Tảo phát quang ở Hạ Long Du khách bất ngờ chứng kiến mặt biển Hòn Gai (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chuyển sắc đỏ hồng rồi phát ra ánh sáng xanh lấp lánh khi sóng đánh vào bờ.
Đêm muộn 17/5, trong lúc đi dạo ven biển Hòn Gai (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Vũ Thành Sang (21 tuổi, ngụ Hà Nội) cùng bạn gái bất ngờ chứng kiến mặt nước chuyển sắc đỏ cam, sóng vỗ phát ra ánh sáng xanh dương kỳ ảo.
"Ban đầu tôi tưởng ánh sáng là do đèn phản chiếu, nhưng nhìn kỹ thì thấy mỗi lần sóng đập vào bờ lại phát ra ánh xanh dương", Sang kể.
Mặt biển bãi tắm Hòn Gai chuyển sắc đỏ hồng. Ảnh: Vũ Thành Sang.
Sang nhặt vỏ ốc trên bờ, chạm nhẹ vào các vũng nước màu đỏ còn đọng lại trên cát vẫn thấy hiện tượng phát sáng thú vị. Anh lên mạng tra cứu thông tin, được biết thủy triều đỏ đi kèm với tảo phát quang thường xảy ra khi nhiệt độ nước biển biến đổi bất thường.
"Đây là một kỷ niệm đáng nhớ, một khoảnh khắc khó quên trong chuyến du lịch của chúng tôi", Sang nói.
Mỗi lần Sang chạm tay vào mặt biển, nước chuyển thành ánh sáng xanh lấp lánh. Ảnh: Vũ Thành Sang.
Cách đó không xa, nhóm 4 người của Nguyễn Đức Mạnh (ngụ Hà Nội) ra bờ biển Hòn Gai đi dạo, hóng gió và đàn hát lúc gần nửa đêm. Nhóm thấy mặt nước chuyển đỏ, sóng đánh tạo ra những luồng ánh sáng màu xanh.
"Chúng tôi hào hứng xuống biển nghịch, chạm tay vào nước là sáng rực lên, bước đi trên cát cũng thấy phát sáng dưới chân", anh kể.
Dù từng xem nhiều video về hiện tượng này ở nước ngoài, Mạnh vẫn bất ngờ khi lần đầu tận mắt chứng kiến ở Việt Nam, ngay tại Hạ Long. Một người bạn của Mạnh là dân địa phương cho biết "chưa từng thấy cảnh tượng như vậy".
Không chỉ du khách, ngay cả người dân bản địa làm nghề dẫn tour du lịch như Nguyễn Thị Hồng, cũng lần đầu chứng kiến hiện tượng tự nhiên này.
Khoảng 0h ngày 18/5, cô cùng nhóm bạn ngồi chơi gần bãi biển Hòn Gai thì trông thấy mặt nước chuyển sang màu hồng.
Ban đầu họ nghĩ là ánh đèn từ xa hắt xuống mặt biển, nhưng khi sóng vỗ vào bờ, nước lại phát sáng màu xanh và cát dưới chân cũng lấp lánh theo từng bước đi.
"Chỉ khoảng 30 phút sau, ánh sáng mờ dần và biến mất vào lúc 1h. Thời điểm đó bãi biển khá vắng nên không nhiều người tận mắt chứng kiến hiện tượng này", Hồng nói.
Hồng và nhóm bạn "check-in" mặt biển phát sáng. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, chuyên gia từ Tổ chức sinh vật biển Việt Nam (Marine Life Vietnam) cho biết hiện tượng nêu trên là kết quả của sự nở hoa của loài tảo Noctiluca scintillans, còn được gọi là "tảo phát quang" hoặc "thủy triều đỏ".
Theo ông, loài tảo Noctiluca scintillans có khả năng phát quang sinh học, tạo ra ánh sáng màu xanh khi bị kích thích cơ học, như sóng biển hoặc chuyển động của người trong nước.
Ban ngày, khi mật độ tảo cao, nước biển có thể chuyển sang màu đỏ hoặc nâu đỏ, hiện tượng này được gọi là "thủy triều đỏ". Ban đêm, tảo phát ra ánh sáng màu xanh khi bị kích thích, tạo nên hiện tượng phát quang.
Do đó, thủy triều đỏ và tảo phát quang có thể xảy ra song song, tùy thuộc vào thời điểm trong ngày và điều kiện môi trường.
Theo chuyên gia, hiện tượng này xảy ra khi loài tảo Noctiluca scintillans nở hoa với mật độ cao trong nước biển.
Sự phát quang sinh học của chúng là kết quả của phản ứng hóa học giữa luciferin và luciferase trong tế bào tảo khi bị kích thích cơ học. Các yếu tố như nhiệt độ nước, độ mặn, và sự giàu dinh dưỡng trong nước có thể thúc đẩy sự nở hoa của tảo.
Dù hiện tượng tảo phát quang thường được coi là đẹp mắt và không độc hại, nhưng khi mật độ tảo quá cao, chúng có thể gây ra hiện tượng thiếu oxy trong nước do quá trình phân hủy, ảnh hưởng đến sinh vật biển.
"Ngoài ra, một số loài tảo khác có thể sản sinh độc tố gây hại cho con người và động vật. Do đó việc theo dõi và quản lý hiện tượng này là cần thiết để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng", chuyên gia khuyến cáo.
Châu Sa