm này, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, đó là thời điểm hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.
Một bộ máy nhà nước tinh gọn sẽ có điều kiện tốt để thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn thẩm quyền với trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân ở mỗi cấp chính quyền. Đây chính là biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp nhất là ở địa phương nhằm thực hiện chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm dẫn đến không làm hoặc đùn đẩy “quả bóng” trách nhiệm giữa các cấp.
Đồng thời, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ bảo đảm tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, có điều kiện tăng đầu tư phát triển. Như chúng ta đã biết, ngân sách nhà nước hiện đang phải gánh nhiệm vụ chi thường xuyên quá lớn, do bộ máy hành chính cồng kềnh cả về tổ chức và nhân sự (chi thường xuyên chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách hàng năm). Việc giảm bớt số lượng cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp xã và không tổ chức cấp huyện sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tiền lương, văn phòng, quản lý và các khoản chi thường xuyên khác.
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, những công việc cần tiến hành về sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã có tiền lệ cũng như chưa từng có tiền lệ đều được thực hiện chặt chẽ, khẩn trương, tích cực, chủ động và hiệu quả.
Những kết quả bước đầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy cho thấy, bất luận trong hoàn cảnh nào, khi Đảng, Nhà nước có quyết tâm chính trị cao, lại được toàn dân tin tưởng, ủng hộ và tham gia tích cực, thì chắc chắn mục tiêu xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ thành công tốt đẹp, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Muốn tiến hành đổi mới, chúng ta phải xem xét, rà soát các cản trở ách tắc đối với sự phát triển. Trong đó, phải thay đổi tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, cũng như bộ máy của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Làm được việc này thì địa phương sẽ mở rộng được không gian phát triển, kinh tế mở ra.
Trước kia chật hẹp thì sao thuận lợi bằng việc khi sáp nhập diện tích sẽ tăng gấp 1,5-2 lần, mở ra không gian lớn hơn. Cùng với chính sách điều tiết của chính phủ, trung ương, gắn kết giữa các tỉnh đó với phương thức, cơ chế mới thì tính liên kết vùng và các vùng kinh tế sẽ được đảm bảo tốt hơn, phát triển mạnh hơn.
Sáp nhập các tỉnh có nhiều tiêu chí, không chỉ diện tích, dân số mà còn phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế của từng vùng, từng địa phương, phải phù hợp với lợi thế phát triển kinh tế từng vùng.
Ví dụ cả một dải như kinh tế biển có sự đồng nhất về nguồn lực, địa kinh tế, các điều kiện xã hội có thể sáp nhập tạo thành một tổng lực lớn hơn trong phát triển chiến lược kinh tế. Sáp nhập phải căn cứ vào tình hình kinh tế, lợi thế, nguồn lực, điều kiện quy hoạch tổng thể, phát triển vùng, phát triển chung của đất nước, tương đồng về điều kiện văn hóa xã hội, kể cả căn cứ vào yêu cầu bảo vệ quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Khi lựa chọn hình thức tổ chức chính quyền địa phương ở phạm vi phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển thì nền kinh tế mới cất cánh, đất nước mới thực sự bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất với đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Do đó, việc sáp nhập đơn vị hành chính có thể mang lại những lợi ích to lớn trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần “cởi trói” những điểm nghẽn, giảm sự chồng chéo.
Khi các đơn vị hành chính được mở rộng, chi phí hoạt động sẽ giảm xuống nhờ việc cắt giảm sự trùng lặp trong các tầng nấc, đồng thời việc phân bổ nguồn lực cũng trở nên hợp lý hơn. Chính quyền sẽ có cơ hội tập trung vào các chương trình phát triển kinh tế thay vì phải lo lắng về vấn đề quản lý hành chính phức tạp.
Một trong những lợi ích rõ rệt của việc sáp nhập là việc tạo ra các khu vực có quy mô lớn hơn, giúp mở rộng phạm vi phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng. Các khu vực này có thể thu hút đầu tư từ cả trong nước và quốc tế, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển các ngành công nghiệp quy mô lớn, góp phần tạo ra việc làm và nâng cao mức sống cho người dân.
Từ việc mở rộng quy mô đơn vị hành chính, chúng ta có thể nghiên cứu để khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai và cơ sở hạ tầng sẽ được sử dụng đồng bộ, giúp tối đa hóa lợi ích từ các dự án phát triển kinh tế. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng sống mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh đó, khi môi trường kinh doanh được cải thiện, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội mở rộng và phát triển. Các khu vực lớn hơn, với hệ thống hạ tầng được nâng cấp và chất lượng dịch vụ công được cải thiện, sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo ra động lực cho sự tăng trưởng và phát triển. Điều này sẽ góp phần vào việc tạo ra một nền kinh tế năng động và thịnh vượng hơn.
Cuối cùng, việc sáp nhập đơn vị hành sẽ giúp vùng kém phát triển có thể nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ các chính sách phát triển đồng đều, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn ở những khu vực này và giảm khoảng cách về mức sống và cơ hội giữa các vùng miền.
Tôi cho rằng, đây là một chủ trương rất phù hợp, tuy nhiên cần có sự nghiên cứu, đường lối bài bản để có những bước đi hiệu quả.
Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An
Đồ họa: Hồng Thịnh
Quỳnh Nga - Lan Anh - Lê An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bai-5-tinh-gon-bo-may-goc-nhin-tu-chuyen-gia-dai-bieu-380885.html