Bài 7: Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản - trọn đời vì đạo pháp và dân tộc

Bài 7: Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản - trọn đời vì đạo pháp và dân tộc
5 giờ trướcBài gốc
Từ làng quê ven sông đến bước chân xuất thế
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản, đạo hiệu Tuệ Quang, thế danh Trần Đức Bản, sinh năm 1891 tại làng Giáo Phòng, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Vùng đất ngài cất tiếng khóc chào đời là nơi tụ thủy linh khí, được phù sa sông Đáy và sông Ninh Cơ vun bồi. Lớn lên trong gia đình vừa mộ đạo vừa trọng nghĩa, từ nhỏ ngài đã được tiếp xúc với chữ Hán và tư tưởng Phật giáo.
Mới 10 tuổi, ngài đã phát tâm xuất gia tại chùa Cát Chử (Trực Ninh) và được ban pháp danh là Thanh Bản, 15 tuổi thụ giới Sadi, năm 1910 thụ Tì kheo tại chùa Quy Hồn - Hải Hậu, mang đạo hiệu Tuệ Quang. Hành trình tầm sư học đạo của ngài dẫn qua nhiều danh lam cổ tự như Long Đọi, Gôi, Keo, Phúc Nhạc... Từ đó, một tâm hồn trẻ, nhiệt thành, vừa thấm nhuần kinh luật vừa thấu hiểu thế sự hình thành.
Tổ đường chùa Quy Hồn (Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: NHÂN PHÚC
Năm 1919, bước ngoặt lớn đến khi đại lão hòa thượng được mời về trụ trì chùa Ngọc Lâm (tổng Thanh Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Vùng đất này vốn là nơi "đầu sóng ngọn gió” của phong trào đấu tranh Cách mạng, trở thành nơi ngài gắn bó cả đời. Khi tận mắt chứng kiến cảnh dân lành bị bóc lột, áp bức bởi thực dân và chính quyền tay sai, ngài không thể yên lòng trì tụng nơi thiền môn. Đáp lại tiếng gọi non sông, ngài chọn con đường nhập thế, xem "phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật".
Từ năm 1929, ngài tham gia Đội tuần vệ của xã Ngọc Lâm, biến ngôi chùa thành điểm tập hợp Nhân dân. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), hòa thượng không chỉ đóng góp vật chất - như vàng, lương thực, vũ khí - mà còn trực tiếp cầm cờ đỏ búa liềm dẫn đầu các đoàn biểu tình chống sưu cao thuế nặng. Những khẩu hiệu vang vọng từ núi Phượng - Quỳnh Thuận đến huyện đường là tiếng nói can trường của người con Phật đứng về phía Nhân dân.
Những hành động ấy không tránh khỏi sự trả thù. Năm 1933, thực dân Pháp đốt phá chùa Ngọc Lâm, giết 6 vãi và 1 sư bác, bắt giam tra tấn ngài. Nhưng ngọn lửa không thiêu được chí nguyện, ngài vẫn kiên trung bảo vệ tổ chức, không tiết lộ cơ sở Cách mạng.
Người giữ lửa cho ngọn đuốc đại đoàn kết dân tộc
Những năm 1935-1944, hòa thượng mở rộng hoạt động khắp vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngài tham gia Hội An Nam Phật học, rồi Hội Phật giáo Cứu quốc, hành đạo tại các chùa: Am Ốc, Đế Thích, Văn Hoa, Linh Sâm...; đồng thời làm giao liên, xây dựng cơ sở kháng chiến, in ấn tài liệu, huấn luyện dân quân tự vệ. Với bộ áo nâu sồng, ngài đi khắp vùng duyên hải và miền Tây xứ Nghệ, mang theo không chỉ lời kinh tiếng kệ mà cả ánh sáng soi đường của chủ nghĩa yêu nước.
Thời gian ấy, có lần ngài bị bắt về Vinh, tra tấn ở Bến Thủy, Đức Thọ, Hà Hoa. Nhưng khi bọn Pháp dụ đầu hàng, ngài trả lời thẳng thắn: "Thà mất thân chứ không phản nước, phản đạo". Lòng kiên trung của vị sư già khiến kẻ thù phải nể phục.
Tháng 8 năm 1945, giữa mùa thu Cách mạng, tại vùng biển Quỳnh Lưu, đại lão hòa thượng đã dẫn đầu cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương. Ngài tham gia phá kho thóc, phát gạo cứu đói; vận động phú hào quyên góp lương thực cứu hàng ngàn dân làng vượt qua nạn đói. Cũng chính ngài đã lập ra Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh, giữ cương vị chủ tịch, phát động phong trào "Tăng ni xuống núi, phật tử ra trận", động viên người dân tòng quân.
Chùa Ngọc Lâm (Quỳnh Lưu - Nghệ An), nơi Hòa thượng Thích Thanh Bản trụ trì hơn 40 năm
Giai đoạn 1946 - 1950, khi kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn khốc liệt, chùa Ngọc Lâm tiếp tục là căn cứ địa vững chắc. Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản tổ chức đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, mở lớp bình dân học vụ; đặc biệt tổ chức sản xuất muối, mắm, thậm chí xây xưởng quân giới tại chùa Vân La (Bến Thủy), góp phần cung cấp vũ khí cho bộ đội.
Năm 1951, đại lão hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt tỉnh Nghệ An. Không chỉ là một lãnh đạo Phật giáo, ngài đã trở thành người đại diện tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc trong lòng phong trào kháng chiến; tiếp tục dẫn dắt tăng ni phật tử tổ chức sản xuất, đào hào chiến đấu, lo tang lễ cho đồng bào tử nạn.
Từ năm 1957 đến cuối đời, Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản âm thầm đào tạo thế hệ trẻ, giới thiệu nhiều quần chúng ưu tú cho Đảng. Ngài truyền giới tại các giới đàn lớn ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh..., vừa là bậc mô phạm trong đạo vừa là người giữ lửa cho ngọn đuốc đại đoàn kết dân tộc.
Ngày 21/3/1962, Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản viên tịch tại chùa Ngọc Lâm sau 72 năm sống đời phạm hạnh và 52 năm hành đạo. Ngài để lại không chỉ đạo nghiệp sâu dày mà còn là một di sản Cách mạng không thể nào quên. Năm 2016, Chủ tịch nước đã truy tặng ngài Huân chương Đại đoàn kết dân tộc - phần thưởng cao quý ghi nhận công lao một đời người tu sĩ "đem đạo vào đời", gắn bó máu thịt với vận mệnh dân tộc.
Một đời - Một đạo - Một chí nguyện
Là người làm báo, tôi đã đi qua nhiều vùng đất, gặp không ít người, nhưng khi đặt chân về vùng biển Quỳnh Lưu, về trước tam quan cổ kính của chùa Ngọc Lâm - nơi một thời khói lửa chiến tranh, tôi cảm thấy vô cùng xúc động trước từng viên gạch, từng bụi tre còn vương bóng dáng bậc chân tu vì nước, vì dân. Câu chuyện về Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản không chỉ là ký ức lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở về sức mạnh của đức tin, của lòng yêu nước, tinh thần nhập thế vị tha và can trường.
Trong những ngày đất nước hòa bình, nhìn lại hành trạng của ngài, tôi càng thấm thía lời Phật dạy: "Lấy từ bi làm gốc, lấy trí tuệ làm sự nghiệp". Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bản đã sống và ra đi như thế - bình dị nhưng bất diệt!
PV
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-7-dai-lao-hoa-thuong-thich-thanh-ban-tron-doi-vi-dao-phap-va-dan-toc_177936.html