'Bài ca hy vọng', 'Nối vòng tay lớn' hát bằng tiếng Nga trong đêm nhạc tri ân

'Bài ca hy vọng', 'Nối vòng tay lớn' hát bằng tiếng Nga trong đêm nhạc tri ân
4 giờ trướcBài gốc
"Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký được hát bằng tiếng Nga.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên Ca khúc Việt lời Nga diễn ra ấm áp và đầy cảm xúc chiều nay 10/5.
Sự kiện do các cựu sinh viên và giảng viên Khoa tiếng Nga tổ chức, nhằm tri ân thầy giáo – dịch giả Lê Đức Mẫn, người dành trọn hơn 30 năm kiên trì chuyển ngữ hơn 60 ca khúc Việt Nam sang tiếng Nga.
Chương trình Ca khúc Việt lời Nga tri ân thầy giáo Lê Đức Mẫn.
Điểm nhấn gây bất ngờ và để lại ấn tượng sâu sắc trong chương trình là phần trình diễn các ca khúc Việt Nam nổi tiếng như Tiến về Hà Nội, Bài ca Hồ Chí Minh, Nối vòng tay lớn, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui... nhưng được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Nga.
Những giai điệu quen thuộc ấy, khi khoác lên mình “chiếc áo mới” của ngôn ngữ Nga, mang đến trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ, đầy xúc động cho người nghe.
Mỗi tiết mục đều được giới thiệu bằng câu chuyện nhỏ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc và hành trình dịch thuật công phu của thầy Lê Đức Mẫn – người lặng lẽ nhưng bền bỉ làm nên những “nhịp cầu âm nhạc” giữa hai nền văn hóa trong suốt ba thập kỷ.
Thầy Lê Đức Mẫn là nguyên giảng viên Khoa tiếng Nga, Đại học Hà Nội, gắn bó với ngôi trường từ năm 1966 đến khi nghỉ hưu năm 2002. Không chỉ là nhà giáo tận tâm, ông còn được biết đến là một dịch giả kỳ cựu, từng chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Nga kinh điển sang tiếng Việt.
Bài hát "Mùa xuân đầu tiên" được hát bằng tiếng Nga.
Một số tác phẩm tiêu biểu do thầy dịch đã được xuất bản và sử dụng rộng rãi trong giảng dạy tại các trường đại học, chứng tỏ tài năng và sự đóng góp của ông trên nhiều lĩnh vực dịch thuật.
Song, công việc đặc biệt nhất và ít người biết đến, chính là hành trình bền bỉ dịch lời các ca khúc Việt sang tiếng Nga – bắt đầu từ những năm 1990. Ban đầu chỉ là thú vui cá nhân, nhưng càng về sau, đó trở thành sứ mệnh văn hóa mang tính kết nối sâu sắc giữa hai dân tộc.
“Dịch ca khúc không đơn giản là chuyển ngữ, mà là nghệ thuật truyền cảm xúc. Tôi luôn cố gắng giữ được tinh thần bản gốc để người nghe Nga có thể cảm được lời hát như chính tiếng mẹ đẻ của họ”, thầy Lê Đức Mẫn chia sẻ trong phần giao lưu tại chương trình.
Ca khúc "Bonjour Vietnam" (Xin chào Việt Nam) được trình diễn bởi dàn hợp xướng trường Đại học Hà Nội khoa tiếng Nga.
Lời chia sẻ cho thấy sự tỉ mỉ, tâm huyết và tình yêu mà thầy Lê Đức Mẫn đặt vào mỗi bản dịch, với mong muốn lớn nhất là những giai điệu và ca từ đẹp của Việt Nam có thể chạm đến trái tim của người Nga.
Nhiều thế hệ sinh viên, cựu sinh viên, đồng nghiệp và những người yêu tiếng Nga cùng tụ hội để tri ân người thầy đáng kính – người âm thầm truyền lửa đam mê và xây những “nhịp cầu” giao lưu văn hóa bằng lời ca, giai điệu.
Trong từng câu chuyện được kể, từng ánh mắt, từng cái ôm chặt, người ta cảm nhận được không chỉ sự kính trọng mà còn là lòng biết ơn sâu sắc với một người thầy cả đời lặng lẽ, tận tụy vì tri thức và nghệ thuật.
Chương trình Ca khúc Việt lời Nga không chỉ là dịp để tôn vinh thầy giáo Lê Đức Mẫn, mà còn là lời nhắc đầy xúc động về giá trị của những đóng góp âm thầm - những điều nhỏ bé nhưng mang sức lan tỏa lớn lao trong hành trình vun đắp tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa các dân tộc.
Lê Chi
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/bai-ca-hy-vong-noi-vong-tay-lon-hat-bang-tieng-nga-trong-dem-nhac-tri-an-ar942553.html