Chú trọng công tác tham mưu
Nhận thức rõ công tác tham mưu UBND, HĐND tỉnh bố trí ngân sách bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn là một trong những nội dung rất quan trọng của Chỉ thị số 40-CT/TW, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ với chức năng, nhiệm vụ của mình luôn chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Chi nhánh chỉ đạo tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hàng năm.
Giai đoạn 2020 - 2025, Phòng đã phối hợp nhịp nhàng với các phòng chuyên môn và các phòng giao dịch cấp huyện, tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu trọng yếu như tăng trưởng dư nợ, huy động vốn, nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác thông qua các Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Cán bộ tín dụng - lực lượng quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo ở Hà Giang. Ảnh: Đức Kiên
Điểm nhấn nổi bật là trong 5 năm qua, chính từ những đề xuất kịp thời, sát thực tế của Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, UBND tỉnh Hà Giang đã bổ sung nguồn vốn ủy thác 236,3 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng dư nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 288,4 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với đầu năm 2020 - một con số minh chứng cho hiệu quả tham mưu và sự quan tâm thiết thực của tỉnh đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Tính đến nay, tổng dư nợ toàn Chi nhánh đạt 5.504,1 tỷ đồng, với 93.858 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ bình quân đạt 58,6 triệu đồng/hộ vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt trên 10%/năm. Trong suốt nhiệm kỳ, doanh số cho vay đạt 7.443 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 4.839 tỷ đồng; nợ quá hạn 3,833 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ. Nợ khoanh 3,908 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07%/tổng dư nợ.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ còn là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới, sáng tạo với nhiều sáng kiến được Hội đồng Khoa học NHCSXH công nhận và đưa vào triển khai thực tiễn.
Tập trung tăng trưởng dư nợ
Vị Xuyên là huyện biên giới bao quanh thành phố Hà Giang, địa bàn rộng lớn với 13 xã vùng III và 11 xã vùng I, dân cư phân tán, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện có 26.563 hộ dân với hơn 119.000 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm 18% (4.663 hộ), hộ cận nghèo chiếm 10% (2.729 hộ).
Giai đoạn 2020 - 2025 là thời kỳ đặc biệt khó khăn với nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thiên tai diễn biến cực đoan... ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, không ngừng nỗ lực vượt khó, những cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vị Xuyên luôn tận tâm với nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn chính sách đến tay người dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động tín dụng chính sách.
Theo lãnh đạo Phòng giao dịch Vị Xuyên, đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của hoạt động tín dụng chính sách mà bất cứ đơn vị nào cũng phải chú tâm thực hiện. Nếu mỗi cán bộ tín dụng không thực sự đam mê công việc, không thực sự nghĩ cho người nghèo, sẽ khó lòng hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH Vị Xuyên đang quản lý hơn 680 tỷ đồng dư nợ, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 18%/năm giai đoạn 2020 - 2025. Tổng dư nợ đã tăng hơn 331 tỷ đồng trong nhiệm kỳ. Phòng giao dịch thường xuyên phục vụ trên 11 nghìn khách hàng, với 24 điểm giao dịch cố định.
Nguồn vốn chính sách đã thực sự trở thành "bà đỡ" cho công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững tại địa phương; với hơn 11.500 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay ưu đãi; 2.460 lao động có việc làm mới, 1.038 hộ thoát nghèo, trên 2.400 công trình nước sạch - vệ sinh môi trường được xây dựng, cải tạo. Đặc biệt, có 145 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất - một chính sách ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc.
Dành sự quan tâm cho cán bộ nữ
Như trên đã nói, Hà Giang là địa bàn hiểm trở, chia cắt nên để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng một cách kịp thời thì các cán bộ tín dụng phải cố gắng rất nhiều. Đặc biệt, với cán bộ nữ thì sự vất vả còn tăng gấp hai, gấp ba. Chính vì thế, từ thực tiễn bản thân, Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Bắc Quang Nguyễn Thị Hằng đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các cán bộ nữ. Và phong trào Phát huy vai trò cán bộ nữ trong phong trào thi đua "Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà" là một trong những cách "yêu thương", động viên chị em của Giám đốc Nguyễn Thị Hằng.
Bà Hằng chia sẻ, khi còn là nhân viên, bà đã nhận thức rõ mặt tích cực của Phong trào thi đua "Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà" trong việc khuyến khích và tôn vinh những người phụ nữ vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Do đó, bà Hằng đã luôn phấn đấu, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao kể cả khi là nhân viên cho đến nay đang ngồi ở vị trí lãnh đạo.
Cũng chính từ sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến đội ngũ cán bộ nữ, đã góp phần giúp Phòng Giao dịch Bắc Quang hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong nhiều năm liền. Đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương sang Phòng giao dịch đạt 10.993 triệu đồng, tăng 8.218 triệu đồng so với năm 2020; dư nợ tín dụng của NHCSXH huyện đạt 740 tỷ đồng, tăng 329,5 tỷ đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 10% trở lên.
Doanh số cho vay giai đoạn 2020 - 2025 đạt 905 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 525,6 tỷ đồng, tỷ lệ quay vòng vốn 5 năm qua đạt gần 58%/tổng số nguồn vốn tăng trưởng, tỷ lệ hoàn thành 99,8% trở lên kế hoạch được giao. Nguồn vốn được chuyển tải kịp thời, giúp giảm 923 hộ nghèo, cận nghèo tương đương 3,5% trong giai đoạn 2020 - 2025.
Mỗi người mỗi việc, tận tụy, kiên trì và đầy trách nhiệm, cán bộ NHCSXH tại Hà Giang đang góp phần viết tiếp câu chuyện nhân ái nơi biên cương Tổ quốc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của chính sách tín dụng ưu đãi đến từng thôn, bản xa xôi.
Bình Nhi