Để “Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài”, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước”. Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt đúng vấn đề ở cấp chiến lược và do vậy, bối cảnh hiện tại đang cần những cơ chế rành mạch để bản năng sản xuất có thể trở thành bản lĩnh quốc gia, để doanh nghiệp tư nhân trở thành điểm xoay của địa kinh tế Việt Nam.
Khi sản xuất hướng tiêu chuẩn vào sự hiện diện, thì thể chế phải chiếu vào những nơi trước nay bị lãng quên
Bài 5: Tư nhân không xin được thương, chỉ xin được thấy
Nguyên lý “sản xuất vật chất là trung tâm của sự biến đổi xã hội” không thể vận hành nếu phần lớn lực lượng sản xuất bị vô hình hóa.
Lịch sử tư tưởng kinh tế
Sản xuất vật chất là trung tâm của biến đổi xã hội - dẫn đến những thay đổi sâu sắc về cơ cấu kinh tế, giá trị và chuẩn mực xã hội - chính là trục mạnh nhất tầm tư duy thời đại trong bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Một câu nói đã rất lâu rồi vừa được Tổng Bí thư nhắc lại. Nhưng lần này, câu nói đó không vang lên từ kinh viện, mà từ thực tiễn đang đầy bức bách. Đây không đơn thuần là lời nhắc lại lịch sử tư tưởng kinh tế. Đó là một tuyên bố đầy sức mạnh, một định hướng tương lai - rằng trong mọi cuộc cải cách thể chế sắp tới, “không ai có thể đứng bên lề sản xuất mà vẫn đòi hiện diện trong bản đồ phát triển”.
Không gì bàn cãi: “Hoạt động sản xuất vật chất của con người là cơ sở, nguồn gốc, nguyên nhân quyết định nhất tới sự biến đổi xã hội” - như Tổng Bí thư trích dẫn trong “Học thuyết hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin”. Đến đây, chúng ta tự hỏi: Ai đang thực sự sản xuất hay đang bị lạc lối trong mê cung bất động sản? Và ai đang tạo ra giá trị vật chất, nhưng vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức, thậm chí chưa được nhìn thấy?
Những tiếng nói khẩn thiết của các doanh nghiệp tại các diễn đàn cho thấy, họ không đòi hỏi đặc quyền. Nhiều doanh nghiệp trăn trở rằng, họ rất mong được hiện diện như một lực lượng sản xuất chính danh, bình đẳng với tất cả - chứ không phải những cái bóng dưới ánh đèn sân khấu của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có ảnh hưởng.
Nếu sản xuất là trung tâm biến đổi, thì quyền được sản xuất cũng là quyền được gọi tên trong cấu trúc thể chế. Nó - lần đầu tiên - được Tổng Bí thư đề xuất cần phải nghiên cứu để xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân.
Cho đến khi nào mà hệ thống ánh sáng thể chế chưa soi tới họ, thì chính sự biến đổi mà chúng ta mong muốn sẽ không thể xảy ra. Tổng Bí thư đã đặt sợi chỉ xuyên suốt: sản xuất vật chất không chỉ là điều kiện kinh tế, mà còn là tiêu chí để hiện diện trong nền kinh tế nhiều thành phần cạnh tranh bình đẳng.
Tổng Bí thư đã trích dẫn lại một nguyên lý nền tảng của Mác: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”.
Cần một thể chế hiện đại
Phải hiểu điều này như thế nào trong thời đại mới? Nó có nghĩa là việc xác lập vị thế của lực lượng sản xuất hôm nay không chỉ là sản lượng - mà là quyền tiếp cận công cụ. Và trong thế kỷ XXI, công cụ ấy không còn là máy móc, sắt thép, mà là dữ liệu, sandbox, hệ thống tín nhiệm và quyền được thử - được sai - để học.
Trong nhiều năm, tư nhân ở Việt Nam tồn tại trong vùng ánh sáng chưa đủ sáng: đủ để sống, nhưng chưa đủ để phát triển. Họ sản xuất, nhưng không được xếp vào hệ chính danh. Họ đổi mới, nhưng không có chỗ trong luật - phải đi cổng sau. Họ chịu rủi ro, nhưng không có cơ chế để được tin. Đó không phải là lỗi của họ - mà do ánh sáng thể chế chưa soi rọi tới.
Thể chế cần một triết lý phát triển mới: nơi mọi người tạo ra giá trị đều có quyền đứng trong trung tâm ánh sáng chính sách.
Khi thể chế chọn chiếu sáng vào quốc doanh, vào những tên tuổi lớn, vào những doanh nghiệp sở hữu tài sản chứ không phải tạo ra giá trị, thì chính những doanh nghiệp đang trăn trở nhất với sự đổi mới lại bị bỏ ngoài lề. Không vì họ yếu, mà vì họ đứng sau trụ đèn ánh sáng chưa từng bao giờ xoay về phía mình. Họ không trong vùng được hiện diện.
Nguyên lý “sản xuất vật chất là trung tâm của sự biến đổi xã hội” không thể vận hành nếu phần lớn lực lượng sản xuất bị vô hình hóa.
Thể chế hiện đại không thể chỉ xây dựng bằng thông tư, nghị định xoay liên tục, mà cần được xây dựng bằng hệ thống phát sóng - nơi tín nhiệm, dữ liệu, thử nghiệm và hiện diện tạo nên cấu trúc giá trị. Một nền sản xuất mà tư nhân phải giả lỗ để sống, phải chạy quan hệ để tiếp cận vốn và đất đai, phải tự cấu trúc theo sắc lệnh hành chính, thì không thể sinh ra động lực bền vững.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta hỏi một câu đơn giản: Ai đang sản xuất và ai đang được phát sóng?
Một doanh nghiệp công nghệ nhỏ tại Đồng Nai chia sẻ rằng, họ có sản phẩm xuất khẩu sang 12 quốc gia, nhưng vẫn không đủ điều kiện vay tín chấp vì dò trong tờ A4 vô hồn, họ thấy mình không thuộc “ngành ưu tiên”.
Sản xuất vật chất, trong hệ tư tưởng mới từ bài viết của Tổng Bí thư, có lẽ còn lớn hơn cả câu chuyện của nhà máy. Đó chính là khả năng được định danh. Một doanh nghiệp không có dữ liệu số hóa, hay không có quyền tự cho mình được sai, hay không có chỗ trong thiết kế chính sách như doanh nghiệp công nghệ nhỏ kia tại Đồng Nai, thì dù có tạo ra hàng triệu USD giá trị, họ vẫn chưa được thể chế dung nạp. Và do đó - đáng buồn thay - họ vẫn chưa phải là công dân toàn phần đúng nghĩa của nền sản xuất nước nhà.
Với nguyên lý lấy dân làm gốc, thể chế phải định nghĩa lại “người sản xuất” như một vị thế quan trọng trong hệ thống chính trị. Đó là không ai đứng ngoài luật pháp, nhưng cũng không ai được quyền đứng ngoài sáng tạo ra cái mới. Ta hãy nghĩ đến các thành phố ma không người ở. Đó là sản xuất, là sáng tạo ra cái mới?
Khi sản xuất hướng tiêu chuẩn vào sự hiện diện, thì thể chế phải cấu trúc lại bản đồ ánh sáng: chiếu vào những nơi trước nay bị lãng quên. Và để điều đó trở thành hiện thực, không thể chỉ chờ vào Trung ương.
Mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi tỉnh, thành phố phải tự hỏi, mình đang cho phép sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu gì? Một địa phương không thể tuyên bố cải cách, nếu không biết rõ trong địa bàn mình, ai đang sản xuất, sản xuất bằng công cụ gì và ai đang bị bỏ lại trong vùng tối. Bản đồ ánh sáng thể chế không thể chỉ nằm ở Trung ương, mà phải được lập trình lại từ từng cụm công nghiệp, khu công nghệ, hợp tác xã đến cả một tiệm sản xuất nhỏ ở vùng nông thôn.
Tư nhân không cần được thương. Họ cần được thấy. Được phát sóng. Được gọi tên. Và để làm điều đó, thể chế không chỉ có cải cách không thôi. Thể chế cần một triết lý phát triển mới: nơi mọi người tạo ra giá trị đều có quyền đứng trong trung tâm ánh sáng chính sách.
Và khi ánh sáng ấy được lập trình lại, tư nhân sẽ không chỉ là người sản xuất, mà là người định hình bản đồ phát triển của Việt Nam thịnh vượng.
GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM)